Đặc thù của các giao dịch trong lĩnh vực tài chính là đặt chữ tín lên hàng đầu. Song đây chính lại là cơ hội cho những đối tượng có "máu lừa" trà trộn vào

Đặc thù của các giao dịch trong lĩnh vực tài chính là đặt chữ tín lên hàng đầu. Song đây chính lại là cơ hội cho những đối tượng có "máu lừa" trà trộn vào

Giao dịch cổ phiếu OTC: ''tức nước'' vỡ… tranh chấp

(ĐTCK-online) Hầu như mọi giao dịch trên thị trường OTC lâu nay đều được thực hiện thông qua các mối quan hệ quen biết, tín nhiệm lẫn nhau, hoặc nếu kỹ hơn thì cơ sở để giao dịch cũng chỉ là những mảnh giấy viết tay. Đã bắt đầu xuất hiện những cuộc tranh chấp dở khóc dở cười chính từ sự lỏng lẻo này.

Vừa mất tiền, vừa mất bạn

Mới đây, Văn phòng Luật sư Nghiêm và Chính (Đoàn luật sư TP. HCM) nhận được đơn cầu cứu của chị Trần Thị C., hiện là Phó giám đốc của một công ty ở TP.HCM. Trong đơn chị C. trình bày, chị có một người bạn khá thân tên L. công tác trong lĩnh vực pháp luật. Trước khi Công ty Phân đạm và Hóa chất dầu khí tổ chức đấu giá (thời điểm nhiều người đổ xô "săn" quyền mua cổ phần ưu đãi của công ty này với giá cao), do biết chị C. có mối mua được cổ phần công ty này nên chị L. đã nhờ chị C. đứng ra mua giúp 3.000 suất cổ phần ưu đãi Đạm Phú Mỹ với giá 150 ngàn đồng/cổ phần. Theo đó, chị L. đưa trước cho chị C. 300 triệu đồng và yêu cầu  C. ghi vào cuốn sổ tay của  L với nội dung: "Tôi là C., có nhận của L. 300 triệu đồng". 150 triệu đồng còn lại, chị L nói sẽ đưa sau.

Mọi việc sẽ không có gì nếu đợt đấu giá cổ phần của Đạm Phú Mỹ có giá bằng hoặc cao hơn 150 ngàn đồng/cổ phần. Thế nhưng, sau đó kết quả đấu giá bình quân của Đạm Phú Mỹ không như mong đợi, giá chỉ trên 50.000 đồng/cổ phần, vậy nên sau đó chị L. "trở mặt", yêu cầu  chị C. phải trả lại 300 triệu đồng mà chị C. đã nhận với lý do, số tiền đó là tiền chị L. cho chị C. mượn, chứ không phải tiền mua cổ phần.  Chị C. không chấp thuận vì cho rằng, số tiền này chị L. nhờ mua cổ phần của Đạm Phú Mỹ, nên giờ cổ phần này xuống giá chị L. phải chịu. Tại cơ quan pháp luật, chị L. đã "chìa" ra chứng cứ là bút tích của chị C. đã ghi: "Tôi là C., có nhận của L. 300 triệu đồng", nên về mặt pháp lý chị C. không thể chứng minh được đó là số tiền chị L. nhờ mua giúp cổ phần.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, Trưởng Văn phòng Luật sư Nghiêm và Chính, cho biết rất may trong trường hợp này có một người đứng ra làm nhân chứng cho sự việc, nên có thể chị C. không phải trả lại số tiền 300 triệu đồng, nhưng phải "ôm" 1.000 cổ phần của Đạm Phú Mỹ với giá 150 ngàn đồng/cổ phần mà L. nhờ mua trước đó nhưng chưa đưa tiền.

 

Tranh chấp OTC đầu tiên ra tòa

Mới đây, lần đầu tiên một vụ tranh chấp cổ phiếu OTC được đưa ra TAND tỉnh Đồng Nai để xét xử. Nguyên đơn là anh Lý Quốc Hoàng (ngụ ở phường Tân Hiệp, Biên Hòa) khởi kiện anh Giang Tấn Long yêu cầu anh Long phải hoàn trả 4.000 cổ phần được quyền mua thêm và 2.000 cổ phiếu thưởng của  Ngân hàng Đại Á.

Theo nội dung khởi kiện, ngày 18/8/2006, anh Hoàng có thỏa thuận mua của anh Long 5.000 cổ phần của Ngân hàng Đại Á với giá 120 triệu đồng. Hợp đồng chuyển nhượng có một số điều khoản ghi: Ngay khi ký kết giấy chuyển nhượng, anh Hoàng có toàn quyền sở hữu số cổ phiếu; các quyền lợi liên quan đến số cổ phiếu giao dịch sẽ thuộc về anh Hoàng... Quá trình giao dịch, anh Hoàng đã giao đủ số tiền thỏa thuận.

