Giáp thìn - Năm đáng để chờ đợi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm Giáp Thìn được nhận định có thể còn nhiều khó khăn với ngành bất động sản Việt Nam, nhưng cũng là năm đáng để chờ đợi khi thị trường địa ốc đang ngày một chuyển biến tích cực hơn.
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS)

TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS)

1. Chọn chủ đề “Vượt qua thách thức” cho Diễn đàn thị trường bất động sản Việt Nam 2024 (VREF 2024) do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) tổ chức cách đây không lâu, đây là điều mà tôi muốn nhắn nhủ tới cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong giai đoạn này.

Chúng ta đã trải qua năm 2023 quá nhiều khó khăn, với những “cơn gió nghịch” được dự đoán trước như lạm phát tăng, thanh khoản suy giảm, niềm tin xuống thấp… đã trở thành hiện thực. Thêm vào đó, vướng mắc pháp lý dự án chậm được tháo gỡ, dòng vốn vào thị trường tắc nghẽn kéo dài…, gây sức ép lớn lên thị trường.

Dẫu vậy, sự chủ động, quyết liệt của Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, dự án đã giúp thị trường bất động sản dần chuyển biến từ nửa sau năm 2023, dù hoạt động giao dịch còn chậm.

Hàng loạt động thái chính sách từ Chính phủ đã góp phần tăng cường niềm tin và sức mạnh cho thị trường và các bên liên quan. Trong đó, Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững là quan trọng nhất, mang tính định hướng và chỉ đạo rõ ràng. Theo thời gian, các cơ chế và chính sách từ Chính phủ ngày càng đáp ứng đúng nhu cầu thực tế của thị trường và doanh nghiệp.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, các chủ đầu tư dự án thể hiện sự nhiệt tình bán hàng thông qua loạt chính sách kích thích nhu cầu hấp dẫn như chiết khấu sâu, tăng khuyến mãi, hỗ trợ lãi suất kéo dài, được nhận nhà sớm và mở rộng thời gian thanh toán, trong đó có dự án kéo dài đến 3 năm.

Thị trường bất động sản xuất hiện ngày một nhiều hơn những tín hiệu tích cực

Thị trường bất động sản xuất hiện ngày một nhiều hơn những tín hiệu tích cực

Theo đó, hoạt động giao dịch chuyển biến dần qua từng quý. Báo cáo của VARS ghi nhận, nếu như quý II/2023 có 4.000 giao dịch, tăng 37% so với quý I/2023 (2.700 giao dịch), thì sang quý III/2023 đạt gần 6.000 giao dịch, gấp 1,5 lần quý II/2023. Hoạt động giao dịch tiếp tục khả quan trong quý IV/2023, với lượng giao dịch tương đương quý III/2023.

Các dự án mở bán mới trên cả nước thời gian qua được thị trường đón nhận. Một số dự án tại các khu vực tiềm năng còn ghi nhận lượng đặt chỗ cao đột biến. Các sản phẩm nhà phố, biệt thự, bất động sản thương mại trên 5 tỷ đồng... được nhiều người quan tâm.

Bên cạnh đó, đà bật tăng của thị trường bất động sản còn đến từ yếu tố lãi suất. Hiện lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng đã giảm sâu, có nơi chỉ từ 3 - 5%/năm. Đây là động lực để người dân có tiền tích luỹ chuyển đổi sang kênh đầu tư có sức hấp dẫn hơn như bất động sản, khi thực tế mức lãi suất cho vay ưu đãi để mua bất động sản trung bình năm đầu tiên đang ở quanh mức 7 - 9%/năm. Kết quả khảo sát gần đây của VARS cho thấy, có tới 60% số người được hỏi cho biết sẽ đầu tư bất động sản nếu lãi suất tiếp tục giảm.

Nhờ đà hồi phục rõ nét của thị trường bất động sản thời gian gần đây, thị trường việc làm liên quan đến lĩnh vực này cũng sôi động trở lại. Từ cuối tháng 9/2023, nhiều công ty môi giới nhà đất lớn như Vietstarland, Newstarland, Đông Tây Land… liên tục đăng thông báo tuyển dụng từ hàng trăm đến hàng ngàn nhân viên.

