Sau khi đồng loạt khởi sắc trong phiên thứ Ba để lập mức cao lịch sử mới, phố Wall đã có sự trái chiều trong phiên thứ Tư.
Trong phiên giao dịch này, giới đầu tư đã ồ ạt bán tháo cổ phiếu công nghệ khiến cổ phiếu các đại gia nha Amazon, Apple, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Facebook, giảm mạnh từ 2-4%, góp phần khiến chỉ số S&P công nghệ giảm 2,6%, mức giảm mạnh nhất trong 5 tháng.
Với việc nhóm cổ phiếu công nghệ bị bán tháo mạnh, chỉ số Nasdaq đã giảm sâu hơn 1%. Tuy nhiên, dòng tiền lại tìm đến nhóm cổ phiếu tài chính, công nghiệp và y tế giúp Dow Jones tiếp tục duy trì đà tăng tốt để thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, trong khi S&P 500 chỉ giảm rất nhẹ khi đóng cửa.
Trong phiên thứ Tư, chỉ số S&P tài chính tăng 1,8%, trong đó cổ phiếu của JPMorgan tăng 2,3%, Wells Fargo tăng 2%; chỉ số S&P công nghiệp tăng 0,9%, dẫn đầu là các cổ phiếu vận tải.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh sau khi Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen giải trình trước Quốc hội rằng, nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung đã có nhiều cải thiện, đảm bảo cho một đợt tăng lãi suất nữa vào cuối năm nay. Nếu Fed tăng lãi suất, các ngân hàng sẽ được hưởng lợi.
Kết thúc phiên 29/11, chỉ số Dow Jones tăng 103,97 điểm (+0,44%), lên 23.940,68 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,97 điểm (-0,04%), xuống 2.626,07 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 88,02 điểm (-1,27%), xuống 6.824,34 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, dù tăng mạnh đầu phiên (ngoại trừ chứng khoán Anh) nhờ phản ứng tích cực với phố Wall phiên trước đó, cũng như sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhưng các chỉ số hạ nhiệt dần vào cuối phiên do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu công nghệ, năng lượng và khả năng Fed tăng lãi suất.
Trong khi đó, với những lo ngại về Brexit, chứng khoán Anh giảm ngay khi bước vào phiên giao dịch ngày thứ Tư và đà giảm nới rộng dần vào cuối phiên khi lực bán diễn ra mạnh ở các thị trường khác trong khu vực và đồng bảng Anh tăng mạnh so với đồng USD.
Kết thúc phiên 29/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 67,09 điểm (-0,90%), xuống 7.393,56 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 2,34 điểm (+0,02%), lên 13.061,87 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 7,58 điểm (+0,14%), lên 5.398,05 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, bất chấp vụ thử tiên lửa mới của Triều Tiên, chứng khoán Nhật Bản vẫn hồi phục tốt trở lại trong phiên thứ Tư nhờ hiệu ứng từ chứng khoán Mỹ trong phiên trước đó. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục giảm nhẹ, còn chứng khoán Trung Quốc đảo chiều thành công để chốt phiên với sắc xanh nhạt sau khi mất điểm trong phiên sáng.
Kết thúc phiên 29/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 110,96 điểm (+0,49%), lên 22.597,20 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 57,02 điểm (-0,19%), xuống 29.623,83 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 4,21 điểm (+0,13%), lên 3.337,86 điểm.
Bất chấp căng thẳng địa chính trị sau khi Triều Tiên thử tiên lửa đạn đạo mới, giá vàng vẫn có phiên giảm sâu. Dường như, giới đầu tư cho rằng, căng thẳng địa chính trị trên bán đảo Triều Tiền sẽ không bị đẩy đi quá xa, trong khi nỗi lo cận kề là Fed tăng lãi suất vào cuối năm, nên đẩy mạnh bán mạnh, khiến giá vàng có phiên giảm sâu.
Kết thúc phiên 29/11, giá vàng giao ngay giảm 10 USD/ounce (-0,77%), xuống 1.283,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 12,8 USD/ounce (-0,99%), xuống 1.282,1 USD/ounce.
Giá dầu thô tiếp tục có phiên giảm thứ 3 liên tiếp trong phiên thứ Tư khi bộ trưởng dầu mỏ các nước OPEC và các nước sản xuất dầu lớn ngoài khối này mâu thuẫn về lộ trình mở rộng thỏa thuận cắt giảm sản lượng ngay trước thềm cuộc họp tại Vienna (Áo).
Kết thúc phiên 29/11, giá dầu thô Mỹ giảm 0,69 USD (-1,19%), xuống 57,30 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,50 USD (-0,78%), xuống 63,1 USD/thùng.