Sau nhịp phục hồi gần nhất của VN-Index, sự vui mừng chưa kịp đến, thì nỗi chán nản đã tiếp tục xuất hiện khi 2 tuần giảm điểm đã lấy đi hết điểm số của 4 tuần phục hồi.
Chỉ số VN-Index giảm hơn 11% trong 2 tuần, hàng loạt cổ phiếu nằm sàn, giảm bất chấp nội tại doanh nghiệp không thay đổi. Điều này nhiều người cho rằng vô lý, nhưng nếu xét trên quy luật cung/cầu, thì lại là điều bình thường, bởi sự biến động của giá cổ phiếu dựa vào cung/cầu. Bên cạnh đó là margin – sự ép bán giải chấp từ các CTCK hay từ các đơn vị thứ 3. Bối cảnh truyền thông toàn thông tin tiêu cực, làm dòng tiền tham gia yếu ớt, từ đó làm bức tranh chung cũng xám xịt hơn
Chấp nhận quy luật, theo dõi sát thị trường để có hành động phù hợp hơn dựa trên các tín hiệu thu nhận được là chiến thuật nhà đầu tư có kinh nghiệm lựa chọn.
Hiện có 1 tín hiệu kỹ thuật đáng tin cậy từ diễn biến của thị trường chứng khoán phái sinh theo giá và khối lượng giao dịch: Trong diễn biến thị trường giảm điểm, kết hợp với đó là sự chán nản của nhà đầu tư, thời điểm Khối lượng giao dịch tại thị trường phái sinh tăng đột biến và cao hơn lịch sử thì thị trường cho tín hiệu tạo đáy ngắn hạn.
Theo đồ thị trên, tín hiệu này đều đúng nhịp giảm của tháng 4/2020, tháng 8/2020, tháng 7/2021 của thị trường.
+ Thời điểm tháng 4/2020: Thanh khoản kỷ lục tại thị trường phái sinh là 226.261 hợp đồng.
+ Thời điểm tháng 8/2020: Thanh khoản thị trường phái sinh là 354.161 hợp đồng.
+ Tháng 7/2021: Thanh khoản thị trường phái sinh là 398.540 hợp đồng, một kỷ lục mới.
Và sau mỗi tín hiệu như thế, thị trường đều có một nhịp phục hồi.
Xét về thị trường hiện tại, có thể nhìn tín hiệu gần nhất: Ngày 13/05/2022, thị trường phái sinh cũng tiếp tục ghi nhận khối lượng kỷ lục với 437.718 hợp đồng. Sau đó, thị trường cơ sở đã có 4 tuần hồi phục.
Ở thời điểm hiện tại, kết thúc phiên giao dịch ngày 21/6/2022, thanh khoản của thị trường phái sinh đang là 504.516 hợp đồng - con số kỷ lục mới.
Liệu lần này thị trường đã chính thức tạo đáy ngắn hạn, xác nhận một nhịp phục hồi trong thời gian tới?