Giao dịch chứng khoán sáng ngày 30/8: Thanh khoản giảm mạnh, thị trường cố cầm cự sắc xanh

Giao dịch chứng khoán sáng ngày 30/8: Thanh khoản giảm mạnh, thị trường cố cầm cự sắc xanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tâm lý kỳ nghỉ lễ cận kề khiến thị trường giao dịch thận trọng. Đáng chú ý, trong khi dòng bank đang là điểm tựa chính giúp VN-Index cầm cự sắc xanh thì các cổ phiếu bất động sản vẫn hấp dẫn bởi thanh khoản sôi động.

Sau những phiên tiết cung giúp thị trường cân bằng và dần hồi phục trong tuần vừa qua, chỉ số VN-Index đã bước vào tuần cuối cùng của tháng 8 khá tích cực. Lực cầu sôi động trở lại với những phiên thanh khoản trên 20.000 tỷ đồng, cùng diễn biến tích cực ở nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường sớm lấy lại ngưỡng kháng cự mạnh 1.200 điểm.

Trong phiên giao dịch hôm qua ngày 29/8, chỉ số VN-Index đã kết phiên với cây nến Doji, duy trì đà tăng điểm so với phiên trước cùng thanh khoản cải thiện tích cực, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang cải thiện khá tốt sau đợt điều chỉnh giảm sâu trước đó. Tuy nhiên, với áp lực kỳ nghỉ lễ dài ngày đang cận kề, thì cơ hội chỉ số chung bật tăng mạnh và vượt đỉnh ngắn hạn là không cao.

Không nằm ngoài dự báo trên, thị trường bước vào phiên giao dịch sáng ngày 30/8 khá thận trọng. Trạng thái phân hóa chung của thị trường cùng các nhóm cổ phiếu lớn đã khiến VN-Index khó tiến xa.

Sau hơn 1 giờ giao dịch, chỉ số VN-Index chỉ tăng nhẹ hơn 2 điểm. Trong đó, cổ phiếu vốn hóa lớn nhất là VIC đang đóng vai trò lực cản chính của thị trường khi lấy đi hơn 1,6 điểm và hiện đang giảm trên dưới 3%. Đây cũng chính là nhân tố khiến nhóm cổ phiếu bất động sản mất điểm.

Tuy nhiên, dòng tiền vẫn khá sôi động với các cổ phiếu nhóm này. Hiện CII đang là điểm sáng với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 11 triệu đơn vị và giá cổ phiếu đang tăng khá tốt trên dưới 5%; các cổ phiếu khác như VIC, NVL, TCH, DIG, DXG cũng thuộc top 10 cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang khá nỗ lực để giúp thị trường cầm cự sắc xanh. Hiện dòng bank phần lớn đều giao dịch trên mốc tham chiếu nhưng mức tăng khá hạn chế chỉ trên dưới 1%.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu đang có mức tăng tốt nhất thị trường là công nghệ thông tin, với điểm sáng là FPT tiếp tục lập đỉnh mới quanh mức giá 95.000 đồng/CP, dù có chút rung lắc và điều chỉnh nhẹ khi mở cửa.

Lực cầu khá yếu khiến nỗ lực thử thách mốc 1.210 điểm bất thành và VN-Index lui về sát mốc tham chiếu trong trạng thái thị trường phân hóa mạnh.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE khá cân bằng với 225 mã tăng và 231 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 1,23 điểm (+0,1%) lên 1.205,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 380,79 triệu đơn vị, giá trị 8.990,7 tỷ đồng, giảm 35,54% về khối lượng và 30,4% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 12,26 triệu đơn vị, giá trị 434,74 tỷ đồng.

Cổ phiếu lớn VIC tiếp tục gia tăng gánh nặng về cuối phiên khi tạm dừng phiên sáng nay giảm 3,8% xuống mức 61.000 đồng/CP, nhưng thanh khoản sôi động với 14,76 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các mã lớn khác như GVR, VPB, VNM, GAS, HPG, SSI, MSN, VHM giảm nhẹ dưới 1%.

