Biết và tin tưởng vào nguồn tin đồn giờ là một phần quan trọng với nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Dũng minh.

Biết và tin tưởng vào nguồn tin đồn giờ là một phần quan trọng với nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Dũng minh.

Giao dịch dựa vào tin nội gián: Bệnh cũ nặng hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bất cân xứng thông tin, một nhân tố gây ra sự không hoàn hảo của thị trường chứng khoán như nhà kinh tế học Keynes đúc kết, dù được đề cập nhiều lần nhưng vẫn là vấn đề nhức nhối trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thậm chí, sự bất thường này có vẻ đang trở nên bình thường.

Đầu nguồn thông tin trục lợi

Thanh Ngọc, nhân viên môi giới một công ty chứng khoán quy mô lớn kể, từ cuối tháng 2, đồng nghiệp trong công ty cô đã bảo nhau mua vào cổ phiếu X vì lợi nhuận quý I của công ty này chắc chắn sẽ đạt trên nghìn tỷ đồng, gấp đôi kế hoạch cả năm nay. Đến thời điểm này, công bố của công ty X cho thấy thông tin rò rỉ kia là chính xác.

Từ mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thị giá cổ phiếu X đến nay đã đạt trên 18.000 đồng/cổ phiếu, tăng 80% trong vòng 1 tháng.

Đây là kết quả đầu tư tuyệt vời với những ai mạnh dạn tin vào những thông tin tuy không chính thống nhưng lại chính xác trên thị trường chứng khoán.

Với lợi thế có thể trao đổi trực tiếp với bộ phận tài chính của doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp, nhiều công ty chứng khoán có thể có thông tin đáng tin cậy như vậy và cung cấp trước cho một bộ phận nhà đầu tư “VIP” của mình.

Tại Việt Nam hiện nay, các buổi gặp gỡ giới phân tích, tư vấn đầu tư các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, hay có thể theo một dạng khác là các buổi tham quan doanh nghiệp đang được tổ chức khá phổ biến và thông thường, lãnh đạo cấp cao nhất của doanh nghiệp trực tiếp trao đổi với người tham gia.

Chẳng hạn, cuộc gặp của Công ty cổ phẩn Vĩnh Hoàn (VHC) với giới phân tích luôn có bà Trần Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Công ty. Hay mới đây, các cuộc gặp của Công ty cổ phần Dabaco Việt Nam (DBC) với giới phân tích công ty chứng khoán đều do ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị chủ trì.

Trong các cuộc gặp này, các con số về bức tranh tài chính doanh nghiệp, ước lợi nhuận theo quý, theo năm, các kịch bản lợi nhuận cao thấp, trung bình đều được đưa ra. Những người được tiếp cận đầu tiên chắc hẳn có ưu thế.

Thông tin về các sự kiện kiểu này thường chỉ được đưa một cách chung chung trên website của doanh nghiệp, thậm chí không đưa.

Một dạng tin độc quyền nữa mà nhiều nhân viên công ty chứng khoán và cơ quan quản lý thị trường có thể có được là thông tin tin về kế hoạch tái cấu trúc của doanh nghiệp, như các nhóm cổ đông lớn mua vào, kế hoạch phát hành, tiến độ nộp hồ sơ và được cấp phép...

Đây là những thông tin quan trọng ở nhiều doanh nghiệp nhưng chưa phải công bố theo quy định của pháp luật chứng khoán. Bởi vậy, ai có thể tiếp cận trước để từ đó ra quyết định mua bán cổ phiếu thường có lợi.

Rất nhiều nhà đầu tư nhìn giá cổ phiếu CVT, NVB, VGC... biến động trên thị trường và không hiểu vì sao cổ phiếu liên tục tăng trần, lãnh đạo doanh nghiệp đua nhau đăng ký mua hay bán ra cổ phiếu.

