Chi phí giao dịch không nhỏ
Thị trường chứng khoán phái sinh mở cửa giao dịch từ ngày 10/8/2017, sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30, gồm 4 mã niêm yết, tương ứng với 4 tháng đáo hạn: Tháng hiện tại, tháng kế tiếp, hai tháng cuối 2 quý tiếp theo.
Sau những tháng đầu miễn phí, hầu hết công ty chứng khoán thu phí giao dịch chứng khoán phái sinh, bình quân khoảng 15.000 đồng/hợp đồng nếu mở/đóng vị thế đối ứng trong ngày (trường hợp mở/đóng vị thế và đáo hạn hợp đồng, mức phí cao hơn khoảng 50%).
Cụ thể, từ 11/11/2017, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) thu phí 20.000 - 30.000 đồng/hợp đồng, căn cứ vào tổng số lượng hợp đồng giao dịch mua, bán và đáo hạn trong ngày.
Từ 13/11/2017, Công ty Chứng khoán VNDIRECT thu phí giao dịch mở/đóng/đáo hạn 20.000 đồng/hợp đồng; phí giao dịch 2 chiều đối với các vị thế được mở và đóng ngay trong cùng ngày giao dịch là 30.000 đồng/giao dịch 2 chiều trong ngày/hợp đồng (trong đó, phí mở là 20.000 đồng và phí đóng là 10.000 đồng).
Từ 1/1/2018, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) thu phí giao dịch 15.000 đồng/hợp đồng; Công ty Chứng khoán MB (MBS) thu phí giao dịch 10.000 đồng/hợp đồng.
Từ 2/1/2018, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) thu phí giao dịch mở, đóng 14.400 đồng/hợp đồng nếu giao dịch từ 1 - 100 hợp đồng/ngày; Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) thu phí giao dịch mua/bán/đáo hạn 1 hợp đồng là 0,15% giá trị ký quỹ tại VSD, tức 0,15% của 10% giá trị giao dịch.
Mức phí giao dịch tại Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) là 10.000 đồng/hợp đồng.
Gần đây, một số công ty chứng khoán giảm phí giao dịch chứng khoán phái sinh, chẳng hạn, VNDIRECT giảm xuống 12.000 đồng/hợp đồng, SSI giảm xuống 10.000 đồng/hợp đồng…
Ngoài phí giao dịch, nhà đầu tư phải nộp thuế 0,05% giá trị mỗi lần giao dịch tính trên giá trị ký quỹ 10% do Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) quy định. Ví dụ, giá hợp đồng là 1.000 điểm, tương ứng giá trị giao dịch 100 triệu đồng, giá trị ký quỹ tại VSD là 10 triệu đồng, thì tiền thuế là 5.000 đồng.
Như vậy, với mỗi thương vụ giao dịch 1 hợp đồng (mở và đóng vị thế), nhà đầu tư phải nộp phí và thuế khoảng 30.000 - 40.000 đồng. Thực tế cho thấy, nhiều nhà đầu tư liên tục mua bán trong phiên với khối lượng từ 5 - 10 hợp đồng mỗi lần, thậm chí nhiều hơn, tổng chi phí lên đến tiền triệu mỗi ngày. Do đó, mở tài khoản tại công ty chứng khoán có mức phí giao dịch thấp, nhà đầu tư tiết kiệm được chi phí không nhỏ.
“Tôi là nhà đầu tư nhỏ lẻ, chỉ có vài chục triệu đồng tiền vốn, nhưng phiên 14/6 vừa qua cũng giao dịch tổng cộng trên 70 hợp đồng, phí giao dịch và thuế là hơn 1,2 triệu đồng”, một nhà đầu tư tại VNDIRECT chia sẻ.
Cơ hội thu lãi lớn
Cơ hội lãi lớn khi giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh là nhờ yếu tố đòn bẩy tài chính và cơ chế giao dịch T+0, tức vị thế mua - bán được ghi nhận ngay lập tức, không phải chờ một giây nào để chứng khoán hay tiền về tài khoản, giúp nhà đầu tư có thể liên tục mua - bán trong phiên, hưởng chênh lệch giá.
