Trong phiên thứ Tư, phố Wall tiếp tục mở cửa với mức tăng tích cực, các chỉ số leo lên mức đỉnh mới nhờ kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp được công bố và đồng USD xuống thấp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp của Mỹ. Tuy nhiên, các chỉ số sau đó đồng loạt đảo chiều khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) rằng, các cơ quan thương mại Mỹ đang điều tra liệu có trường hợp để hành động chống lại các vi phạm về sở hữu trí tuệ của Trung Quốc hay không.
Phát biểu này khiến giới đầu tư lo lắng về cuộc chiến thương mại giữa 2 nên kinh tế lớn nhất thế giới và ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có bài phát biểu tại Davos vào thứ Năm và giới đầu tư đang tập trung vào sự kiện này, nhất là chính quyền của ông Trump đang đưa ra kế hoạch đánh thuế cao với máy giặt và pin mặt trời nhập khẩu vào nước này. Trong khi đó, phần lớn pin mặt trời nhập khẩu vào Mỹ lại xuất đi từ thị trường Trung Quốc.
Theo báo cáo của Thomson Reuters, lợi nhuận trong quý IV/2017 của các doanh nghiệp trong S&P 500 tăng 12,4%. Trong số 88 công ty trong danh mục đã công bố kết quả kinh doanh, 78,4% vượt qua kỳ vọng so với tỷ lệ trung bình 72% trong bốn quý gần nhất.
Trong khi đó, đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 3 năm sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, ông hoan nghênh một đồng USD suy yếu.
Với kết quả kinh doanh khả quan, nhất là từ nhóm ngân hàng, Dow Jones đã lấy lại đà tăng và đóng cửa trong sắc xanh, trong khi S&P 500 cũng hãm bớt đà giảm, chỉ còn Nasdaq là giảm mạnh khi đóng cửa.
Kết thúc phiên 24/1, chỉ số Dow Jones tăng 41,31 điểm (+0,16%), lên 26.252,12 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,59 điểm (-0,06%), xuống 2.837,54 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 45,23 điểm (-0,61%), xuống 7.415,06 điểm.
Với những tuyên bố của giới chức Mỹ và đồng USD sụt giảm mạnh so với các đồng tiền khác như bảng Anh, euro, đã khiến chứng khoán châu Âu đồng loạt lao dốc trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 24/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 88,40 điểm (-1,14%), xuống 7.643,43 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 144,86 điểm (-1,07%), xuống 13.414,74 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 40,10 điểm (-0,72%), xuống 5.495,16 điểm.
Việc đồng USD giảm mạnh so với đồng yên cũng khiến chứng khoán Nhật Bản quay đầu giảm mạnh trong phiên thứ Tư sau 2 phiên hồi phục nhẹ đầu tuần. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông tiếp tục duy trì đà tăng, nhưng mức tăng khiêm tốn hơn nhiều so với các phiên trước, đặc biệt là chứng khoán Hồng Kông đang có dấu hiệu đuối sức sau chuỗi ngày dài tăng liên tiếp (7 phiên).
Kết thúc phiên 24/1, chỉ ố Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 183,37 điểm (-0,76%), xuống 23.940,78 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 27,99 điểm (+0,09%), lên 32.958,69 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 12,96 điểm (+0,37%), lên 3.559,47 điểm.
Với đà giảm mạnh của đồng USD, giá vàng đã tăng lên mức cao nhất 1 năm rưỡi trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 24/1, giá vàng giao ngay tăng 16,8 USD/ounce (+1,25%), lên 1.357,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2018 tăng 19,6 USD/ounce (+1,47%), lên 1.356,3 USD/ounce.
Giá dầu thô cũng tăng mạnh trong phiên thứ Tư khi đồng USD xuống thấp và kho dự trữ dầu thô của Mỹ có tuần giảm thứ 10 liên tiếp theo công bố của Viện Dầu khí Mỹ (API).
Kết thúc phiên 24/1, giá dầu thô Mỹ tăng 1,14 USD (+1,74%), lên 65,61 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,57 USD (+0,81%), lên 70,53 USD/thùng.