Những ứng dụng công nghệ tài chính như big data (dữ liệu lớn), blockchain (chuỗi khối) và machine learning (máy học) đã mở ra nhiều cơ hội sáng tạo và phát triển mới cho ngành tài chính. Những ứng dụng này đã và đang thay đổi phương thức hoạt động trong mọi dịch vụ tài chính.
Trong quá trình tái cơ cấu ngành tài chính theo hướng ứng dụng nhiều hơn các giải pháp công nghệ, đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến việc nâng cao trình độ cho các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, từ đó góp phần hiện thực hoá quá trình chuyển đổi thay vì chỉ bàn trên lý thuyết.
Hiện tại, có rất ít người làm việc trong lĩnh vực tài chính nhận thức đầy đủ về tốc độ phát triển của công nghệ. Thậm chí, rất hiếm người hiểu được ý nghĩa và tác động của “những đột phá công nghệ" tới công việc của họ và họ nên chuẩn bị những gì trong bối cảnh đó.
Ông Nguyễn Triệu Huy, CEO của The Disruptive Group.
Theo tôi, đầu tư vào con người là con đường duy nhất cho công cuộc chuyển đổi bền vững sang nền tài chính số. Giáo dục là nhân tố quyết định tương lai của ngành tài chính. Phần còn lại của bài báo sẽ lý giải vì sao giáo dục có thể giúp các chuyên gia tài chính thích ứng tốt với những đột phá công nghệ.
Nguyên nhân sâu xa
Cách mạng công nghệ trong lĩnh vực tài chính phần lớn diễn ra bên ngoài “địa phận” ngành ngân hàng truyền thống.
Điều này phần lớn là do khủng hoảng tài chính năn 2008. Cuộc khủng hoảng này đã khiến cho hầu hết các ngân hàng và những nhà cung cấp dịch vụ tài chính trở nên ngần ngại trước cải tiến và đổi mới. Điều này được thể hiện rất rõ qua thái độ e ngại rủi ro và chỉ tập trung vào mục tiêu chính là lợi nhuận của các ngân hàng.
Chính sự e ngại đó đã tạo cơ hội cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech phát triển. Với việc đẩy mạnh công nghệ và mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ, vô số công ty khởi nghiệp đã trở nên lớn mạnh, tham gia cung cấp các dịch vụ đặc biệt mà trước đây chỉ thuộc về các định chế tài chính.
Thiếu nhận thức
Khá nhiều ngân hàng đang gặp khó khăn để bắt kịp xu hướng công nghệ bởi phần lớn công nghệ tài chính mới đều khởi nguồn bên ngoài dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Điều này nghiễm nhiên tạo nên lỗ hổng về nhận thức trong các định chế tài chính và đây cũng chính là lý do các ngân hàng đang tích cực hợp tác với các công ty khởi nghiệp Fintech để có được các chuyên gia công nghệ tài chính.
Sẽ rất mất thời gian và công sức để giải thích lý do tại sao nhiều nhân sự trong ngành tài chính lại không nhận thức được sự thay đổi mạnh mẽ mà Fintech tạo ra. Để lấp lỗ hổng nhận thức, chúng ta cần gấp rút phá bỏ 4 bức tường giới hạn của ngành tài chính truyền thống, từ đó nhân sự trong ngành có thể nhận thức làn sóng đổi mới đang diễn ra mạnh mẽ bên ngoài.
Những nhân tố cơ bản tạo nên cuộc cách mạng công nghệ tài chính
Sau đây là một số nhân tố cơ bản buộc ngành tài chính phải tiếp tục cuộc cách mạng công nghệ: Công nghệ giúp các định chế tài chính gia tăng năng suất và từ đó gia tăng lợi nhuận; công nghệ cho phép các công ty khởi nghiệp và ngân hàng phục vụ khách hàng tốt hơn, đồng thời hạn chế mâu thuẫn; công nghệ mang lại sự đổi mới sâu rộng, phát triển nhiều sản phẩm và dịch vụ mới, đồng thời loại bỏ những dịch vụ lỗi thời
Rất nhiều ngành đã trải qua cuộc cách mạng công nghệ tương tự, từ ngành quảng cáo, du lịch, hay ngành bán lẻ, báo chí. Đây là xu hướng tất yếu và là con đường bắt buộc ngành tài chính phải trải qua.
