Theo Bloomberg, tình trạng “chết mòn” đang len lỏi trên thị trường bất động sản thương mại toàn cầu. Kể cả khi các thị trường chứng khoán phục hồi và nhà đầu tư hy vọng tốc độ của chu kỳ tăng lãi suất nhanh nhất trong nhiều thập kỷ đang diễn ra sẽ giảm xuống, những vấn đề của thị trường bất động sản sẽ còn dai dẳng trong nhiều năm.
Theo Wall Street Journal, mỗi tháng có thêm 5 đến 10 tòa nhà văn phòng tại Mỹ đối mặt nguy cơ vỡ nợ do tỷ lệ lấp đầy luôn ở mức thấp hoặc do lãi suất vay ngân hàng cao hơn khiến các chủ toà nhà bất động sản văn phòng gặp khó khăn trong việc trả các khoản nợ đáo hạn.
Riêng tại Mỹ, các khoản vay bất động sản thương mại trị giá khoảng 1.400 tỷ USD sẽ đáo hạn trong năm nay và năm sau, theo số liệu của Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp Mỹ (MBA). Khi đến hạn trả nợ, các chủ bất động sản phải trả tiền gốc lớn có thể sẽ chọn cách phá sản thay vì tiếp tục vay tiền để đảo nợ.
Ngay cả Brookfield Corp., một trong những công ty bất động sản lớn nhất thế giới, cũng đã không còn khả năng chi trả các khoản vay thế chấp bằng tòa nhà văn phòng trị giá 161,4 triệu USD. Một ví dụ khác là Pacific Investment Management Co. cũng không thể thanh toán khoản vay thế chấp bằng văn phòng trị giá 1,7 tỷ USD ở các thành phố lớn như Boston, New York và San Francisco. Những sự kiện này đã gây chấn động khắp ngành cho thuê văn phòng tại Mỹ cũng như trên thế giới.
Theo Bloomberg, các cơ quan quản lý ngành tài chính, ngân hàng tại Mỹ đang đề nghị các ngân hàng, công ty tài chính làm việc với những người đi vay có "uy tín" và có điểm tín dụng tốt để cùng tìm cách xử lý các căng thẳng trên thị trường bất động sản thương mại.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC), Văn phòng Kiểm soát tiền tệ (OCC) và Cơ quan Quản lý liên minh tín dụng quốc gia (NCUA) nhấn mạnh yêu cầu các ngân hàng cần "làm việc thận trọng và có tính xây dựng".
Hướng dẫn mới của các nhà quản lý tài chính này là khuyến nghị các ngân hàng nên cung cấp các khoản vay ngắn hạn hoặc đồng ý hoãn thanh toán, chấp nhận thanh toán một phần hoặc cung cấp hỗ trợ khác cho các chủ toà nhà bất động sản thương mại có uy tín.
Lãi suất tăng cao khiến chi phí vay cũng tăng mạnh, cùng với việc các mô hình làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch đã gây khó khăn cho hoạt động cho thuê văn phòng, từ đó khiến lợi nhuận cho thuê văn phòng suy giảm, đồng thời kéo giá trị tài sản các toà nhà văn phòng giảm 25% so với năm ngoái, theo Green Street.
Một báo cáo gần đây của MSCI Real Assets cho biết, nhiều nhà phát triển bất động sản thương mại đang gặp khó khăn hoặc các tài sản là toà nhà thương mại buộc phải bán vì chủ sở hữu không thể trả các khoản thế chấp của họ, giá trị các toà nhà thương mại văn phòng bị bán bắt buộc đã tăng 10% lên khoảng 64 tỷ USD trong quý 1/2023.
Có nhiều dự báo cho rằng các ngân hàng và các quỹ tài chính sẽ phải đối mặt với các cuộc đàm phán khó khăn với các "con nợ" khi khoản nợ gần 400 tỷ USD bất động sản thương mại sẽ đáo hạn trong năm nay.