Nhiều điều kiện kinh doanh dù không hợp lý nhưng vẫn được trình để đưa vào nghị định
Quy định lạc hậu, Bộ Công Thương vẫn muốn giữ
Trong một lần trao đổi với phóng viên Dân Trí gần đây, một vị chuyên gia kinh tế đầu ngành đưa ra đánh giá, Bộ Công Thương mặc dù là cơ quan nhẽ ra phải đảm bảo tính cạnh tranh cho môi trường kinh doanh thì lại chính là nơi ban hành nhiều quy định thiếu cạnh tranh nhất. Điều này phần nào thể hiện ở một số điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đang được bộ này đưa vào dự thảo nghị định trình Chính phủ phê duyệt.
Trong bản góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây về ĐKKD, cơ quan này đã thẳng thắn đề nghị đề nghị bãi bỏ Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống và nêu rõ "bỏ các yêu cầu tại Điều 1 Thông tư đó chứ không phải là chuyển các điều kiện trong đó lên Nghị định".
Cụ thể, Điều 1 Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, phải nộp bổ sung giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật (1 bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân).
Ngoài ra, còn có giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp (1 bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân).
Hiện tại, Điều 51 dự thảo đã bỏ quy định "Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp: 1 (một) bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân" còn quy định liên quan đến giấy ủy quyền hoặc giấy chỉ định của chính hãng sản xuất không được đề cập.
Trong khi phía cơ quan soạn thảo cho rằng, quy định này chỉ là thủ tục hành chính, không phải là điều kiện kinh doanh, do đó vẫn giữ ở thông tư song VCCI khẳng định điều này là chưa hợp lý.
Cụ thể, VCCI chỉ ra rằng, yêu cầu thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu phải có thêm 2 loại giấy tờ trên, được xem là một hình thức của điều kiện kinh doanh (phải đáp ứng các yêu cầu này mới được phép nhập khẩu) theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư. Vì vậy, quy định tại Thông tư 20 là không còn phù hợp với yêu cầu tại Điều 7 Luật đầu tư về loại văn bản được phép quy định về điều kiện kinh doanh.
Hàng loạt doanh nghiệp gặp khó khăn, Bộ vẫn "cố thủ"
Cũng theo VCCI, yêu cầu phải có giấy ủy quyền của chính hãng có thể tạo ra ưu thế cho một số thương nhân đã có giấy ủy quyền, những thương nhân khác không có giấy tờ này, muốn được tiếp tục kinh doanh ô tô nhập khẩu, phải mua qua một khâu trung gian là các thương nhân này.
"Thực tế, từ khi quy định này ra đời - quy định tại Thông tư 20/2011/TT-BCT nay được nâng lên trong dự thảo Nghị định; hàng loạt các doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhập khẩu phải đóng cửa hoặc lâm vào tình trạng khó khăn", VCCI cho biết.
Đồng thời, VCCI cũng cho rằng, điều này một mặt làm méo mó cạnh tranh giữa hai nhóm thương nhân, mặt khác cũng khiến người tiêu dùng phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm nhập khẩu này.
Hơn nữa, VCCI cũng khẳng định, yêu cầu về giấy ủy quyền không mang lại lợi ích nào từ góc độ quản lý (được ủy quyền hay không được ủy quyền thì vẫn là doanh nghiệp chịu trách nhiệm - nhà sản xuất không chịu trách nhiệm gì bổ sung trong trường hợp có ủy quyền so với trường hợp không có ủy quyền cả).
Còn yêu cầu về hợp pháp hóa lãnh sự, theo VCCI, đây thực chất chỉ là một bước để kéo dài thủ tục, gây khó khăn cho việc nhập khẩu, và qua đó hạn chế nhập khẩu mà không có mục tiêu quản lý nào rõ ràng (hiện tại tất cả các hàng hóa khác, kể cả các mặt hàng nhạy cảm cũng đều không còn yêu cầu về hợp pháp hóa lãnh sự).
Trong khi đó, theo Hiệp định về tạo thuận lợi thương mại của WTO (TFA) và các cam kết về hải quan và tạo thuận lợi thương mại trong TPP, EVFTA (hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU) đều nhấn mạnh việc loại bỏ thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự đối với các hàng hóa/giấy tờ liên quan tới hàng hóa xuất nhập khẩu.
Trao đổi với báo chí tại một sự kiện do VCCI tổ chức gần đây, ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc CTCP thương mại KyLin (Hải Phòng) phản ánh, trước thời điểm Thông tư 20 được ban hành, doanh nghiệp này làm ăn phát đạt với doanh số bán hàng 200-300 xe mỗi tháng, nộp ngân sách nhà nước hơn 100 tỷ đồng tiền thuế. Thế nhưng, vào thời điểm Thông tư 20 ban hành, ông Hùng đã ký hợp đồng và chuyển 8 triệu USD đặt cọc cho lô hàng mới nhưng cho tới nay hàng vẫn chưa được nhập về và doanh nghiệp mắc kẹt 8 triệu USD nói trên.
Đáng chú ý là sau khi kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ, năm 2013 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có văn bản yêu cầu Bộ Công thương tháo gỡ khó khăn cho KyLin. Tuy nhiên, văn bản hướng tháo gỡ vướng mắc của Bộ Công thương lại yêu cầu doanh nghiệp nhập nguyên lô hàng với đúng mẫu của 2011 và thời gian là trong 6 tháng.
“Tôi có nhập một phần lô hàng ấy về nhưng lại vướng ở cơ quan hải quan do thủ tục và phải nằm ở cảng 2 tháng trời. Tôi mất 700 triệu đồng tiền lưu kho, lưu bãi”, vị giám đốc không khỏi bức xúc và cho biết, đến giờ nếu không dựa vào ngành nghề khác để "sống" thì chắc doanh nghiệp của ông đã "chết" rồi.
Phát biểu tại sự kiện trên, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiên An Phúc (Hà Nội) chua chát nói: "Tôi đại diện cho 200 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô để kiến nghị. Sau 5 năm, từ 200 doanh nghiệp nay còn lại có 20 doanh nghiệp và chủ yếu buôn bán ô tô cũ, từ doanh nghiệp lớn giờ thành doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ".
Đại diện doanh nghiệp này cũng phản ánh, bên cạnh việc làm khó cho doanh nghiệp nhập khẩu ô tô trong nước thì Thông tư 20 còn khiến thị phần của doanh nghiệp nhập khẩu trong nước được nhường lại hết cho các doanh nghiệp nước ngoài thành lập đại lý và lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài, thuế thất thu. Chưa kể, đây là một trong những nguyên nhân khiến xe nhập bị "đội giá" và người tiêu dùng Việt Nam ngày càng khó khăn hơn trong tiếp cận mua ô tô.
Ngoài Thông tư 20 thì VCCI cũng kiến nghị Chính phủ loại bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh phi lý như áp quy mô tối thiểu cho doanh nghiệp, đại lý kinh doanh gas, doanh nghiệp sản xuất phân bón vô cơ... không đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, banh hành một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công thương.