Nhu cầu đào tạo
Có khá nhiều ý kiến xung quanh việc robot sẽ giành hết công việc của con người thông qua tự động hóa như thế nào, nhưng lại có rất ít ý kiến đề cập đến những cơ hội tuyệt vời mà công nghệ sẽ mang lại.
Ví dụ, trong một bài viết gần đây, Bloomberg nhấn mạnh ý kiến của Vikram Pandet, nguyên CEO của Citi Bank rằng: 30% tổng số việc làm trong ngành ngân hàng sẽ biến mất bởi sự xuất hiện của Fintech, tuy nhiên lại không mấy chú ý tới phần ông ấy đề cập những cơ hội việc làm lớn mà Fintech sẽ mang lại.
Giáo dục có thể mang lại cái nhìn đúng đắn hơn bằng cách trang bị cho nhân sự trong ngành những hiểu biết đầy đủ về Fintech và những cơ hội tốt do Fintech mang lại. Thực tế, những điều xảy ra trong quá trình số hóa ngành tài chính cũng đã từng xảy ra với ngành xuất bản. Sự phát triển của Internet đã khiến cho số lượng việc làm trong ngành in ấn giảm xuống đáng kể, tuy nhiên, lại xuất hiện nhiều cơ hội việc làm mới ứng dụng kỹ thuật số trong ngành xuất bản.
Cũng giống như việc số hóa ngành xuất bản tạo ra nhu cầu về nhân sự có kỹ năng mới nhằm hỗ trợ sự phát triển của ngành xuất bản trực tuyến, Fintech cũng đang tạo ra nhu cầu về nguồn nhân lực tài chính với những kỹ năng mới.
Việc làm sẽ biến động ra sao?
Những công nghệ mới như tự động hóa quy trình bằng robot (RPA), machine learning và big data đã và đang hỗ trợ không chỉ các công ty khởi nghiệp mà cả các định chế tài chính trong việc số hóa tài sản, bộ máy hoạt động và dần dần là lực lượng lao động.
Hãy thử nhìn vào số lượng giao dịch viên của Goldman Sachs tại New York. Vào năm 2000, con số này đã từng là 600, thế nhưng nhờ những ưu việt của tự động hóa và trí thông minh nhân tạo (AI), con số này giờ chỉ còn là 2.
Đây chỉ là một trong số vô vàn các ví dụ cho thấy công nghệ đang tạo sức ép lên việc làm trong lĩnh vực tài chính truyền thống như thế nào. Nhưng mặt khác, công nghệ cũng đang tạo ra vô số các cơ hội làm việc khác cho những người chủ động và có khả năng thích nghi.
Chẳng hạn, Fintech đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những lĩnh vực hoàn toàn mới trong ngành tài chính như tiền điện tử, ngân hàng điện tử, hay thị trường cho vay giữa các cá nhân.
Khi ngành công nghiệp Fintech phát triển, ngày càng nhiều các tổ chức tài chính đầu tư vào các giải pháp Fintech, nhu cầu về nguồn nhân lực có kỹ năng công nghệ cũng sẽ tăng cao.
Ví dụ, sự bùng nổ về dữ liệu tạo ra nhu cầu đối với các công ty tài chính có khả năng quản lý dữ liệu tốt, từ đó gia tăng nhu cầu đối với lao động có kỹ năng đặc biệt về dữ liệu.
Một nghiên cứu từ McKinsey đã chỉ ra vai trò ngày một quan trọng của dữ liệu đối với nền kinh tế và ước lượng rằng, riêng tại nước Mỹ sẽ thiếu tới 250.000 nhân sự phù hợp có thể đáp ứng những vị trí mới được tạo ra từ sự tăng trưởng này.