Giả sử giá hợp đồng tương lai là 1.000 điểm, mỗi điểm tương đương 100.000 đồng nên giá trị 1 hợp đồng là 100 triệu đồng, nhưng nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ khoảng 13,5% (khoảng 13,5 triệu đồng, tùy thuộc quy định của mỗi công ty chứng khoán) là có thể tiến hành giao dịch. Sau khi mở vị thế mua - tức mua vào hợp đồng, hoặc mở vị thế bán - tức bán ra hợp đồng, nhà đầu tư có thể giao dịch đối ứng ngay lập tức để chốt lãi hoặc cắt lỗ.
Ví dụ, giá hợp đồng tương lai đáo hạn tháng 6 đang là 1.000 điểm, nhà đầu tư dự báo giá sẽ tăng nên mở vị thế mua. Giá trị ký quỹ là 13,5 triệu đồng/hợp đồng, phí giao dịch 10.000 đồng/hợp đồng. Sau khi mua, giá tăng lên 1.002 điểm, nhà đầu tư bán ra hợp đồng này để chốt lãi. 2 điểm tương đương 200.000 đồng, sau khi trừ phí và thuế, nhà đầu tư lãi 170.000 đồng/hợp đồng. So với vốn đầu tư bỏ ra, nhà đầu tư đạt lợi suất 1,26%. Chỉ cần 6 lần giao dịch thành công như vậy, nhà đầu tư đã đạt mức lợi suất tương đương gửi tiết kiệm trong 1 năm.
Trường hợp sau khi mua, giá giảm xuống 999 điểm, nhà đầu tư lo ngại giá tiếp tục giảm thì có thể bán ra, chấp nhận lỗ 130.000 đồng/hợp đồng (bao gồm chi phí). Nếu dự báo giá tiếp tục giảm, nhà đầu tư có thể mua vào hợp đồng với số lượng lớn hơn (yêu cầu phải còn tiền trong tài khoản). Khi đó, nhà đầu tư vừa đóng vị thế mua của giao dịch trước, vừa mở vị thế bán; nếu giá giảm xuống dưới 988,7 điểm là thương vụ sau có lãi (chi phí mỗi thương vụ tương đương 0,3 điểm).
Giá hợp đồng tương lai dựa vào chỉ số cổ phiếu VN30 nên thường xuyên có diễn biến thuận chiều và bám sát biến động của chỉ số này. Thực tế, chỉ số cũng như giá hợp đồng tương lai thường tăng/giảm 5 - 10 điểm/phiên, thậm chí 20 - 30 điểm/phiên, chênh lệch giữa mức giá cao nhất và thấp nhất trong phiên đôi khi lớn hơn nhiều. Do đó, nhà đầu tư dự đoán đúng diễn biến giá và chọn thời điểm giao dịch hợp lý sẽ thu lãi lớn. Trong mỗi phiên, giá không diễn biến một chiều, mà có nhiều đợt tăng giảm, nên những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm thực hiện “lướt sóng” trong phiên, tức liên tục mua thấp - bán cao, bán cao - mua thấp, còn thu lãi gấp bội.
Với những nhà đầu tư không thích hợp lướt sóng thì cơ hội thu lãi đến từ việc mở vị thế và nắm giữ theo xu hướng thị trường, thời gian có thể một vài ngày, một vài tuần, thậm chí cả tháng.
Từ khi thị trường phái sinh mở cửa đến đầu tháng 12/2017, chỉ số VN30 hầu hết đều tăng điểm, từ 743,4 điểm ngày 10/8/2017 lên 966 điểm ngày 4/12/2017. Sau hơn một tuần có diễn biến điều chỉnh, xuống 913 điểm, chỉ số tiếp tục tăng lên trên 1.100 điểm vào ngày 26/1/2018. Từ đó đến nay, VN30 có 5 - 6 đợt tăng/giảm mạnh. Mỗi đợt tăng/giảm này mang lại cơ hội tăng gấp rưỡi, gấp đôi giá trị tài khoản cho nhà đầu tư mở vị thế mua khi thị trường có xu hướng tăng, hoặc mở vị thế bán khi thị trường có xu hướng giảm.
“Nghiện” giao dịch
Giao dịch hợp đồng tương lai có mức độ rủi ro cao, nhưng cơ hội thu lãi lớn với số vốn nhỏ khiến đa số nhà đầu tư liên tục thực hiện lướt sóng trong phiên.
