Với sự vào cuộc tích cực của Agribank, chính sách cho vay tái canh cà phê đã đến với từng buôn làng xa xôi, giúp các hộ dân tái canh cây cà phê, bảo đảm sinh kế lâu bền

Với sự vào cuộc tích cực của Agribank, chính sách cho vay tái canh cà phê đã đến với từng buôn làng xa xôi, giúp các hộ dân tái canh cây cà phê, bảo đảm sinh kế lâu bền

Gieo “vàng nâu” trên đất Tây Nguyên

(ĐTCK) Tháng 2, nhiều vạt rừng của Lâm Đồng đã bật trắng sắc hoa cà phê. Nhờ chương trình cho vay tái canh cây cà phê thông qua Agribank từ năm 2013, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ động tham mưu và đề xuất Chính phủ triển khai, hơn 40.000 ha cà phê đang hứa hẹn một vụ mùa bội thu cả về lượng và chất. Rồi đây, cùng những hạt “vàng nâu” xuất khẩu với giá trị gia tăng ngày một cao, Tây Nguyên sẽ có thêm những lực đẩy phát triển kinh tế mới từ chính những ấm no đủ đầy trong những nếp nhà.

Khi người tiên phong tăng tốc

Còn nhớ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 năm 2013, trước thực trạng diện tích cà phê già cỗi của khu vực Tây Nguyên đã đáng báo động, NHNN cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nghiên cứu, xây dựng phương án cho vay tái canh cây cà phê theo hướng có thể triển khai ngay tại từng tỉnh khu vực Tây Nguyên. NHNN đã chủ động tham mưu, đề xuất Chính phủ triển khai chương trình cho vay tái canh cây cà phê giai đoạn 2014 - 2020  thông qua Agribank và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và chỉ đạo tại văn bản số 1685/VPCP-KTTH, ngày 12/3/2015.

Theo kế hoạch tái canh cà phê ở Tây Nguyên đến năm 2020, tại Quyết định Phê duyệt Đề án tái canh cà phê các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020 số 4521/QĐ-BNN-TT ngày 21/10/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2014 - 2020 sẽ trồng và ghép cải tạo khoảng 120.000 hecta cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, trong đó trồng tái canh khoảng 90.000 hecta, ghép cải tạo khoảng 30.000 hecta. Để thực hiện đề án này, nguồn vốn đầu tư ước khoảng 13 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu từ nguồn vốn tín dụng của Agribank.

Tuy nhiên đó không phải là dòng vốn duy nhất cho chương trình tái canh cà phê. Để chính sách có thể đi sát hơn vào đời sống, hỗ trợ kịp thời nhu cầu của người dân, Agribank đã tận dụng các chính sách tín dụng cho khu vực nông nghiệp nông thôn. Với thị phần chiếm 1/3 nguồn vốn của ngành ngân hàng đầu tư cho khu vực Tây Nguyên, 87% nguồn vốn tại khu vực này được Ngân hàng dành đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và riêng tín dụng đối với ngành cà phê, dư nợ cho vay tại Tây Nguyên của Agribank chiếm 30% tổng dư nợ cho vay ngành cà phê của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Là nơi khởi động chương trình cho vay tái canh cà phê khu vực Tây Nguyên, ông Nguyễn Xuân Hòa, Giám đốc Agribank Chi nhánh Lâm Đồng cho biết, từ trước đến nay các chi nhánh của Agribank trên địa bàn chiếm 32% dư nợ cho vay trong số 21 chi nhánh ngân hàng thương mại có mặt tại đây, chưa kể các quỹ tín dụng nhân dân, luôn giữ quy mô cho vay lớn nhất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Tính đến năm 2017 Agribank Lâm Đồng có tổng dư nợ xấp xỉ 11.541 tỷ đồng, trên 9.000 tỷ đồng (chiếm 84%) cho vay liên quan đến nông nghiệp nông thôn, tập trung vào những loại cây thế mạnh của tỉnh như chè, cà phê, rau và hoa.

