Sau chuỗi tăng ấn tượng, thị trường đã có 2 phiên giảm mạnh, đặc biệt là phiên bán tháo ồ ạt ngày hôm qua (8/6) với việc VN-Index và hàng loạt mã trụ trong nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép đều phá vỡ vùng hỗ trợ ngắn hạn, xác lập xu hướng giảm.
Nhận định về thị trường, nhiều công ty chứng khoán cho rằng, việc thị trường tăng nhanh, thì tất yếu sẽ giảm nhanh và đó là điều bình thường. Tuy nhiên, 2 phiên giảm tới gần 60 điểm vừa qua đã lấy đi rất nhiều thành quả của nhà đầu tư.
Về kỹ thuật, sau khi vùng hỗ trợ ngắn hạn (MA10) bị phá vỡ, vùng hỗ trợ ngắn hạn mạnh tiếp theo của VN-Index là 1.300 - 1.315 điểm và thị trường có thể hồi phục kỹ thuật khi chạm vùng hỗ trợ này.
Diễn biến thị trường phiên sáng nay tỏ ra phù hợp với nhận định trên, sau khi thị trường giảm điểm chạm tới ngưỡng hỗ trợ đã bật mạnh trở lại. Diễn biến đáng chú ý vẫn là nhó VN30 dẫn dắt thị trường, nhiều cổ phiếu nhận được lực cầu bắt đáy đã chuyển giá đỏ sang giá xanh, tập trung ở nhóm mã ngân hàng, chứng khoán, thép. Tuy nhiên khi sự hứng khởi vừa đến thì lượng bán ra lại tăng khiến chỉ số cả VN30 và VN-Index chỉ biến động ngang ngưỡng tham chiếu.
Đây là diễn biến bình thường trong các phiên hồi phục kỹ thuật, lực cầu giá thấp luôn có và lượng bán ra chốt lời với nhiều cố phiếu còn có lãi hoặc giảm margin,... cũng không hề nhỏ. Thị trường cần thêm phiên chiều để xác định liệu có nhịp hồi mạnh hay tiếp tục giảm điểm?
Điểm đáng chú ý của phiên sáng nay giống như những gì đã diễn ra nhiều phiên hôm qua đó là bảng điện, rất đáng phải chú ý bởi nhà đầu tư không biết khi nào bảng mới "nhảy số" một lần. Giao dịch tù mù, thậm chí có dấu hiệu "lây sang" HNX vì theo phản ánh của một số nhà đầu tư, sáng nay vào bảng điện tử của FPTS và BSC rất khó, trong khi xem bảng điện tử của SSI thì dường như sàn HNX cũng gặp vấn đề khi thanh khoản bị ngắt quãng, nhưng ở bảng điện tử của một số công ty khác thì HNX vẫn hiện thị bình thường.
Nhiều nhà đầu tư thể hiện sự bức xúc trên các diễn đàn, room, đặc biệt là việc không cho sửa, hủy lệnh. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, việc HOSE và các công ty chứng khoán không cho họ được hủy, sửa lệnh là phạm luật, vì theo Quy chế của HOSE, nhà đầu tư được hủy, sửa lệnh. Theo ý kiến của một luật sư, các nhà đầu tư trong trường hợp này có thể chọn tổ chức đại diện cho mình để kiện các công ty chứng khoán, HOSE và thậm chí cả UBCK khi quyền lợi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, dù các công ty chứng khoán thông báo không cho hủy, sửa lệnh, nhưng không ít môi giới vẫn sửa lệnh hủy lệnh cho khách hàng của mình.
Chặn hủy, sửa lệnh: Công ty chứng khoán và HOSE đều phạm luật?
Ngoài ra, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một công ty chứng khoán trong Top 10 thị phần môi giới trên HOSE cho biết, vì quyền lợi nhà đầu tư, đồng thời theo quy định, nhà đầu tư được hủy, sửa lệnh nên Công ty vẫn thực hiện hủy, sửa lệnh cho nhà đầu tư.