Nhà đầu tư nhỏ lẻ không nắm được thông tin thường dễ mua vào cổ phiếu ở vùng đỉnh, bị ”kẹp hàng” hoặc lỗ sau đó.

Trong trường hợp này, rất có thể lãnh đạo doanh nghiệp đã nắm được thông tin có nhóm nhà đầu tư lớn gom vào và đó là cơ hội tuyệt vời để họ bán được cổ phiếu giá cao.

Bởi lẽ, sau khi hoạt động thu gom cổ phiếu để đạt đến tỷ lệ nhất định diễn ra, giá cổ phiếu sẽ đi ngang hoặc thậm chí giảm mạnh. Nhà đầu tư nhỏ lẻ không nắm được thông tin thường dễ mua vào cổ phiếu ở mức đỉnh và kẹp hàng hoặc lỗ sau đó.

Muôn kiểu bất cân xứng thông tin

Quan sát trên thị trường chứng khoán có thể thấy, việc các nhà đầu tư “cá mập” được tiếp cận sớm nguồn tin từ doanh nghiệp và các kế hoạch “đẩy giá” cổ phiếu đã gây ra những biến động “gây choáng váng” tại cổ phiếu này, cổ phiếu kia.

Trường hợp cổ phiếu TCM là một ví dụ. Cổ phiếu này được một số công ty chứng khoán khuyến nghị mua từ giá 16.000 đồng/cổ phiếu, với những dự báo chắc nịch như sẽ lên 60.000 đồng/cổ phiếu, 80.000 đồng/cổ phiếu và rồi trên 100.000 đồng/cổ phiếu.

Thực tế, không có chuyện giá cổ phiếu “phi” một mạch trong từng phiên, phiên nào cũng có giá xanh, giá đỏ, nhưng giá đóng cửa luôn ở mức cao.

Trong khoảng 6 tháng từ vùng giá trên 20.000 đồng/cổ phiếu tăng lên trên 110.000 đồng/cổ phiếu, tất nhiên cũng có những nhịp cổ phiếu này đi ngang, nhưng đi kèm với biến động giá cổ phiếu là những câu chuyện tích cực về hoạt động doanh nghiệp như lợi nhuận, đơn hàng, cổ tức... mà ai đó đã biết trước đa số cổ đông và nhà đầu tư còn lại.

Gần đây nhất là đà tăng mạnh của cổ phiếu FLC. Có hàng chục, hàng trăm nhà đầu tư trên thị trường có quy mô tài sản ròng vài trăm tỷ đồng được chia sẻ thông tin về hành trình leo dốc của cổ phiếu này.

Chính họ tham gia mua bán cổ phiếu tạo ra mức thanh khoản kỷ lục. Có người kiếm được tiền và cũng có người mất tiền.

Từng có vụ việc các bên lôi nhau ra cơ quan chức năng vì phía nhà đầu tư “cá mập” bị thất hứa. Cùng là đại gia nên các bên đã thu xếp với nhau ổn thỏa bằng tiền. Chỉ có những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ trên thị trường rất dễ bị dẫn dụ và phải chấp nhận “lợi nhuận lớn thì rủi ro cao”.

Nhưng thị trường vẫn vận hành như thế, “nhà cái” nào kiếm bộn tiền, lãnh đạo doanh nghiệp có “ăn trên lưng cổ đông” không, sự bất cân xứng thông tin đã trả lời tất cả.

Nhà kinh tế học Keynes cho rằng, thị trường hiếm khi hoàn hảo và phi đối xứng về thông tin chính là một nhân tố gây ra sự không hoàn hảo của thị trường.

Một nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán chia sẻ, giao dịch dựa trên thông tin nội bộ là một trong những hình thức dễ nhận biết nhất của thị trường với thông tin bất cân xứng hiện nay.

Giao dịch dạng này nở rộ với các nguồn cung cấp thông tin tồn tại bên ngoài “thị trường chung”, để người nhận có thể đầu tư vào kết quả có xác suất cao mà “thị trường chung” không biết.