Trái lại, FPT tiếp tục tăng tốc và có thời điểm tăng gần 5%. Tạm chốt phiên sáng nay, FPT tăng 3,3% lên mức 96.700 đồng/CP và khớp 1,62 triệu đơn vị. Cùng với diễn biến tích cực của VCB tăng 0,9%, là 2 mã có đóng góp lớn nhất cho thị trường.

Xét về nhóm ngành, với diễn biến tích cực của FPT, nhóm công nghệ và thông tin vẫn dẫn đầu xu hướng tăng của thị trường.

Đứng ở vị trí tiếp theo là nhóm thủy sản với VHC tăng 2,78%, IDI tăng 3,77%, ANV tăng 3,88%, các mã FMC, CMX, ACL đều tăng 1-2%.

Dòng bank vẫn là điểm tựa tốt giúp thị trường bảo toàn được xu hướng tăng. Ngoại trừ VPB, SSB, MSB giảm nhẹ dưới 1%, còn lại đều khởi sắc, đáng kể là VCB tăng 0,9%, BID và CTG đều tăng hơn 1%, STB tăng nhẹ 0,8% và là mã thanh khoản tốt nhất ngành với hơn 15,15 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhóm bất động sản vẫn mất điểm bởi áp lực lớn từ cổ phiếu VIC. Tuy nhiên, đây vẫn là nhóm giao dịch sôi động khi có sự góp mặt của 4 thành viên trong top 5 dẫn đầu thị trường. Trong đó, NVL lớn nhất với hơn 31,37 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên giảm 1,7% xuống 20.000 đồng/CP, còn CII vẫn tăng tốt 3,3% với khối lượng khớp lệnh lớn thứ 4 đạt 14,28 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên khiến thị trường rung lắc và quay đầu điều chỉnh.

Chốt phiên, sàn HNX có 56 mã tăng và 97 mã giảm, HNX-Index giảm 0,88 điểm (-0,36%) xuống 245,6 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 34,1 triệu đơn vị, giá trị 684,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chỉ đóng góp thêm 1,3 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 đồng loạt đảo chiều điều chỉnh khi có tới 20 mã mất điểm và chỉ còn 5 mã giữ được sắc xanh. Trong đó, CEO giảm 1,6% xuống mức 25.200 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 6,27 triệu đơn vị.

Các mã khác như SHS, HUT, PVS, MBS đồng loạt điều chỉnh nhẹ vào cuối phiên với mức giảm chỉ trên dưới 0,5% và thanh khoản đều đạt một vài triệu đơn vị.

Trong khi đó, VCS ngược dòng thị trường tăng mạnh. Chốt phiên, VCS tăng 7,4% lên mức 65.500 đồng/CP với thanh khoản đạt 0,34 triệu đơn vị, gấp gần 3 lần so với mức thanh khoản trung bình 10 phiên giao dịch gần đây.

Trên UPCoM, thị trường cũng đảo chiều giảm do áp lực bán gia tăng.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,12%) xuống 92,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 14 triệu đơn vị, giá trị hơn 223 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,6 triệu đơn vị, giá trị hơn 9 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR cũng mất điểm cuối phiên và tạm dừng phiên sáng giảm 0,5% xuống mức 19.100 đồng/CP, nhưng là mã duy nhất có thanh khoản đạt triệu đơn vị, tương ứng hơn 2,84 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí thứ 2 là SBS khớp hơn 0,9 triệu đơn vị và chốt phiên đứng giá tham chiếu 8.500 đồng/CP.

Trong khi đó, VTP dù có chút điều chỉnh nhẹ đầu phiên nhưng đã ngược dòng thị trường và khởi sắc cuối phiên khi tăng 3,3% lên mức 43.200 đồng/CP.

Tin bài liên quan