Đặc biệt, từ tháng 5/2013 đến nay, Agribank Lâm Đồng luôn xác định việc tài trợ vốn cho tái canh cà phê là chương trình tín dụng trọng tâm của chi nhánh. Không chỉ thực hiện tốt các ưu đãi từ chương trình tín dụng cho vay tái canh cà phê, các chính sách hỗ trợ khác từ Chi nhánh đã đưa Lâm Đồng trở thành điểm sáng trong bức tranh tái canh cây cà phê cũng như cho vay tái canh cà phê ở khu vực này.

Ngay sau văn bản ghi nhớ “thỏa thuận về việc tài trợ vốn đầu tư tái canh cho diện tích cà phê già cỗi tại tỉnh Lâm Đồng” được ký kết giữa Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank với Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên ngày 12/4/2013; Quyết định số 872/QĐ-UBND 09/05/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về việc “Phê duyệt Kế hoạch tái canh, cải tạo giống cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2015”; Văn bản số 3227/NHNN-TD ngày 11/5/2015 của Thống đốc NHNN Việt Nam về việc hướng dẫn cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên…, Chi nhánh đã chủ động, tích cực và quyết liệt trong chỉ đạo cũng như trong tổ chức triển khai thực hiện, nhờ vậy đã đạt được những kết quả cụ thể.

Duy trì để phát triển

Ông Đỗ Đức Miến, người Thái Bình đi kinh tế mới năm 1992 vào thôn Lộc Châu 3, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng cho biết, thời điểm đó, 3,5 hecta đất của gia đình chỉ trồng cà phê giống cũ, chăm sóc mất nhiều công nhưng hiệu quả không cao. Do vậy, khi có giống mới, người dân rất mừng vì thu nhập hiệu quả hơn trước bởi giống khỏe, có khả năng kháng bệnh và gặp bệnh nào xử lý riêng bệnh đó.

“Không như trước kia, cứ đến mùa là các nhà sặc sụa mùi thuốc sâu phun chống bệnh cho cây, giờ đây đã không còn như vậy”, ông Miến nói.

Để tái canh cà phê, vấn đề quan trọng nhất đối với người dân là đồng vốn. Ông Miến ước tính, 1 hecta sẽ phải chi phí từ 1,4 - 1,5 triệu đồng đảo đất, chưa tính đến công cắt, thu dọn; 1 hecta cần khoảng 100 triệu đồng tiền giống cây… Tính trung bình chi phí khoảng trên 20 triệu đồng/sào, nếu khéo co kéo thì vừa bằng 20 triệu đồng/sào. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ, gia đình ông đã có thể tái canh cà phê. Điểm quan trọng nhất là, trước khi tái canh, thu hoạch của gia đình chỉ đạt 2 tấn/hecta nhưng sau đó, 1 hecta đã thu về 5,6 tấn.

“Nguồn vốn cần lớn trong khi những ngày đầu, năng lực của gia đình còn hạn chế nên mong muốn có càng nhiều vốn để cho bà con tái canh cà phê sớm ngày nào hay ngày ấy”, ông Miến chia sẻ.

Tương tự, hộ gia đình ông Lê Đỗ Thanh ở thôn Đồng Lạc, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh cho biết, đầu tư trồng giống mới tốn kém gấp 1,5 lần chi phí cho giống cũ. Gia đình ông múc đất lên trồng mới, chưa kể giống, đã phải chi phí tới 60 triệu đồng… Tổng cộng các khoản chi phí trên 160 triệu/ha mà 1 - 2 năm mới có thu hoạch.

“Đầu tư vốn rất lớn nên dù nhìn thấy lợi ích sau tái canh sản lượng tăng gấp đôi, nhưng nhà nước cho vay vốn mới dám làm, chứ vay bên ngoài là chịu”, ông Thanh nói.

Ông Nguyễn Hữu Phụng, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Di Linh cho biết, cả hai gia đình trên đều đang vay vốn tại Agribank, khoản vay 400 triệu đồng đã được giải ngân 280 triệu đồng với lãi suất là 6,5%/năm.

Chia sẻ thêm về chương trình hỗ trợ, ông Phụng cho biết, trước chủ trương của Chính phủ, Agribank Di Linh đã tích cực triển khai cho vay tái canh cà phê theo 2 chương trình: thứ nhất, từ nguồn tái cấp vốn của NHNN với lãi suất cho vay trong thời gian ân hạn là 6,5%/năm và ngoài thời gian ân hạn là 9%/năm; thứ hai, chương trình cho vay trên cơ sở nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới tài trợ trong thời gian ân hạn lãi suất là 6,8%/năm và ngoài thời gian ân hạn theo lãi suất thị trường.