Theo đó, số lượng người ứng tuyển nhân viên kinh doanh bất động sản đến cuối năm 2023 ước tăng hơn 50% so với đầu năm nhờ các chiến dịch tuyển nhân sự mạnh mẽ từ các chủ đầu tư, đại lý dự án. Thông qua đó, hàng nghìn lao động đã đến gần hơn với cơ hội “đổi đời” nhờ nghề môi giới bất động sản. Ước tính, tổng hoa hồng lĩnh vực môi giới địa ốc trong năm 2023 tăng 20% so với năm 2022, đạt 60.000 tỷ đồng.

Những con số biết nói trên cho thấy sự chuyển biến ngày một rõ nét sau giai đoạn trầm lắng kéo dài và thị trường bất động sản đang từng bước vượt qua thách thức sau khi đã “chạm đáy” khó khăn.

2. Có thể nói, câu chuyện của năm Giáp Thìn 2024 thực sự đáng để chờ đợi, cho dù vẫn còn đó những khó khăn như kinh tế thế giới dự báo tăng chậm lại (khoảng 2,4 - 2,9%), trong đó các đối tác lớn của Việt Nam gồm Mỹ, EU, Trung Quốc… phục hồi chậm.

Xét cho cùng, dù còn những tồn tại, nhưng trong tổng thể nền kinh tế, thị trường bất động sản không thể “lạc phách” trong nhịp tăng trưởng chung, mà cần phải có sự trở lại ở một tâm thế mới tốt hơn và bền vững hơn.

Với thị trường địa ốc nói riêng, đó là câu chuyện nền tảng pháp lý dần vững chắc hơn sau khi các sắc luật quan trọng như Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, Luật Đất đai sửa đổi đã được thông qua sẽ bịt những “lỗ hổng” pháp lý nhà đất đã tồn tại từ nhiều năm nay.

Đặc biệt, quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, chất lượng và tiến độ thực thi công vụ đã được Chính phủ khẳng định bằng nhiều văn bản, chỉ thị, giúp người dân và doanh nghiệp có quyền chờ đợi vào những giải pháp để có chuyển biến tốt lên.

Xét cho cùng, dù còn những tồn tại, nhưng trong tổng thể nền kinh tế, thị trường bất động sản không thể “lạc phách” trong nhịp tăng trưởng chung, mà cần phải có sự trở lại ở một tâm thế mới tốt hơn và bền vững hơn. Thị trường bất động sản hiện nay có thể không cần bùng nổ như giai đoạn trước, nhưng cần sự ổn định để phát triển trong dài hạn.

3. Đang xuất hiện ngày một nhiều những tín hiệu tích cực, song thị trường bất động sản cần thêm thời gian để hồi phục, tối thiểu là từ nửa cuối năm 2024. Trong đó, những phân khúc có mức giá phù hợp với khả năng chi trả của số đông sẽ là nhóm có khả năng phục hồi sớm nhất.

Động lực để thị trường phục hồi phụ thuộc nhiều vào hiệu quả thực hiện các chính sách gỡ vướng, khơi thông dòng chảy pháp lý dự án, động thái giảm lãi suất kèm theo đó là cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn. Điều đó cần sự cố gắng, quyết tâm của cơ quan quản lý, của những người thực thi công vụ trong việc “dám nghĩ, dám làm” để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân, trên hết là cơ chế bảo vệ những người “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” cần được cụ thể hóa, luật hóa. Có như vậy, mục tiêu “kép” phòng chống tham nhũng và phát triển kinh tế - xã hội mới đảm bảo song hành.

Ngoài ra, sự chung tay của doanh nghiệp trong nỗ lực giảm giá nhà là điều vô cùng cần thiết. Việc hy sinh lợi nhuận trước mắt để duy trì và phát triển tính bền vững dài hạn của thị trường nhà đất là điều cực kỳ cần thiết trong giai đoạn này.

Những khó khăn, thách thức vừa qua là bài học lớn cho tất cả các thành viên thị trường. Chắc chắn, sau khi vượt qua “đại hạn” này, chúng ta sẽ hoạt động một cách cẩn trọng hơn, biết “liệu cơm gắp mắm”, tự lượng sức mình và quan trọng là biết cách trang bị thêm nhiều kỹ năng, kiến thức để tăng khả năng chống chọi với các tình huống khó khăn, bất lợi.

Tin bài liên quan