Thời gian qua, giao dịch nội gián phụ thuộc rất nhiều vào việc lưu hành tin đồn. Biết và tin tưởng vào nguồn tin đồn giờ là một phần quan trọng với nhiều nhà đầu tư, vì nhiều tin đồn sau đó đều trở thành tin chính xác. Những nhà đầu tư mua bán cổ phiếu dựa vào tin đồn lại kiếm được lợi nhuận tốt, kích thích lòng tham của các nhà đầu tư khác lao theo.

Tất nhiên, không phải tin đồn nào cũng đúng. Có những tin đồn trên thị trường chứng khoán đến giờ vẫn chưa diễn ra như Tập đoàn V mua gom cổ phiếu bất động sản công nghiệp I, ngân hàng S hay nhà đầu tư nước ngoài gom cổ phiếu dưới dạng thâu tóm công ty A, công ty B… Dù vậy, thị giá các cổ phiếu này đã chạy khá xa.

Một dạng bất cân xứng thông tin phổ biến khác rất dễ gặp là các nhà đầu tư cá nhân nắm cổ phiếu ngoài sàn (OTC) sau mỗi cuộc phát hành ra công chúng (IPO) hoặc cổ phiếu trước khi lên sàn thường nhận được nhiều cuộc điện thoại mời bán cổ phiếu.

Những môi giới này có trong tay danh sách cổ đông của doanh nghiệp và số điện thoại liên hệ, nắm được kịch bản giá cổ phiếu trước khi lên sàn có thể diễn ra nên đã mua cổ phiếu hoặc đa phần là gom hộ cổ phiếu cho những nhà đầu tư “VIP”.

Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ sau nhiều năm ôm cổ phiếu, thua lỗ nay tự nhiên có người hỏi mua đã sung sướng bán quách cho xong, sau đó mới té ngửa khi biết thông tin doanh nghiệp sắp niêm yết với giá chào sàn cao gấp rưỡi giá đang giao dịch trên OTC, chia cổ phiếu thưởng… Biết thì đã “mất hàng”, họ chỉ biết kêu trời.

Sự bất cân xứng thông tin hiện nay không chỉ xảy ra ở các mã chứng khoán, mà còn xảy ra ở chính các cơ quan quản lý thị trường, đơn cử việc mua bán dữ liệu ở HOSE.

Hiện nay, các công ty chứng khoán, các nhà đầu tư tổ chức, quỹ đầu tư, nhà đầu tư lớn có thể mua các gói dữ liệu từ HOSE, còn các nhà đầu tư nhỏ lẻ thì không.

Các thông tin như số lượng lệnh, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở từng mã… chỉ có trong gói dữ liệu bán ra. Vậy ưu thế giao dịch đang thuộc về ai?

Trên Sàn Giao dịch chứng khoán New York (NYSE), năm 2008, nhà đầu tư “VIP” được phép mua quyền truy cập vào nguồn cấp dữ liệu thông tin thị trường chứng khoán độc quyền của NYSE.

Việc truy cập vào dữ liệu bị hạn chế này đã mang lại cho các nhà đầu tư “VIP” lợi thế thông tin lên tới vài giây so với thị trường chung để có thể hành động nhanh hơn. Ủy ban Chứng khoán Mỹ đã phạt NYSE gần 10 triệu USD vì cho phép lạm dụng thông tin bất cân xứng dạng này…

Nếu không giảm được tình trạng sự bất cân xứng thông tin trên thị trường chứng khoán thì sớm hay muộn niềm tin của số đông nhà đầu tư sẽ bị mai một. Doanh nghiệp sẽ khó huy động vốn hơn, thị trường chứng khoán không thể hiện vai trò được kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, dù bản chất là nhiều doanh nghiệp vẫn đang hoạt động tốt lên.

Tin bài liên quan