Phát triển là tất yếu
Đất nước đang từng bước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều này đồng nghĩa với sự phát triển toàn diện ở tất cả các lĩnh vực từ hạ tầng giao thông, bộ mặt đô thị như là một quá trình tất yếu của sự phát triển.
Với một đô thị là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa như Thủ đô Hà Nội, việc quy hoạch lại để có một trục giao thông đường sắt tương xứng về quy mô và hiện đại là cần thiết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sẽ phải tính toán kỹ nếu việc xây dựng lại quần thể ga Hà Nội có những tòa nhà liên quan đến yếu tố thương mại.
Trước hết, nhìn nhận ga Hà Nội với vai trò là trục hình thành nên đô thị Hà Nội, để thành phố phát triển cho đến nay và nhiều năm sau này. Thực tế, tuyến đường sắt liên tỉnh và ga Hà Nội đã trở thành một trong những cấu trúc của thành phố, có tác động quan trọng đến các trục giao thông và cảnh quan, đồng thời tác động tích cực đến các phân khu đô thị chung quanh nó, hình thành một “cơ thể” hoàn chỉnh, mà tuyến đường sắt được ví như là “xương sống”.
Ảnh: Dũng Minh.
“Hãy thử tưởng tượng, 100 năm qua, ga Hà Nội và cầu Long Biên đã đóng vai trò như thế nào đối với giao thông vào nội đô và ngược lại”, một kiến trúc sư nêu vấn đề.
Ga Hà Nội ngày nay (trước đây được gọi là ga Hàng Cỏ) là công trình hơn 100 tuổi, một trong những biểu tượng của Thủ đô, có giá trị lịch sử và văn hóa. Mỗi ngày ở ga Hà Nội có hàng trăm chuyến tàu đi và đến của các tuyến Hà Nội - TP.HCM, Lào Cai, Hải Phòng… và ngược lại. Đó là sự kết nối với các trung tâm đô thị khác từ xa. Rõ hơn là sự chia sẻ nguồn lực với các đô thị khác và đương nhiên nó cần sự phát triển để bắt kịp với thời cuộc.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết: “Việc quy hoạch lại ga Hà Nội là hoàn toàn đúng, nó phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Nó đáp ứng cho một Hà Nội sau khi được mở rộng, phát triển văn minh hiện đại mà chúng ta đang hướng tới”.
Nhưng phải hài hòa trong tổng thể
Theo TS. Trương Vĩnh Khang (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), phát triển là tất yếu, nhưng không có nghĩa là làm ồ ạt, không đồng bộ, không thống nhất với tổng thể phát triển của thủ đô.
“Việc đầu tiên ở quy hoạch này là cần tính đến khả năng mật độ dân cư quá đông đúc sẽ làm vô hiệu quá tính chất của một công trình hạ tầng giao thông quan trọng và việc dựng lên những tòa nhà quá cao sẽ phá vỡ cảnh quan tổng thể khu vực nội đô. Tôi có đến Nhật Bản, người ta cũng rất nhiều ga cổ nhưng họ để lại kiến trúc đẹp, tôn tạo nó và gần quanh đấy là có ga vệ tinh.
Mặt khác, đây là một công trình văn hóa, nên tính đến việc biến nó thành điểm du lịch. Đến biệt thự cũ do người Pháp xây dựng còn được đưa vào diện bảo tồn, huống gì là một ga tàu có kiến trúc đặc thù và thân thuộc với bao thế hệ người thủ đô”, ông Khang góp ý.
Ông Trần Minh Tuấn, Việt kiều Đức, hiện đang là giám đốc một công ty chuyên cung cấp thiết bị tòa nhà thông minh, hệ thống máy bơm, cứu hỏa chia sẻ, nếu Hà Nội quy hoạch khu ga xây các tòa nhà cao từ 40 - 70 tầng thì vấn đề đầu tiên phải tính đến đó là an ninh, an toàn phòng chống cháy nổ trong một khu vực có mật độ dân cư rất đông sẽ ra sao. Bởi, trên thực tế, ở Việt Nam hiện nay, lực lượng cứu hỏa chỉ tiếp cận được đến tầng 10 -12, còn từ tầng 13 trở lên là khó tiếp cận và hầu như không tiếp cận được vì hệ thống máy móc hạn chế.
