Giao thương Việt - Trung: DN dự phòng tình huống xấu

Giao thương Việt - Trung: DN dự phòng tình huống xấu

(ĐTCK) Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và thương mại DIC (DIC), tại ĐHCĐ thường niên vừa qua, đề nghị cổ đông thông cảm với Ban lãnh đạo Công ty khi kế hoạch lợi nhuận chỉ tăng trưởng thấp hơn dự kiến do sự kiện biển Đông xảy ra trước thời điểm đại hội, buộc Công ty phải đặt ra một kế hoạch thận trọng.

“Hồi đầu năm, chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng gấp đôi tỷ lệ tăng trưởng đưa ra ĐHCĐ do dự đoán kinh tế khả quan. Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng sẽ có khó khăn về sức mua trong nước do ảnh hưởng của yếu tố chính trị, nên Công ty phải thận trọng hơn”, ông Hải chia sẻ với ĐTCK.

Mặc dù chưa thể xác định những trục trặc trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, nếu xảy ra, có thể tác động đến công ty mình như thế nào, nhưng hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp mà phóng viên ĐTCK tiếp xúc trong mấy tuần qua đều tỏ ra thận trọng khi đánh giá về yếu tố rủi ro này. Có lẽ sau những năm liên tiếp đối phó với rủi ro bất ổn thì các doanh nghiệp hiện nay đã hình thành phản xạ đề phòng rủi ro.

Giám đốc một công ty vận tải biển đã niêm yết cho rằng, khó lường hết rủi ro có thể xảy ra khi một đối tác thương mại lớn lại “chơi xấu”. Việc chuẩn bị ứng phó đơn giản là quản lý chặt chẽ dòng tiền, mở rộng thêm nhiều bạn hàng và nghe ngóng thường xuyên động thái của các bên để ứng phó kịp thời.

Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT CTCP Đại Thiên Lộc (DTL) chia sẻ, Công ty đã tính đến việc tìm các nhà cung cấp khác ngoài Trung Quốc để dự phòng tình huống cần thay thế.

Trong lĩnh vực xuất khẩu cá tra, ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và phát triển đa quốc gia (IDI) cho biết, thị trường Trung Quốc chiếm một tỷ trọng nhất định trong cơ cấu xuất khẩu của IDI, tuy nhiên, Công ty đã đa dạng hóa thị trường để nếu có suy giảm ở thị trường Trung Quốc thì sẽ tăng xuất khẩu vào các thị trường còn lại.

Còn bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ điện lạnh REE lại nhìn vấn đề theo hướng thấy cơ trong nguy. “Chúng ta nhìn lại, có những thứ chúng ta sản xuất được nhưng vẫn nhập khẩu từ Trung Quốc. Đến lúc phải độc lập hơn trong sản xuất”, bà Thanh nói.

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK HSC phân tích: “ Chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc 16 tỷ USD, nhập 24 tỷ USD. Trong đó, xuất chủ yếu là nông sản, còn nhập chủ yếu là hàng điện tử, máy móc, nguyên phụ liệu trong lĩnh vực dệt may, hóa chất, máy móc và đa số hàng nhập là dòng hàng chất lượng thấp và giá rẻ. Giả sử nếu không mua được các mặt hàng đó từ Trung Quốc thì có thể mua qua một nước thứ 3, mua từ các thị trường khác dù có thể chấp nhận giá đầu vào cao hơn một chút. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam, theo ông Giang là không lớn lắm. Năm ngoái, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam chỉ khoảng 2 tỷ USD. Như vậy, đối với nhập khẩu và đầu tư không ảnh hưởng nhiều”.

Thị trường chứng khoán đang được dự báo là sẽ còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý do tác động của tình hình biển Đông. Điều đáng mừng là nhiều DN khẳng định đã và sẽ chủ động ứng phó với những diễn biến bất lợi, nếu có. Nhà đầu tư cần nhiều thông tin hơn từ DN để góp phần giúp thị trường giải tỏa tâm lý và hoạt động theo quy luật của thị trường.

Tin bài liên quan