Trước đó, vào tháng 5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Trị làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án này theo phương thức đối tác công tư (PPP) và yêu cầu UBND tỉnh Quảng Trị chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung đề xuất.
Ngày 7/7/2022, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (Tập đoàn Sơn Hải) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị về việc xin đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) theo phương thức đối tác công tư, và cam kết tự bỏ kinh phí để thực hiện các thủ tục giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Trên cơ sở đề xuất của Tập đoàn Sơn Hải, ngày 23/8/2022, UBND tỉnh Quảng Trị đã có công văn giao Sở GTVT tỉnh phối hợp với các đơn vị tham mưu UBND tỉnh xem xét các kiến nghị của nhà đầu tư.
Ngày 29/8/2022, các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Trị đã họp và thống nhất các nội dung liên quan đến các đề xuất của Tập đoàn Sơn Hải; Ngày 30/8/2022, Sở GTVT Quảng Trị có văn bản báo cáo UBND tỉnh Quảng Trị về các nội dung tại cuộc họp.
Đến ngày 3/7/2023, UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản về việc tham mưu đơn vị lập hồ sơ đề xuất Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo.
Theo Sở GTVT Quảng Trị cho biết, căn cứ vào các quy định và chủ trương được thông qua, Sở vừa có kiến nghị UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải là nhà đầu tư đề xuất dự án để lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo tỉnh Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư (PPP). Thời gian khảo sát, nghiên cứu dự kiến 3 tháng. Nhà đầu tư được chấp thuận tự bỏ ra kinh phí để tổ chức khảo sát, nghiên cứu đề xuất dự án.
Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, chủ trương đồng ý để Tập đoàn Sơn Hải là nhà đầu tư đề xuất dự án để lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo cũng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất tại thông báo kết luận ngày 21/6/2023 vừa qua.
"Tập đoàn Sơn Hải là nhà thầu có năng lực, từng thực hiện nhiều dự án giao thông lớn trong nước nên hoàn toàn đủ khả năng để thực hiện dự án. Vấn đề quan trọng hiện nay là phần vốn Nhà nước tại dự án. Hiện nay nguồn vốn trung hạn đã sắp xếp hết cả rồi nên việc thu xếp vốn cho dự án cũng sẽ hơi khó khăn. Về nguyên tắc, dự án PPP theo hình thức BOT nhà đầu tư phải thu phí khai thác để hoàn vốn, mà thời gian khai thác khoảng 25 năm, nên theo tính toán đánh giá sơ bộ sẽ không đủ hoàn vốn. Do vậy, Nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm cho phần vốn thêm này để thực hiện các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng...", ông Tiến thông tin.
Được biết, tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo dự kiến dài 70km, quy mô 4 làn xe, chạy theo hướng Đông - Tây của tỉnh Quảng Trị; điểm đầu đấu nối với cao tốc Bắc - Nam phía Đông, thuộc địa phận huyện Cam Lộ, và điểm cuối nối Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, thuộc huyện Hướng Hóa.
Tuyến đường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch mạng phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến 2030 (Quyết định số 326-QĐ/TTg ngày 1/3/2016) và Quy hoạch mạng đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021).
Theo đề xuất của Tập đoàn Sơn Hải, tổng mức đầu tư thực hiện dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo là 7.938 tỉ đồng, theo phương thức đối tác công tư - hợp đồng BOT, có sự tham gia hỗ trợ của nhà nước. Trong đó, nguồn vốn dự kiến bố trí vốn từ ngân sách địa phương, ngân sách trung ương, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, vốn vay thương mại và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Chiều dài nghiên cứu của dự án là 56km, điểm đầu của dự án là nút giao với đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn tại vị trí cầu vượt đường tỉnh 579 thuộc huyện Triệu Phong, còn điểm cuối là Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo ở huyện Hướng Hóa. Hướng tuyến của dự án cao tốc sẽ đi song song với QL9.
Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải được biết đến là nhà thầu, nhà đầu tư lớn đã từng thực hiện nhiều dự án lớn về giao thông, thuỷ lợi, thuỷ điện, bất động sản…, đặc biệt là các dự án thuộc lĩnh vực giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Các dự án mà Tập đoàn Sơn Hải đã từng triển khai, bao gồm: Dự án đầu tư cao tốc La Sơn - Túy Loan, thuộc tuyến đường cao tốc Bắc- Nam phía Đông qua địa phận 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng theo hình thức BT, trong đó Tập đoàn Sơn Hải góp vốn đầu tư và đảm nhận thi công với giá trị khoảng 2.200 tỷ đồng.
Một dự án do Tập đoàn Sơn Hải làm chủ đầu tư. Ảnh: Internet |
Cùng với đó là Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm, thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 tại tỉnh Khánh Hoà với tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng.