Giao dịch chứng khoán sáng ngày 21/10: Tiền nhiều hơn, thị trường vẫn giảm mạnh

Giao dịch chứng khoán sáng ngày 21/10: Tiền nhiều hơn, thị trường vẫn giảm mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù thanh khoản cải thiện nhưng áp lực bán mạnh trên diện không đã khiến thị trường không thoát khỏi phiên giảm sâu. Trong đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục có phiên đỏ lửa.

Thị trường đã kết thúc phiên đáo hạn hợp đồng VN30F2210 – phiên 20/10 – trong trạng thái giằng co. Tuy nhiên, về góc nhìn kỹ thuật, với diễn biến rung lắc trong biên độ khá rộng cùng thanh khoản sụt giảm mạnh trong 5 phiên gần đây, cho thấy rủi ro của thị trường trong ngắn hạn vẫn khá lớn.

Bên cạnh đó, việc VN-Index phục hồi lên vùng điểm 1.065 điểm, tương đương với thang đo Fibonacci rồi quay đầu thoái lui và không thể vượt qua, cùng với các chỉ báo quan trọng tại khung đồ thị RSI, MACD đã suy yếu và có tín hiệu tạo đỉnh, điều này thể hiện lực cầu đã giảm đi và VN-Index có thể sẽ rung lắc mạnh hơn trong các phiên tới.

Nhiều dự báo nhận định về diễn biến trung hạn, với kênh giá sideway down, VN-INDEX có khả năng quay trở lại xu hướng giảm trong thời gian tới, kiểm nghiệm lại đáy cũ với mục tiêu quanh ngưỡng 950 điểm.

Quay lại phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 21/10, giao dịch vẫn thận trọng và chỉ số VN-Index mở cửa xanh nhạt với mức tăng chưa tới 1 điểm nhờ sự hỗ trợ của một số bluechip.

Tuy nhiên, với áp lực bán trên diện rộng sớm quay trở lại trong khi dòng tiền tham gia vẫn hạn chế khiến VN-Index nhanh chóng quay đầu khi “chưa kịp” thử thách lại mốc 1.060 điểm.

Thị trường ngày càng nới rộng đà giảm điểm trong đợt khớp lệnh liên tục và VN-Index tiếp tục lùi về dưới vùng giá 1.050 điểm khi bảng điện tử chìm trong sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu bluechip cũng không nằm ngoài xu hướng chung khi chỉ còn vài ba mã giữ được đà tăng nhẹ như GAS, SAB và VNM.

Trong bối cảnh hầu như các nhóm ngành đều mất điểm, đáng chú ý là nhóm cổ phiếu thép bị xả bán khá mạnh. Đặc biệt, HPG bên cạnh áp lực từ cung nội, cổ phiếu này tiếp tục bị khối ngoại xả bán mạnh khi bán ròng tới hơn 3,1 triệu đơn vị chỉ sau khoảng 90 phút giao dịch, đã khiến HPG giảm tới 5%. Trong khi đó, HSG và NKG đang giảm hơn 6% về sát mức giá sàn.

Mặc dù lực cầu được kích hoạt đã giúp nhiều mã lớn bé thoát nằm sàn, nhưng với áp lực bán vẫn khá lớn trên diện rộng, khiến thị trường khó tránh khỏi phiên giảm sâu. Thậm chí, có thời điểm VN-Index thủng mốc 1.030 điểm trước khi bật hồi đôi chút về cuối phiên và đóng cửa giảm tới gần 25 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE chỉ còn 39 mã tăng và có tới 409 mã giảm (25 mã giảm sàn), VN-Index giảm 24,8 điểm (-2,31%), xuống 1.033,97 điểm. Thanh khoản tăng vọt với tổng khối lượng giao dịch đạt 342,93 triệu đơn vị, giá trị 6.889,87 tỷ đồng, tăng 126,96% về khối lượng và 139,32% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 45,9 triệu đơn vị, giá trị 1.384,4 tỷ đồng.

Nhóm VN30 để mất tới gần 30 điểm khi ghi nhận 26 mã giảm với mức giảm khá sâu khi có hơn 1/2 số mã giảm hơn 3% và chỉ có 4 mã tăng là SAB, VCB, GAS, VNM với biên độ trên dưới 1%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sau tín hiệu hồi phục nhẹ đầu phiên, cổ phiếu HAG đã quay đầu điều chỉnh nhẹ 0,3% xuống mức 9.020 đồng/CP và thanh khoản vẫn khá sôi động với hơn 9,2 triệu đơn vị khớp lệnh. Trong khi đó, GEX tiếp tục lùi sâu sau 3 phiên giảm điểm, thậm chí có thời điểm nằm sàn. Đóng cửa, GEX giảm 6% xuống mức 13.300 đồng/CP.

Xét về nhóm ngành, cùng thị trường lao dốc, nhóm cổ phiếu chứng khoán đi đầu trong xu hướng giảm khi đồng loạt lao dốc mạnh. Cụ thể, FTS giảm sàn, CTS giảm 6,5% xuống mức thấp nhất phiên 12.300 đồng/CP, VCI giảm 6,3%, VIX và APG cùng giảm 6,2%, SSI và VND cùng giảm 5,7%, BSI giảm 5,1%, VDS giảm 5%...

Trong đó, VND và SSI vẫn thuộc top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường, với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 16,45 triệu đơn vị và hơn 11 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thép thoát mức giá thấp nhất phiên nhưng vẫn tiêu cực, trong đó HPG giảm 5,2% xuống 17.150 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt hơn 23 triệu đơn vị. Đáng chú ý, cổ phiếu HPG tiếp tục chịu áp lực xả bán ồ ạt của khối ngoại khi bị bán ròng gần 6,2 triệu đơn vị.

Cổ phiếu thép khác là HSG giảm 6% xuống gần sàn 12.600 đồng/CP và khớp hơn 13,75 triệu đơn vị; còn NKG giảm 6,5% xuống 15.900 đồng/CP và khớp 8,14 triệu đơn vị.

Ở nhóm bất động sản, bên cạnh cặp đôi lớn VHM và VIC lần lượt giảm 4,7% và 3,92%, nhiều mã vừa và nhỏ giảm sàn như DXS, ITC, TDC, hay giảm mạnh như HDC giảm 6,8%, DPG giảm 6,7%, DXG giảm 6,6%, FCN giảm 6,4%, KBC giảm 6,1%, VCG và DIG cùng giảm 5,9%...

Các nhóm ngành khác như bán lẻ, chế biến thủy sản, bảo hiểm… cũng ghi nhận mức giảm sâu.

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng mạnh với gánh nặng chính từ nhóm cổ phiếu bluechip, đã khiến thị trường cắm đầu lao dốc , tuy nhiên, thanh khoản thị trường cũng tăng vọt.

Chốt phiên, sàn HNX có 24 mã tăng và 149 mã giảm, HNX-Index giảm 5,38 điểm (-2,38%), xuống 220,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 40,59 triệu đơn vị, giá trị 612,91 tỷ đồng, tăng gấp gần 2 lần về lượng và tăng hơn 140% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể chỉ 0,62 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 chỉ có duy nhất LHC tăng 1,2%, cùng DDG đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm, đóng cửa, chỉ số nhóm này giảm hơn 12 điểm, về dưới mốc 370 điểm.

Trong đó một số mã đáng chú ý giảm khá mạnh như CEO giảm 6,7%, HUT giảm 6%, IDC giảm 4,3%..

Đặc biệt là các cổ phiếu trong nhóm chứng khoán trên HNX cũng đua nhau lao dốc mạnh, với BVS giảm 7,3% xuống 16.500 đồng/CP, SHS giảm 5,9% xuống 11.100 đồng/CP, MBS giảm 6,1% xuống 13.900 đồng/CP, APS giảm 4,2% xuống 9.100 đồng/CP, EVS giảm 6,4% xuống 13.200 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi KLF và ART chốt phiên nằm sàn, trong đó ART dư bán sàn gần 1,4 triệu đơn vị.

Về thanh khoản thị trường, cổ phiếu PVS dẫn đầu với khối lượng khớp lệnh đạt 7,94 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 2,5% xuống 23.100 đồng/CP. Tiếp theo là SHS khớp 6,74 triệu đơn vị và KLF khớp 5,59 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng trong xu hướng chung khi đà giảm nới rộng về cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 1,47 điểm (-1,82%), xuống 79,31 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 23,98 triệu đơn vị, giá trị 255,62 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Cổ phiếu BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với 4,42 triệu đơn vị giao dịch thành công và chốt phiên giảm 2,9% xuống 20.000 đồng/CP.

Một số mã đáng chú ý khác cũng không thoát khỏi xu hướng giảm khá mạnh như LMH giảm 12,3%, OIL giảm 2,9%, C4G giảm 4%, VGI giảm 4,4%, VGT giảm 6,6%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đáng chú ý là PVX ngược dòng thành công khi có thời điểm tăng kịch trần và chốt phiên giữ sắc xanh khi +3% lên 3.400 đồng/CP, cùng thanh khoản chỉ thua BSR khi khớp hơn 2,33 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan