Virginia M. Rometty, Giám đốc điều hành của IBM - người gần đây được tạp chí Fortune phong tặng danh hiệu người phụ nữ quyền lực nhất trong giới kinh doanh - đã chơi một trò chơi với cái gọi là “giá trị cổ đông”: yểm trợ giá cổ phiếu bằng việc mua lại cổ phiếu quỹ theo nhiều đợt. Trong 6 tháng đầu năm, Công ty đã chi ra hơn 12 tỷ USD để mua lại cổ phiếu của chính mình. Bà cũng liên tục gửi quà cảm ơn tới các cổ đông dưới dạng các món cổ tức lớn.
Nhưng tất cả những động thái thân thiện với cổ đông này đã che đi một sự thật xấu xí: thành công của IBM trong những năm gần đây dựa trên các kỹ thuật tài chính nhiều hơn dựa trên kết quả hoạt động thực.
Sự thực đó trở nên rõ ràng hơn vào sáng thứ Hai vừa rồi khi Công ty thông báo lợi nhuận thấp hơn kỳ vọng của các chuyên gia phân tích với khoảng cách lớn. Cổ phiếu Công ty đã giảm hơn 7% xuống 169,1 USD vào cuối này, thấp hơn giá trung bình mà Buffett đã trả kể từ khi nhà đầu tư này bắt đầu mua cổ phiếu IBM vào năm 2011.
Doanh thu của Công ty không hề tăng trưởng trong những năm gần đây. Thực tế, doanh thu của IBM thậm chí còn ngang bằng với mức của năm 2008.
Nhưng IBM đã liên tục mua lại cổ phiếu của chính mình như thể đó là một mặt hàng nóng. Từ năm 2000, IBM đã chi ra khoảng 108 tỷ USD để mua lại cổ phiếu, theo báo cáo thường niên gần đây nhất. Công ty cũng chi ra 30 tỷ USD để trả cổ tức. Để tài trợ cho chương trình lớn này, IBM đã gánh lấy một khoản nợ lớn.
Trong khi chi ra 138 tỷ USD mua lại cổ phiếu quỹ và trả cổ tức, Công ty chỉ chi 59 tỷ USD vào hoạt động kinh doanh của chính mình thông qua các chi phí vốn và 32 tỷ USD vào hoạt động mua lại.
Thực ra, nói một cách công bằng, Rometty đã đi theo mục tiêu được đặt ra từ trước bởi người tiền nhiệm Samuel J. Palmisano, là đến năm 2015 phải trả 20 USD trên mỗi cổ phiếu cho cổ đông. Mãi đến thứ Hai vừa rồi, Rometty mới bãi bỏ mục tiêu này.
Những điều này là để nói rằng, IBM đã chi tiền sai mục tiêu: chi cho chổ đông thay vì xây dựng hoạt động kinh doanh của chính mình.
“Tài chính của IBM đã tự mình chứng minh rằng, chiến lược làm đẹp cổ phiếu không phải là cách tạo ra giá trị thông qua đầu tư”, David A. Stockman, Chủ nhiệm Văn phòng Quản trị và Ngân sách thuộc quyền Chủ tịch Ronald Reagan và một ông chủ ngân hàng phố Wall, viết trên website của mình hồi đầu năm nay, và gọi IBM là “một cái máy mua lại” đã chiến thắng thị trường bằng cách “xoa bóp, thuốc thang và biến tấu” thu nhập trên cổ phiếu của mình.
Việc mua lại và trả cổ tức đã giúp Công ty tránh xa các nhà đầu tư chủ động và các quỹ đầu cơ – ít nhất là đến thời điểm này. Nhưng nếu kết quả của IBM không được vực trở lại, Rometty sẽ nhanh chóng phải đối mặt với một cuộc tấn công nho nhỏ.
Rometty là một nhà quản lý có tiếng tốt, đang phải đối mặt với một cuộc đấu khó khăn không phải do bà tạo ra. Phần lớn các doanh nghiệp công nghệ thuộc thế hệ cũ, trong đó có Hewlett-Packard, đều đang rơi vào tình cảnh cam go bởi các khách hàng giờ đây đã ít phụ thuộc hơn vào các dịch vụ truyền thống và bắt đầu chuyển sang các dòng công nghệ mới.
Rometty đã đưa ra tín hiệu rằng, bà đang cố gắng để định vị lại IBM trong tương lai, và bà sẽ đi những bước lớn để tiến tới mục tiêu đó.
Nhưng giống như một vài đối thủ của mình, bà tỏ ra chậm chân. Và không may là nhà đầu tư đã không cảnh báo sớm vì họ đã quá tập trung vào việc cổ phiếu tăng giá và các khoản trả cổ tức.
IBM không đi lệch khỏi kinh doanh, mà chỉ đi xa hơn thế. Công ty có lượng tiền mặt đáng kể và khả năng tiếp cận với các thị trường vốn. Chiến lược vực dậy hoạt động kinh doanh vẫn đang theo lộ trình. Câu hỏi lớn là liệu chiến lược đó có thành công hay không.
Lịch sử của việc mua lại cổ phiếu rất trái chiều. Một số công ty đã thành công rực rỡ, một số thất bại. Tất cả là vấn đề thời gian.
Có một bí mật xấu xí về việc vì sao một vài lãnh đạo ưa thích việc mua lại cổ phiếu: trong một số trường lợp nhất định, họ có thể tạo ảnh hưởng tới lương thưởng của các lãnh đạo thông qua một số chỉ tiêu nhất định mà hội đồng quản trị sử dụng để đo kết quả hoạt động của công ty.
Tất nhiên, trong mọi câu chuyện đều có mặt trái và mặt phải. Trong trường hợp này, Buffett đã nhìn nhận ở góc độ tích cực của việc mua lại cổ phiếu. Buffett cho rằng, việc mua lại cổ phiếu có thể là một công cụ tuyệt vời cho việc tạo ra giá trị, một phần nhờ tác dụng giảm lượng cung cổ phiếu.
Nhưng dẫu sao thì trong thư thường niên 2011 của mình, Buffett cũng vẫn thừa nhận “cuối cùng, thành công của khoản đầu tư của chúng tôi vào IBM sẽ được xác định trên hết bởi thu nhập tương lai của Công ty”.