“Trong thời gian triển khai, lãi suất cho vay của Agribank thấp hơn thị trường giúp bà con có điều kiện thực hiện tái canh cây cà phê mạnh mẽ. Hiện doanh số cho vay của Di Linh đạt trên 200 tỷ đồng. Điều quan trọng là nguồn vốn mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con. Các hộ đang trả dần và dư nợ hiện còn 98 tỷ đồng”, ông Phụng nói.

Hướng tới tương lai

Theo ông Trần Văn Anh, Giám đốc NHNN tỉnh Lâm Đồng, Agribank Lâm đồng với tư cách là một chi nhánh ngân hàng thương mại 100% vốn Nhà nước đã thể hiện vai trò chủ đạo, chủ lực trong hệ thống ngân hàng trên địa bàn. Cụ thể, về cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/CP, chi nhánh đã có dư nợ trên 9.800 tỷ đồng, chiếm 88% tổng dư nợ của chi nhánh và đạt trên 22% dư nợ vay phát triển nông nghiệp nông thôn của ngành ngân hàng toàn tỉnh. Riêng việc thực hiện chính sách tín dụng tái canh cây cà phê, doanh số cho vay năm 2017 là 154 tỷ đồng, tăng 4% so với năm trước.

“Đây là con số khá lớn trong việc cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn”, ông Văn Anh nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Yên, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, Agribank là 1 trong 53 tổ chức tín dụng của toàn tỉnh Lâm Đồng đã đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Dư nợ tại Lâm Đồng hiện trên 60 nghìn tỷ đồng, trong đó 22 nghìn tỷ đồng là của Agribank. Trong bối cảnh vốn tự có của người dân và doanh nghiệp không nhiều, Agribank là kênh tín dụng cung cấp vốn trên địa bàn, góp phần lớn vào quá trình xóa đói giảm nghèo.

“Chúng tôi rất tự hào bởi năm 2017, bình quân thu nhập cho 1 hecta nông nghiệp tại Lâm Đồng đã đạt 158 triệu đồng, nghĩa là tăng gần gấp 2 so với bình quân chung của cả nước. Trong đó, vai trò hay có thể khẳng định công lao của Agribank là rất lớn”, ông Yên nhấn mạnh.

Là lãnh đạo tỉnh nắm lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ông Yên cho biết, tái canh cà phê ở Lâm Đồng rất hiệu quả. Cụ thể, toàn tỉnh có khoảng 158 nghìn hecta cà phê, trong đó có khoảng trên 50.000 hecta già cỗi, năng suất thấp dưới 2 tấn/hecta và đã nhiều năm dự kiến một chương trình tái canh đồng loạt trên toàn tỉnh.

“Quá trình triển khai chương trình tái canh cây cà phê rất thuận lợi. Đến hết năm 2017, Lâm Đồng đã tái canh 47.000 hecta, tăng hơn 2 lần cho thấy kết quả rất tốt. Cơ bản đến năm 2017, các vườn cà phê già cỗi đã được tái canh hết. Có những vườn lên tới 10 tấn/hecta, trong khi trước thời điểm tái canh chỉ đạt 1,5 - 1,8 tấn do già cỗi, giúp năng suất bình quân chung của sản lượng cà phê trên địa bàn tăng từ 2,4 tấn/hecta lên 3,06 tấn/hecta. Theo đó, năm 2017, Lâm Đồng đạt 454.000 tấn cà phê nhân, đem lại thu nhập cho người dân cao hơn”, ông Yên nói.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với sự sát sao của NHNN, sự vào cuộc tích cực của Agribank, chính sách cho vay tái canh cà phê đã đến với từng buôn làng xa xôi, giúp các hộ dân tái canh cây cà phê, bảo đảm sinh kế lâu bền. Chương trình dành riêng cho người nông dân, hiệu quả thiết thực không ngắt quãng thu nhập đã giúp cho ông Miến, ông Thanh và những người nông dân Tây Nguyên có quyền hy vọng một mùa cà phê khá hơn nhiều so với trước.