Sau 2 phiên tăng mạnh mẽ và liên tục bỏ qua những ngưỡng kháng cự mạnh 1.230 – 1.240 điểm, áp lực bán chốt lời đã có dấu hiệu gia tăng khiến thị trường xuất hiện những nhịp rung lắc trong phiên giao dịch hôm qua ngày 8/8. Tuy nhiên, cổ phiếu lớn VIC vẫn làm tốt vai trò nâng đỡ thị trường, giúp VN-Index bảo toàn sắc xanh khi kết phiên.
Về góc nhìn kỹ thuật, áp lực bán về cuối phiên khiến VN-Index hình thành cụm nến có dạng Bearish counterattack. Ở cả hai khung đồ thị ngày và giờ, các chỉ báo đều đang chuyển sang đi ngang và đều đã ở mức cao.
Tuy MACD ở khung đồ thị ngày xóa đi rủi ro tạo phân kì âm ngắn hạn, nhưng RSI đã đạt xấp xỉ 80, cho thấy VN-Index hoàn toàn có thể xảy ra những rung lắc mạnh và bất ngờ trong các phiên tới.
Theo CTCK Asean, sự giằng co của bên mua và bên bán, cùng dấu hiệu chững lại của đà tăng, cho thấy thị trường có nhiều khả năng sẽ gặp rung lắc trong những phiên giao dịch tới.
Không nằm ngoài dự báo trên, thị trường đã bước vào phiên giao dịch sáng ngày 9/8 không mấy tích cực khi áp lực bán gia tăng trên diện rộng khiến VN-Index mở cửa trong sắc đỏ.
Tuy nhiên, áp lực bán không quá lớn nên chỉ số chung chỉ duy trì trạng thái giảm nhẹ. Sau khoảng 2 giờ mở cửa, thị trường giao dịch khá phân hóa với số mã tăng và giảm trên bảng điện tử khá cân bằng, chỉ số VN-Index chỉ giảm nhẹ hơn 3 điểm và giao dịch dưới mốc 1.240 điểm.
Trong đó, những điểm tựa trong những phiên gần đây như VHM, VIC, VRE đều đảo chiều giảm điểm, với VHM giảm mạnh nhất trong rổ VN30 khi mất hơn 2%.
Xét về nhóm ngành, các nhóm trụ cột ngân hàng và chứng khoán cũng không mấy khả quan với sắc đỏ có phần chiếm ưu thế hơn.
Áp lực bán gia tăng về cuối phiên cùng sức ép lớn từ nhóm cổ phiếu bluechip, chỉ số VN-Index đã nới rộng biên độ giảm, tạm dừng ở mức thấp nhất của phiên sáng.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 264 mã tăng và 177 mã giảm, VN-Index giảm 7,74 điểm (-0,62%) xuống 1.234,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 568,2 triệu đơn vị, giá trị 10.821,2 tỷ đồng, giảm 5,87% về khối lượng và 3,76% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 42,5 triệu đơn vị, giá trị 901,46 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, nhóm VN30 đã gia tăng sức ép về cuối phiên khi chỉ còn 2 mã là HPG và STB giữ được sắc xanh với mức tăng đều chưa tới 1%, trong khi có tới 26 mã mất điểm.
Các mã dẫn đầu trong danh mục giảm như MWG giảm 2,4%, VHM giảm 2,2%, VPB giảm 1,8%...
Trong khi đó, một số cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn khá hấp dẫn như HSL, TEG, NAF, JVC, APH chốt phiên tăng trần. Bên cạnh đó, các mã như DXG, STB, TTF vẫn giữ được sắc xanh với thanh trên 10 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, hầu hết các nhóm lớn như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đều chịu áp lực bán gia tăng với số mã giảm điểm chiếm ưu thế hơn.
Cụ thể, ở nhóm cổ phiếu bất động sản, bên cạnh các mã lớn VHM, VIC, VRE đều mất điểm, nhiều mã nóng vừa và nhỏ thời gian qua cũng chịu áp lực bán gia tăng và đảo chiều giảm như TCH, NVL, DIG, HQC… đều giảm nhẹ trên dưới 1%.
Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng về cuối phiên cũng khiến thị trường không giữ được sắc xanh.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 99 mã tăng và 76 mã giảm, HNX-Index giảm nhẹ 0,09 điểm (-0,04%) xuống 245,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 68,3 triệu đơn vị, giá trị 938 tỷ đồng.
Cổ phiếu chứng khoán SHS cũng nằm trong xu hướng chung khi đảo chiều giảm 1,2%, chốt phiên đứng ở mức giá 15.900 đồng/CP với thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường, đạt hơn 8 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cổ phiếu vừa và nhỏ DDG đảo chiều khởi sắc sau nhịp rung lắc đầu phiên. Chốt phiên sáng, DDG tăng 2,2% lên mức 9.500 đồng/CP với thanh khoản chỉu thua SHS, đạt 3,45 triệu đơn vị.
Tâm điểm đáng chú ý trên sàn HNX là SRA đã có phiên giao dịch đột biến. Chốt phiên, SRA tăng kịch trần lên mức 5.000 đồng/CP và giao dịch bùng nổ, đạt 2,13 triệu đơn vị cùng khối lượng dư mua trần hơn 1,31 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường may mắn giữ được đà tăng nhẹ.
Chốt phiên sáng, chỉ số UPCoM-Index tăng 0,57 điểm (+0,61%), lên 94,2 điểm với 158 mã tăng và 85 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 51,2 triệu đơn vị, giá trị 651 tỷ đồng.
BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản với 6,22 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng chốt phiên đã lùi về mốc tham chiếu 20.400 đồng/CP.
Trong khi đó, các mã vừa và nhỏ đang là điểm sáng trên UPCoM, với VHG tăng 2,6%, LNH tăng 10,9%, BOT, HHG và PXL cùng tăng trần, thanh khoản đều đạt một vài triệu đơn vị.