“Hơn nữa, ngay tại những nước phát triển như Đức, người ta rất ít xây các tòa nhà cao chọc trời như thế này, nhất là trong phố, vì cảnh quan sẽ trở nên khập khiễng”, ông Tuấn cho hay.
Chia sẻ với phóng viên Đầu tư Bất động sản, PGS.TS. Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, nhiều nước trên thế giới vẫn để đường sắt trong nội thành, ví dụ như Bắc Kinh (Trung Quốc), nhưng họ có quy mô, quy hoạch hợp lý.
“Việc xây các tòa nhà chung cư cao tầng, khu vui chơi, nghỉ dưỡng… trong quy hoạch ga nội thành cần được tính toán kỹ ngay cả với bài toán kinh tế đơn thuần. Vì ai đi đến chỗ đầu mối giao thông để vui chơi, đời sống cao, nghỉ dưỡng nhưng lại ở ga tàu liệu có hợp lý? Liệu tiếng ồn có đảm bảo chất lượng sống cho người dân? Mặt khác, chúng ta đang nói giãn dân ra ngoài trung tâm đô thị cho đỡ ùn tắc giao thông, mà xây các tòa nhà 40 - 70 tầng ở đây, vấn đề giao thông sẽ được giải quyết thế nào? Bên cạnh đó, nếu xây dựng như vậy có phá vỡ quy hoạch không? Xây cao như thế thì nhìn sang phía Ba Đình, Hồ Gươm sẽ như thế nào?”, PGS.TS. Lê Quý Đức phân tích.
Về lĩnh vực văn hóa, ông Đức cũng cho rằng, đây là kiến trúc của người Pháp, nhưng nó đã được nội sinh hóa từ người Việt. Bởi những câu chuyện như tiễn nhau đi đánh giặc, tiễn nhau vào Nam, ra Bắc, đi làm ăn của người dân đã gắn kết họ với ga Hà Nội. Đồng ý là xây dựng một ga mới và giữ lại đường sắt trung tâm, nhưng sự hài hòa là điều cần tính đến.
Ở một góc nhìn khác, kiến trúc sư Tùng phân tích, việc cụ thể hóa quy hoạch chung bằng quy hoạch phân khu ga Hà Nội là rất cần thiết, vì ga Hà Nội hiện đã quá cũ, chúng ta đã cải tạo đôi lần nhưng vẫn chưa đáp ứng được diện mạo đường sắt đô thị hiện đại.
“Tuy nhiên, quy hoạch này cực kỳ lớn với 98,1 ha, nhưng thực tế ga Hàng Cỏ chỉ 51 ha, còn lại là vấn đề cảnh quan, trung tâm tài chính, thương mại, khu nghỉ dưỡng, đời sống cao…
Với một dự án liên quan đến rất nhiều phường ở các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa và Hoàn Kiếm, vấn đề minh bạch hóa thông tin phải được đặt ra càng sớm càng tốt. Vì với công trình lớn như quy hoạch ga Hà Nội, với dự toán khoảng 1 tỷ USD, nếu không xã hội hóa, không có vốn của nhà đầu tư, Hà Nội sẽ khó thực hiện được.
Khi đã có sự tham gia của nhà đầu tư thì phải minh bạch quyền lợi và trách nhiệm của các bên, của người dân, của Nhà nước, của nhà đầu tư ra sao, tránh gây ra những phức tạp không đáng có sau này”, ông Tùng nhận định và nói thêm, việc kết hợp trung tâm tài chính, khu nghỉ dưỡng với nhà ga là không nên nếu xét về quan điểm kiến trúc và kinh tế.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com