Trang bị kỹ năng phù hợp
Mặc dù Fintech đang phát triển rất nhanh, từ trào lưu nhỏ lẻ sang thành trọng tâm, nó vẫn chỉ đang trong giai đoạn hình thành đầu tiên. Để Fintech có thể phát huy hết tiềm năng của mình, đào tạo đóng vai trò then chốt.
Đã có nhiều “người chơi” tham gia gây dựng một “hệ sinh thái” Fintech mới, từ các công ty khởi nghiệp Fintech cho tới các ngân hàng mong muốn đổi mới – tất cả đều có chung một thách thức là nhu cầu về nhân sự có kiến thức Fintech.
Cho dù một doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech muốn mở rộng quy mô kinh doanh của mình với nguồn nhân lực được trang bị đầy đủ kiến thức hay một giám đốc điều hành tại một tổ chức tài chính muốn xây dựng đội ngũ đổi mới đẳng cấp thế giới, đào tạo đều có thể hỗ trợ thực hiện điều này.
Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng, cần phải có một giải pháp tổng thể cho đại đa số các chuyên gia tài chính và những người còn chưa có khái niệm gì về Fintech. Một số trường đại học như Oxford Said Business School hay Imperial College đã bắt đầu cung cấp các khóa học trong lĩnh vực này, tuy nhiên còn rất nhiều việc cần làm để hàng triệu nhân sự ngành tài chính có cơ hội trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết, phù hợp.
CFTE - nỗ lực lấp đầy lỗ hổng kiến thức
Các trung tâm tài chính, công nghệ và khởi nghiệp đã được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều trong việc nâng cao trình độ và kĩ năng nhân sự của ngành tài chính. Thông qua các khoá đào tạo thế hệ chuyên gia tài chính mới trên diện rộng, mục tiêu của chúng tôi nhằm thúc đẩy sự phát triển của Fintech trên phạm vi toàn cầu.
Từ đó, chúng tôi hướng tới những mục tiêu lớn hơn, đó là tạo điều kiện cho hơn hai tỷ người trên thế giới tiếp cận dịch vụ tài chính, ngân hàng đồng thời hoàn thiện kĩ năng tài chính khi dịch vụ và sản phẩm Fintech trở nên phổ biến.
Khoá đào tạo trực tuyến đầu tiên đã được phát triển, thời lượng 8 tiếng, chỉ với mục đích như vậy. Mục tiêu của khoá học nhằm hỗ trợ nhân sự ngành tài chính thực hiện những bước đi đầu tiên trên bậc thang Fintech, giúp họ áp dụng những kiến thức đã học trong việc cải tiến công việc.
Nội dung đào tạo do bốn giảng viên cao cấp của những học viện chuyên ngành hàng đầu cùng với 16 CEOs, doanh nhân, nhà đầu tư Fintech soạn thảo.
Ông Nguyễn Triệu Huy hiện là CEO của The Disruptive Group, giáo sư thỉnh giảng tại Oxford Said Business School, đồng sáng lập của CFTE, trung tâm tài chính, công nghệ và khởi nghiệp.
Ông Huy đã kinh qua nhiều vị trí như CEO công ty khởi nghiệp tới giám đốc điều hành ngân hàng quốc tế, chuyên gia Fintech tại trung tâm tài chính công nghệ toàn cầu của Imperial College; thành viên của nhóm tư vấn đổi mới công nghệ trong ngành tài chính thuộc ESMA, thành viên sáng lập của Asian SuperCharger, một trong những tổ chức xúc tiến Fintech lớn nhất Châu Á.
Ông Huy cũng là người sáng lập blog Disruptive Finance; từng là thành viên Ban tư vấn Fintech của World Economic Forum và Trusting Social.
Trước khi thành lập The Disruptive Group, ông Huy là Giám đốc điều hành ngân hàng Citi và CEO Ukibi, quỹ khởi nghiệp độc lập tại Mỹ. Ông Huy cũng là diễn giả nổi tiếng tại châu Âu và châu Á, yêu thích giảng dạy và chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên và doanh nhân trẻ. Ông thường xuyên được nhắc tới trong các bài báo về tài chính và đổi mới. Ông Huy từng tốt nghiệp MIT (Mỹ).