Thời hạn giao hàng
Các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế luôn có khối lượng giao dịch lớn hơn rất nhiều lần lượng hàng hóa thực. Chính các NĐT tài chính có mặt đã tạo ra sự nhộn nhịp này. Nhưng do tham gia nhằm hưởng chênh lệch giá thuần túy nên các NĐT này không có và không thể giao hàng. Để khắc phục điều này, tất cả các sàn hàng hóa giao dịch kỳ hạn đều giống nhau khi để ngỏ lối thoát cho các NĐT tài chính. Chẳng hạn, trong hợp đồng quy định hàng hóa phải được giao vào ngày T. Trước đó một số ngày nhân viên môi giới sẽ chủ động liên hệ với bên mua và bên bán để xác nhận trạng thái giao dịch. Nếu cả hai bên đều có nhu cầu thực sự, hàng hóa sẽ được chuyển giao theo hợp đồng. Nếu là NĐT tài chính, họ sẽ "vô hiệu hóa" thời hạn ngày T bằng cách đàm phán kéo dài hay chuyển nhượng hợp đồng đó trên sàn.
Theo ông Đào Trung Kiên, Cố vấn của Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuật (BCEC), ngày T luôn là một rủi ro với các NĐT tài chính chân ướt chân ráo bước chân vào sàn giao dịch hàng hóa kỳ hạn. Bởi lẽ, sau khi nhân viên môi giới "nhắc nhở", số tiền ký quỹ NĐT sẽ tăng lên (tại BCEC, số tiền ký quỹ ban đầu là 15% và sau đó nâng lên 30%). Tệ hơn, NĐT có nguy cơ bị phong tỏa tài khoản nếu không thể đóng thêm tiền.
Theo ông Kiên, các NĐT đầu tư tài chính có kinh nghiệm luôn tìm cách thoát khỏi các hợp đồng sắp tới hạn trước khi bị nhân viên môi giới "nhắc nhở" bởi lo ngại thị trường có thể bất ngờ giao dịch một chiều. Sự mất thanh khoản khiến NĐT khó chuyển nhượng lại hợp đồng cho các NĐT tài chính khác. Khi đó, NĐT tài chính đối diện với nguy cơ giao dịch với… hàng thật.
"Cú nhảy lớn" về giá
Ông Phan Dũng Khánh, một chuyên gia tài chính độc lập, người đã có kinh nghiệm giao dịch hàng hóa kỳ hạn như dầu lửa, kim loại, nông sản trên các sàn giao dịch quốc tế cho biết, rủi ro với các sàn giao dịch hàng hóa là khoảng trống giá (gap). Sàn giao dịch hàng hóa kỳ hạn có nhiều nét tương đồng với sàn vàng trước đây. Tuy nhiên, có một số điểm khác biệt rất lớn mà nếu không lưu ý, NĐT tài chính có thể "cháy" tài khoản chỉ sau một đêm.
Chẳng hạn, trong giao dịch vàng, khi tăng giá từ 1.200 lên 1.400 USD/ounce thì quá trình tăng giá khá từ từ, có lên có xuống với bước nhảy chỉ từ một đến hai con số. Điều này xuất phát từ đặc thù thị trường vàng thanh khoản tốt, bên mua bán so kè nhau từng mức giá một. Vì vậy, ít khi giá vàng tăng giá vài chục USD/ounce trong một đêm.
Tuy nhiên, sàn hàng giao dịch hàng hóa kỳ hạn rất khác. Điều này có thể xảy ra thường xuyên. Do số lượng hợp đồng ít hơn nên các hợp đồng được chào mua bán với mức giá khá chênh lệch. Chẳng hạn, trên sàn hàng hóa, sau hợp đồng cà phê robusta giao sau 6 tháng vừa được khớp với mức giá 2.500 USD/tấn có thể lần kế tiếp khớp với giá 2.550 USD hay 2.450 USD/tấn. Lâu lâu vàng mới nhảy 50 USD/đêm nhưng trên sàng giao dịch hàng hóa kỳ hạn, khoảng "gap" có thể diễn ra thường xuyên.
Hiển thị không có nghĩa là giá giao ngay
Ông Khánh cho biết, nếu theo dõi đồ thị giá vàng, các NĐT đều không thấy sự khác nhau khi đồ thị là các đường liền nét. Tuy nhiên, thực tế khác hẳn. Với các kim loại như vàng, giá trên đồ thị là giá giao ngay (spot). Còn với nhiều loại hàng hóa khác, đặc biệt là nông sản như cà phê, hạt điều…, hàng hóa chỉ được giao vào một số thời điểm sau vụ thu hoạch. Nếu nhìn trên đồ thị, NĐT vẫn thấy các đường liền nét do tại một số thời điểm không phải là vụ thu hoạch, mức giá giao ngay đã được thay thế bằng mức giá giao dịch của các hợp đồng kỳ hạn.
Theo ông Khánh, tính thanh khoản của sàn giao dịch hàng hóa thấp hơn sàn vàng nên mới có giải pháp thay thế này. Vì vậy, NĐT tài chính có thể rơi vào rủi ro nếu thị trường hoạt động theo trạng thái một chiều. Ngọc Giang
Cà phê là mặt hàng được giao dịch khá sôi động trên sàn hàng hóa kỳ hạn