Trở lại với phiên giao dịch sáng nay, nhà đầu tư tỏ ra thận trọng khi bước vào phiên giao dịch, lượng bán ra đầu phiên chưa mạnh khiến nhiều mã ngắt được đà rơi phiên hôm qua và có mức giá màu xanh. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch thấp đầu phiên cho thấy đây chỉ là sự thăm dò.
Những phút tiếp theo của thị trường là sự giằng co giữa bên mua và bán khi nhiều mã đảo màu liên tục trong phiên sáng.
Một số nhà đầu tư kỳ cựu cho rằng, diễn biến đầu giờ sáng nay chỉ là bull trap, thị trường chưa call margin mà nhảy vào bắt đáy là sai lầm.
Tuy nhiên, đúng như dự báo của các công ty chứng khoán, khi VN-Index về vùng hỗ trợ 1.300 - 1.315 điểm, lực cầu bắt đáy nhập cuộc đã kéo chỉ số này hồi phục trở lại, lên trên tham chiếu.
Dù không quá mạnh, nhưng do lực cung giá thấp không còn nhiều, nên nhiều mã đảo chiều tăng trở lại, trên bảng điện tử số mã tăng đã vượt qua con số 120, trong khi số mã giảm từ hơn 300 mã xuống còn 250 mã.
Lực cầu bắt đáy không chỉ trên HOSE, mà còn hoạt động tích cực trên HNX, tập trung vào nhóm chứng khoán, trong khi nhóm ngân hàng và dầu khí vẫn có sự phân hóa, nhóm sắt thép chưa thể trở lại.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 1,04 điểm (+0,08%), lên 1.320,92 điểm với 126 mã tăng và 249 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 501,6 triệu đơn vị, giá trị 15.594,7 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,3 triệu đơn vị, giá trị 492,6 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu trụ nhiều mã đã hồi phục trở lại, trong đó nhóm ngân hàng có thể kể đến ACB, MBB, TCB, CTG, VCB, TPB, HDB, đặc biệt LPB, STB chiều qua còn giảm sàn, trắng bên mua, thì sáng nay cũng hồi phục khá mạnh.
Cụ thể, tăng mạnh nhất trong nhóm này là ACB và LPB với mức tăng 3,2% lên 41.500 đồng và 30.200 đồng, thanh khoản đạt 8,4 triệu đơn vị và 17,2 triệu đơn vị.
Tiếp đến là VIB tăng 2,7% lên 51.300 đồng, khớp gần 1 triệu đơn vị, STB tăng 2,6% lên 29.350 đồng, khớp 25,7 triệu đơn vị, MBB tăng 1,6% lên 37.900 đồng, khớp 21,8 triệu đơn vị, TCB tăng 1,2% lên 50.100 đồng, khớp 13,8 triệu đơn vị, CTG tăng 1% lên 49.500 đồng, khớp 9,7 triệu đơn vị. Ngoài ra, HDB, VCB, TPB tăng từ 0,5% đến 0,9%. Số mã giảm chỉ còn EIB, VPB, BID và SSB, nhưng mức giảm cũng không lớn.
Liên quan đến TCB, một trong những lý do giúp cổ phiếu này hồi tốt hôm nay có thể đến từ thông tin MBKE và UBS đều điều chỉnh tăng giá mục tiêu của TCB, trong đó UBS nâng giá mục tiêu của TCB lên 63.000 đồng, còn MBKE thậm chí còn nâng lên mức 78.000 đồng.
