Được nhắc tới rất nhiều trong thời gian gần đây như một trong những kênh đầu tư hấp dẫn bên cạnh những kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán, bất động sản…, ông có thể chia sẻ đôi điều về mô hình giao dịch hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam?
Thực ra, giao dịch hàng hóa không phải là khái niệm mới tại Việt Nam, mà hơn chục năm trước, giao dịch bằng hợp đồng tương lai đã được một số ngân hàng thương mại triển khai.
Khi đó, thông qua một nhà môi giới khác của các sở gao dịch hàng hóa tại New York và London, doanh nghiệp trong nước sẽ thực hiện được việc mua - bán cà phê trên thị trường quốc tế với mức giá được doanh nghiệp "ưng ý" nhất, còn hàng thì giao sau, thời điểm do hai bên thỏa thuận. Điều quan trọng nhất là tại thời điểm giao cà phê, dù giá lên hay giá xuống, nhà xuất nhập khẩu vẫn đảm bảo được hàng hóa giao theo giá được được "chốt" lệnh từ trước.
Dù là một trong những nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu phải chịu nhiều thua thiệt do chênh giá chào bán với giá giao dịch trên thị trường kỳ hạn thế giới, đôi khi lên tới cả 100 USD/tấn cà phê. Do đó, việc tham gia giao dịch hàng hóa qua sàn giúp doanh nghiệp xóa nhòa khoảng cách chênh giá đó, và chỉ phải chịu một khoản phí rất nhỏ (khoảng 3,5 USD/tấn) cho các nhà môi giới, từ đó tối ưu hóa được lợi nhuận mình ở mức cao nhất.
Ngoài cà phê, nhiều mặt hàng doanh nghiệp Việt Nam có thể giao dịch trên thị trường kỳ hạn thông qua Sở Giao dịch hàng hóa như gạo, hạt tiêu, ngô, đồng, nhôm…
Chính vì thế, việc hình thành một định chế trung gian, một trung tâm giao dịch hàng hóa xuyên biên giới có liên thông với các sàn giao dịch hàng hóa trên thế giới để giảm thiểu rủi ro cho các nhà xuất khẩu tại Việt Nam là điều cần thiết, và cũng chính là nền móng đầu tiên cho việc hình thành lên Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đơn vị vận hành và quản lý sàn giao dịch hàng hóa tập trung như hiện nay.
Sở Giao dịch hàng hóa ra đời mang đến cho các thành phần kinh tế một cơ hội để bảo hộ giá cả hàng hóa (hay thường gọi là hedging). Vậy ông có thể nói rõ hơn về khái niệm hedging này?
Hiểu một cách nôm na, khi một người nông dân có hàng muốn xuất khẩu, họ cần thông qua sàn giao dịch để bán trước hàng hóa, chống lại rủi ro giá giảm. Lời hay lỗ từ các giao dịch trên thị trường kỳ hạn bù trừ cho khoản lỗ hay lời từ giao dịch hàng thật. Nhờ có Sở giao dịch hàng hóa, một khi đã hedging, người nông dân hay doanh nghiệp không còn lo ngại đến sự biến động giá nữa.
Về nguyên tắc, giao dịch hàng hóa kỳ hạn tương tự như chứng khoán phái sinh, theo đó, đối tượng tham gia có thể là các nhóm bảo hiểm rủi ro về giá hoặc các nhà đầu tư tài chính thuần túy, trong đó, nhóm nhà đầu tư tài chính sẽ mua bán các hợp đồng tương lai (futures) nhằm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá hoặc các tổ chức tài chính khác sẽ sử dụng các hợp đồng kỳ hạn hàng hóa như là một công cụ xác định giá của thị trường hàng thật…
Đối với bất kỳ nhà sản xuất nào, chẳng hạn như cà phê hoặc ca cao luôn phải đối mặt với tình trạng được mùa thì giá thấp, mất mùa thì giá cao. Do đó, để đảm bảo giá bán ra khi đến kỳ thu hoạch đạt được mức giá kỳ vọng (mức giá đủ để trừ đi chi phí và tạo ra lãi theo như mong muốn) thì ngay từ khi bắt đầu sản xuất, họ sẽ thực hiện một giao dịch trên Sở Giao dịch hàng hóa và mở một trạng thái giao dịch bán hàng hóa kỳ hạn.