Thời gian này, anh Hoàng nắm được thông tin, với việc sở hữu 5.000 cổ phần đã mua của anh Long vào ngày 18/8/2006 khi Ngân hàng Đại Á tăng vốn đợt hai, anh sẽ được quyền mua thêm 4.000 cổ phiếu với giá ưu đãi và được thưởng thêm 2.000 cổ phiếu. Thế nhưng, anh Long đã "ém" thông tin này và chần chừ không làm thủ tục chuyển nhượng và tự bỏ tiền mua số cổ phiếu ưu đãi và hưởng số cổ phiếu thưởng do phát sinh từ số cổ phiếu đã bán cho Hoàng.

Tại Tòa án, luật sư bảo vệ cho quyền lợi của Long cho rằng, hợp đồng chuyển nhượng 5.000 cổ phần ngày 18/8/2006 giữa Long với Hoàng là vô hiệu vì khi ký hợp đồng Long chưa là chủ sở hữu cổ phiếu, nên đề nghị Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu.

Tuy nhiên, đề nghị trên không được Hội đồng xét xử chấp nhận, bởi việc mua bán số cổ phiếu này là cổ phiếu OTC, sổ chứng nhận sở hữu chỉ là hình thức trong việc mua bán vì khi mua bán cổ phiếu, anh Long có đủ giấy tờ về quyền sở hữu cổ phiếu bán cho anh Hoàng. Tòa án chấp nhận toàn bộ khởi kiện của anh Hoàng, tuyên buộc anh Long phải làm thủ tục chuyển nhượng cho anh Hoàng 5.000 cổ phiếu mua ngày 18/8/2006, 2.000 cổ phiếu thưởng cùng 4.000 cổ phiếu ưu đãi mua thêm. Tổng cộng là 11.000 cổ phiếu, quy ra giá trị thị trường hiện tại là 550 triệu đồng. Đồng thời, Tòa án cũng chấp nhận đề nghị của anh Hoàng sẽ trả lại số tiền 40 triệu đồng mà anh Long đã nộp cho Ngân hàng Đại Á để mua 4.000 cổ phiếu ưu đãi.

 

Phải biết tự bảo vệ mình

Theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán, những vụ việc kể trên còn may mắn là lúc giao dịch người mua có được chứng cứ nhất định. Còn trên thực tế, do đặc thù thị trường OTC trong điều kiện chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, phần lớn giao dịch OTC thường thông qua sự tin tưởng hoặc do nể nang nhau mà trong lúc giao dịch bên mua không đòi hỏi bên bán phải đưa ra căn cứ pháp lý. Đến khi xảy ra tranh chấp, người mua chấp nhận "chịu đắng nuốt cay", mất tiền mà không thể làm gì được.

Luật sư Nguyễn Tấn Hải thuộc Văn phòng Luật sư Hoàng Hà cho biết, gần đây, ông tiếp nhận một số vụ việc liên quan đến tranh chấp về chứng khoán OTC, song nghẹt nỗi phần lớn đương sự chỉ có "tay không" để trình bày bức xúc mà không có loại giấy tờ gì để chứng minh, không có người làm chứng… nên về mặt pháp lý cũng không có cơ sở để khởi kiện. Mới đây có một đương sự tên Nam đến nhờ cầu cứu. Theo Nam, đầu năm 2007, anh có đưa gần 30 triệu đồng cho một người bạn để đứng tên sổ cổ đông mua cổ phiếu của Công ty V., nhưng sau đó, Nam kẹt tiền kêu bán số cổ phiếu này thì người bạn "quay 180 độ" nói rằng, không biết gì về số cổ phiếu này. Điều đáng nói, trong lúc giao tiền cho "bạn" mua cổ phiếu, Nam không lấy biên nhận cũng không có người làm chứng, nên luật sư cũng đành "bó tay".

Theo luật sư Nghiêm, đặc thù  các giao dịch trong lĩnh vực tài chính thường đặt chữ tín lên hàng đầu. Song đây chính lại là cơ hội cho những đối tượng có "máu lừa" trà trộn vào. Do vậy, khi giao dịch, nhà đầu tư cần phải biết chọn mặt để… trao tiền. Còn nếu nghi ngờ thì khi giao dịch phải có giấy tờ hẳn hoi hoặc phải có người làm chứng. Đó là cách tốt nhất để mình bảo vệ cho chính mình.