“Thời gian đầu, tôi thường xuyên thua lỗ, mất 2/3 giá trị tài khoản, nhưng vẫn bị chứng khoán phái sinh cuốn hút. Tôi đã chuyển phần lớn tiền dùng để đầu tư cổ phiếu sang giao dịch hợp đồng tương lai”, một nhà đầu tư chuyên lướt sóng chứng khoán phái sinh cho biết.
Theo nhà đầu tư này, vì tâm lý không vững vàng, hay mua đuổi, bán đuổi nên mức giá mua bán thường bị hớ và thời điểm ra quyết định chốt lời, cắt lỗ không hợp lý.
Một lý do khác là hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh của công ty chứng khoán nơi mở tài khoản không thuận tiện. Cụ thể, màn hình giao dịch không tích hợp diễn biến chỉ số chứng khoán cũng như giá cổ phiếu trong rổ VN30 nên anh không thể đồng thời theo dõi thị trường và đặt lệnh giao dịch. Đây là điểm hạn chế lớn đối với nhà đầu tư có chiến lược lướt sóng, khiến thời gian đặt lệnh bị chậm trễ, trong khi giá cả có diễn biến rất nhanh, dẫn đến giá khớp không như kỳ vọng, hoặc lệnh không được khớp.
“Sau đó, tôi chuyển tài khoản sang công ty chứng khoán khác, đáp ứng được nhu cầu giao dịch nhanh và thuận tiện, dù phí giao dịch cao gấp đôi công ty cũ. Hiện tại, công ty đã giảm phí giao dịch, cao không đáng kể so với công ty có mức phí thấp nhất”, nhà đầu tư nói.
“Miếng bánh ngon” của công ty chứng khoán
Thống kê giao dịch quý I/2018 cho thấy, tổng cộng có 1,35 triệu hợp đồng tương lai được chuyển nhượng, bình quân mỗi phiên là 22.900 hợp đồng. Tính mức phí giao dịch 15.000 đồng/hợp đồng, 7 công ty chứng khoán thu về hơn 40,5 tỷ đồng, bình quân 13,5 tỷ đồng/tháng, 686,5 triệu đồng/phiên.
Trong tháng 4 và 5/2018, có hơn 2,2 triệu hợp đồng được chuyển nhượng, bình quân mỗi phiên là gần 53.800 hợp đồng, các công ty chứng khoán thu về gần 2 tỷ đồng/phiên.
Từ đầu tháng 6 đến ngày 15/6, bình quân mỗi phiên có hơn 78.400 hợp đồng được giao dịch.
Có thể thấy, thanh khoản trên thị trường phái sinh liên tục tăng, mang lại nguồn thu phí giao dịch lớn cho các công ty chứng khoán. Gần đây, một số công ty chứng khoán thực hiện giảm phí giao dịch, đồng thời ra mắt các công cụ hỗ trợ nhằm tăng tính cạnh tranh, thu hút nhà đầu tư.
Đơn cử, từ ngày 11/6/2018, SSI triển khai bộ lệnh điều kiện gồm 4 loại lệnh: Up, Down, Trailing Up và Trailing Down, giúp nhà đầu tư áp dụng các chiến lược giao dịch, tự động chốt lời, tự động dừng lỗ, giảm thiểu rủi ro và chớp cơ hội mua/bán tại mức giá tối ưu.
Bên cạnh đó, không ít công ty khác nỗ lực đáp ứng các điều kiện để tham gia thị trường phái sinh như Chứng khoán Bảo Việt, Chứng khoán Rồng Việt, Chứng khoán Tân Việt… Giữa tháng 5/2018, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) là công ty thứ 8 được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận là thành viên giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh.
Tính đến cuối tháng 5/2018, tổng cộng có gần 31.000 tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh được mở, tăng hơn 6.000 tài khoản so với cuối quý I/2018.
Thị phần môi giới hợp đồng tương lai của các công ty chứng khoán trong quý I/2018 như sau: VNDIRECT 25,29%, SSI 21,86%, HSC 20,22%, MBS 16,2%, VPBS 8,39%, BSC 5,49%, VCSC 2,54%.