Hiện nay, nhiều CTCK cho NĐT áp dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ rất cao. Theo ông, điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào khi thị trường có xu hướng giảm?
Đòn bẩy tài chính như con dao hai lưỡi. Trong một TTCK đang ở xu hướng lên, các NĐT thu được siêu lợi nhuận và CTCK cũng thu được thêm nhiều phí. Nhưng khi TTCK giảm kéo theo giá cổ phiếu giảm đến mức tối thiểu quy định thì các CTCK có quyền bán ra để thu hồi vốn và NĐT có thể bị thua lỗ rất lớn.
Trong khi đó, do giao dịch ký quỹ chưa được chính thức được phép, nên mỗi CTCK thực hiện một kiểu. Điều này có thể gây ra rủi ro thanh toán giữa NĐT và CTCK, nếu việc sử dụng đòn bẩy quá cao. Tôi nghĩ rằng, cơ quan quản lý nên sớm chính thức hóa hoạt động giao dịch ký quỹ. Để thực hiện hoạt động này, có thể cho phép NĐT mở thêm một tiểu khoản khác gọi là tài khoản ký quỹ. Tài khoản này cho phép NĐT mua chứng khoán với hạn mức tín dụng được CTCK cấp trước. NĐT được yêu cầu phải có một tỷ lệ tài sản nhất định (tiền và chứng khoán) để đảm bảo. CTCK cấp hạn mức tín dụng cho từng tài khoản căn cứ vào giá trị của danh mục tài sản và mức độ tín nhiệm của từng khách hàng.
Theo ông, đâu là lý do thuyết phục để cơ quan quản lý sớm chính thức hóa giao dịch ký quỹ?
Tính thanh khoản là vấn đề rất quan trọng đối với TTCK thứ cấp. Để nâng cao tính thanh khoản trên thị trường, việc sử dụng đòn bẩy tài chính là nhu cầu chính đáng của NĐT để có thể tạo ra dòng chảy liên tục của đồng vốn đầu tư. Tôi được biết, UBCK đã chuẩn bị đề án để chính thức hóa hoạt động giao dịch ký quỹ, song vẫn chưa được Bộ Tài chính phê duyêt.
Do chưa có quy định nên, thời gian qua, để phục vụ nhu cầu của các NĐT, không ít CTCK phải lách luật. Việc làm này có thể gây ra rủi ro thanh toán. Vì thế, tốt hơn cả là cần chính thức hóa các giao dịch này, để giao dịch ký quỹ có một khung pháp lý. Như vậy, vừa an toàn cho CTCK, vừa đỡ rủi ro cho thị trường và tính thanh khoản qua đó cũng sẽ tăng.
Theo ông, cơ quan quản lý nên quy định mức ký quỹ bao nhiêu là hợp lý?
Thông lệ phổ biến quốc tế là tỷ lệ ký quỹ ban đầu (initial margin requirement) là 50% và tỷ lệ ký quỹ yêu cầu tối thiểu là 25%. Nhưng vì TTCK Việt Nam có mức độ biến động về giá lớn hơn nhiều so với các thị trường phát triển, nên tôi cho rằng mức độ yêu cầu ký quỹ tối thiểu cần được nâng cao hơn. Tỷ lệ ký quỹ ban đầu nên là 50% và tiếp theo là tỷ lệ ký quỹ yêu cầu duy trì ở mức 40%, tức là khi giá trị tài sản ký quỹ của NĐT trong danh mục xuống thấp hơn 40% thì CTCK sẽ thông báo cho NĐT biết để có các biện pháp nhằm duy trì tỷ lệ ký quỹ tối thiểu (nộp thêm tiền, bán một phần chứng khoán, nộp thêm chứng khoán hoặc tài sản thế chấp). Nếu NĐT không có giải pháp khắc phục và khi tỷ lệ ký quỹ xuống sâu hơn (35% chẳng hạn), CTCK sẽ thực hiện giải chấp một phần hoặc toàn bộ chứng khoán để duy trì tỷ lệ ký quỹ tối thiểu.
Trong trường hợp thị trường giảm sâu, nếu lượng giao dịch ký quỹ lớn sẽ khá rủi ro cho hệ thống, thưa ông?
Quyết định sử dụng đòn bẩy tài chính đến mức độ nào trong giới hạn cho phép là do từng NĐT. Mỗi người cần biết rất rõ bản chất hai mặt của việc thực hiện đòn bẩy tài chính trong giao dịch ký quỹ. Mặt khác, trong giai đoạn TTCK nằm trong xu hướng giảm, các CTCK cần nâng cao hơn tỷ lệ ký quỹ tối thiểu (ví dụ, tỷ lệ ký quỹ ban đầu là 60%, tỷ lệ ký quỹ tối thiểu duy trì ở mức 50%) để cảnh báo sớm cho NĐT. Tôi tin rằng, khi giao dịch ký quỹ được luật hóa, giao dịch trên TTCK sẽ minh bạch và công bằng hơn. Từ đó, TTCK Việt Nam sẽ có tính thanh khoản cao hơn. Khi TTCK thứ cấp phát triển thì TTCK sơ cấp chắc chắn sẽ thuận lợi hơn nhiều.