Thực tế, trong mối quan hệ ba bên nảy sinh nhiều xung đột dẫn đến tranh chấp. Ngân hàng chịu rủi ro về nguy cơ mất vốn do không thu hồi được tài sản đảm bảo. Trong khi đó, bên thứ ba cũng rơi vào cảnh “há miệng mắc quai”, có thể mất tài sản bất cứ lúc nào.
Mới đây, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng A và Công ty Thương mại dịch vụ, vận tải thương mại Ánh Dương (huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Giám đốc Công ty là ông Đào Ngọc Long. Theo đó, ngày 23/5/2013, 2 bên ký đã hợp đồng tín dụng cho vay số tiền 888 triệu, thời hạn vay 12 tháng. Mục đích vay để bổ sung vốn kinh doanh vật liệu. Tài sản đảm bảo cho khoản vay là bất động sản và tài sản gắn liền với đất đứng tên vợ chồng ông Đào Quang Phong (anh trai ông Long).
Trong quá trình thực hiện, Công ty Ánh Dương mới trả được 113 triệu đồng nợ lãi. Khi khoản nợ quá hạn, ngân hàng đã gia hạn thêm thời gian nhưng bên vay không thực hiện đúng cam kết, buộc Ngân hàng khởi kiện ra tòa với yêu cầu đòi nợ hơn 1 tỷ đồng.
Phải đến khi tòa án thụ lý và chấp nhận đơn khởi kiện, trước nguy cơ mất nhà, chủ tài sản mới “cuống cuồng” kháng án. Ông Phong trình bày đã đồng ý giúp em trai nên thế chấp nhà, nhưng không đồng ý phát mại do đây là chỗ ở duy nhất của gia đình, đồng thời đề nghị ngân hàng giãn nợ, giảm lãi để tìm cách tháo gỡ cùng bên vay. Không được phía ngân hàng đồng tình, chủ tài sản bức xúc cho rằng, ngân hàng đã đòi nợ ráo riết, đẩy gia đình vào thế bị động.
Bản án phúc thẩm nhận định, ông Phong tự nguyện ký hợp đồng thế chấp giúp đỡ em trai vay vốn ngân hàng. Bên thứ ba cũng biết rõ số tiền vay và nợ. Do đó, Hội đồng xét xử buộc bị đơn phải thanh toán toàn bộ số tiền hơn 1 tỷ đồng; trường hợp bị đơn không trả nợ hoặc trả nợ không đầy đủ, ngân hàng có quyền phát mại tài sản thế chấp.
Một trường hợp khác, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội cũng xem xét tranh chấp hợp đồng tín dụng (số tiền 4 tỷ đồng) giữa Công ty tài chính cổ phần Handico và cá nhân anh Trần Văn Dũng. Cả 2 hợp đồng tín dụng và thế chấp đều do anh Dũng ký tên. Vụ việc trở nên phức tạp hơn khi ra tòa, bị đơn trình bày chỉ ký hộ và người vay thực sự là vợ chồng ông Trần Xuân Hùng (giám đốc Công ty Hồng Vân).
Trước câu hỏi của chủ tọa: “Khi ký hợp đồng có nhận thức được nếu vợ chồng ông Hùng không trả nợ được, bản thân anh có trách nhiệm không?”, anh Dũng ấp úng nói: “Không hiểu biết pháp luật nên dại dột ký vào”.
Việc cá nhân cho mượn hoặc giao chứng nhận quyền sử dụng đất cho người khác để vay tiền, dẫn tới bị lợi dụng không phải hiếm hoi. Vài năm trước, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã ghi nhận trường hợp gia đình ông Lê Hồng Nhâm (tại xã Thọ An, huyện Đan Phượng, Hà Nội) rơi vào cảnh “há miệng mắc quai”.
Tại phiên tòa, ông Nhâm trình bày rằng đưa nhà đất ra thế chấp vì bản thân ông có nhu cầu vay 100 triệu đồng để đầu tư cho con học hành. Ông Nhâm đã nhờ người quen tìm mối vay ngân hàng và khi làm thủ tục vay vốn, ông không đọc kỹ các giấy tờ. Đến khi ngân hàng gửi thông báo siết nợ, ông Nhâm mới biết đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bảo lãnh cho ông Lương Văn Tiến vay 470 triệu đồng. Thực tế, ông Nhâm chỉ được cầm 88 triệu đồng, sau khi đã trừ 12 triệu đồng lãi vay và các chi phí khác.
Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích, nguyên nhân xảy ra vụ việc trên xuất phát chủ yếu do chủ tài sản cẩu thả khi đọc văn bản pháp luật. Mặt khác, tư duy của người Việt là duy tình, tin người, chỉ dựa trên tình cảm quen biết nhưng đã giao tài sản thế chấp. Chủ tài sản nhiều khi không rõ vay bao nhiêu hoặc người đi vay cố tình lừa dối nên chỉ thỏa thuận bằng miệng. Tin nhau, bên thứ ba không quan tâm đến văn bản, vẫn sẵn sàng ký vào các hợp đồng, giấy tờ, dẫn tới nguy cơ mất tài sản.