Nếu gặp người mua trên sàn chấp nhận mức giá này, coi như nhà sản xuất đã yên tâm về mức giá bán kỳ vọng, và họ chỉ việc tập trung vào sản xuất và thực hiện giao hàng theo như đã thỏa thuận với người mua.
Dù đến cuối thời điểm giao hàng, giá cà phê có tăng (vượt giá kỳ vọng) hoặc giảm (thấp hơn giá kỳ vọng) họ sẽ luôn đảm bảo được mức lợi nhuận cố định đã được tính toán từ thời điểm bắt đầu thực hiện giao dịch qua sàn trước đó cả năm. Đây chính là cách thức "bảo hiểm" giá hay được dùng khi kinh doanh hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa.
Như vừa chia sẻ, ông có nói về việc giao dịch hàng hóa kỳ hạn cho phép cả các nhà đầu tư tài chính có thể tham gia để kinh doanh có lời. Vậy các nhà đầu tư tài chính tham gia vào mô hình này như thế nào, và làm sao để có thể kiếm lời trên thị trường này?
Đây chính là điểm thú vị mà tôi muốn nói đến với mô hình giao dịch hàng hóa qua sàn. Về bản chất, giao dịch hàng hóa kỳ hạn có thể hiểu tương tự như là một loại sản phẩm đầu tư phái sinh, nhưng tính linh hoạt và hấp dẫn của phái sinh hàng hóa lại cao hơn rất nhiều so với đầu tư phái sinh đơn thuần.
Do loại tài sản cơ sở để giao dịch thường là những hàng hóa nguyên liệu cơ bản và được giao nhận thông thương trên thị trường toàn cầu, nên giá cả luôn minh bạch và rất khó bị thao túng.
Việc giao dịch cũng rất thuận lợi, ngay khi hoàn thiện thủ tục mở tài khoản giao dịch và tiến hành ký quỹ, nhà đầu tư có thể dễ dàng bán hoặc mua các hợp đồng kỳ hạn hàng hóa. Việc đóng trạng thái hay còn gọi là tất toán các hợp đồng đã giao dịch trước đó cũng được nhà đầu tư thực hiện dễ dàng mà không phải chờ đợi một khoảng thời gian bắt buộc nào.
Với cách thức giao dịch như vậy, cùng sự nhập cuộc của hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu nhà đầu tư cả cá nhân và các định chế tài chính trên thế giới tạo ra sự thanh khoản cũng như sức hấp dẫn của thị trường này. Do được sử dụng như là một công cụ để bảo hiểm giá cả hàng hóa nên trên thực tế, hàng hóa được giao nhận thực sự chỉ chiếm phần nhỏ trong các hợp đồng đã giao dịch tại Sở giao dịch hàng hóa.
Mô hình có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng điều quan trọng nhất là phương pháp vận hành của Sở giao dịch hàng hòa và cách truyền tải kênh đầu tư này đến với nhà đầu tư. Vậy sắp tới đây, MXV sẽ có phương án triển khai mở rộng mô hình giao dịch hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa tập trung này theo hướng như thế nào?
Một may mắn là từ 2018, việc ra đời Nghị định 51/2018/NĐ-CP với nhiều nội dung mang tính mở và cởi trói cho hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa đã giúp mô hình này có thêm nhiều điều kiện để phát triển hơn. Kể từ khi Nghị định có hiệu lực, hoạt động MXV đã tích cực hơn rất nhiều và ngày càng nhiều nhà đầu tư cũng như các nhà xuất nhập khẩu dành sự chú ý đến tính ưu việt của mô hình này.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng xác định để mô hình này được phổ biến hơn sẽ cần thêm thời gian để các nhà xuất nhập khẩu, nhà đầu tư tích lũy dần thêm đầy đủ kiến thức để có thể tham gia sân chơi cấp quy mô toàn cầu này. Để hỗ trợ nhà đầu tư và các nhà sản xuất, MXV cũng đã triển khai nhiều chương trình đào tạo trên quy mô cả nước để hướng dẫn người tham gia.
Bên cạnh đó, MXV cũng đã phối hợp với nhiều tổ chức định chế tài chính để hình thành kênh liên kết, bảo đảm các hoạt động giao dịch các loại sản phẩm giao dịch kỳ hạn hàng hóa sao cho đơn giản, thuận tiện và dễ dàng nhất.