Nhóm cổ phiếu thép dù không đảo chiều tăng, nhưng cũng hãm đà giảm hoặc về tham chiếu, như HPG đóng cửa ở tham chiếu 50.000 đồng, khớp 26,8 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản. HSG cũng đóng cửa ở tham chiếu 42.250 đồng, khớp hơn 8 triệu đơn vị, nhưng hiện thị giá có vấn đề khi vẫn còn dư mua giá 42.300 đồng và dư bán giá 42.400 đồng. Các mã NKG, TLH, POM còn giảm nhẹ…
Tích cực nhất sáng nay là nhóm cổ phiếu chứng khoán khi đồng loạt đảo chiều tăng mạnh trở lại. Trong đó, VCI tăng 4,4% lên 83.000 đồng, VDS tăng 3,5% lên 20.800 đồng, TVS tăng 2,3% lên 22.500 đồng, SSI tăng 2% lên 44.900 đồng, HCM tăng 1,3% lên 37.650 đồng, AGR cũng hồi phục 0,8% lên 13.150 đồng sau phiên trắng bên mua chiều qua…
Trong khi đó, sau thông tin về việc phát hành cổ phiếu ESOP với giá 0 đồng và phát hành riêng lẻ với giá chiết khấu tới 20%, nhiều nhà đầu tư tiếp tục tháo chạy khỏi DXG. Sau phiên dư bán sàn chất đống hôm qua theo đà chung của thị trường, sang phiên sáng nay, dù nhiều mã hồi phục, trong đó có không ít mã bất động sản như KDH, SJS, TDH, DRH, LGL, QCG, NRC…, thì DXG vẫn tiếp tục giảm sàn xuống 24.100 đồng, khớp hơn 30 triệu đơn vị. Dù vậy, điểm tích cực là lực cầu bắt đáy rất tốt không những giúp tránh tình trạng trắng bên mua, mà còn giúp mã này có thanh khoản tốt nhất sàn sáng nay.
Diễn biến trên HNX cũng tương đồng với HOSE khi chớm xanh đầu phiên, sau đó áp lực bán ồ ạt đẩy chỉ số chính của sàn này lao mạnh xuống vùng 302 điểm và tưởng chừng có phiên bulltrap, thì lực cầu bắt đáy nhập cuộc mạnh đã kéo chỉ số này hồi phục trở lại, đóng cửa tăng mạnh hơn VN-Index.
Cụ thể, chốt phiên, HNX-Index tăng 2,89 điểm (+0,94%), lên 309,28 điểm với 78 mã tăng và 97 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 96,7 triệu đơn vị, giá trị 2.280 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Trên sàn này, trong khi nhóm ngân hàng và dầu khí dù hồi phục, nhưng không đồng loạt mà có sự phân hóa, thì nhóm chứng khoán lại khởi sắc với mức tăng mạnh hơn nhiều các đồng nghiệp trên HOSE.
Trong đó, WSS tăng 8,8% lên 8.700 đồng, có lúc chạm trần 8.800 đồng, VND cũng tăng tới 7,1% lên 56.100 đồng, BSI dù có lúc cũng tăng trần lên 20.000 đồng, nhưng đóng cửa chỉ còn tăng 6,6% lên 19.400 đồng, BVS tăng 5,5% lên 26.700 đồng, SHS tăng 5% lên 35.800 đồng, khớp 7,3 triệu đơn vị, MBS tăng 4,7% lên 26.700 đồng, ART tăng 4% lên 10.400 đồng, khớp 5 triệu đơn vị…
Trong nhóm dầu khí, sau phiên giảm sàn hôm qua, PVS đã hồi phục mạnh trở lại với mức tăng 4,4% lên 28.200 đồng, khớp 16,5 triệu đơn vị, cao nhất sàn. Trong khi PVC vẫn giảm 3,2% xuống 12.000 đồng.
Nhóm ngân hàng cũng tương tự khi SHB hồi phục nhẹ 0,7% lên 29.200 đồng, khớp 11,9 triệu đơn vị, BAB tăng 1,2% lên 26.300 đồng, thì NVB giảm 3,1% xuống 18.700 đồng, khớp hơn 4 triệu đơn vị.
UPCoM cũng có diễn biến tương tự 2 sàn niêm yết và cũng đóng cửa với sắc xanh nhạt khi hồi phục mạnh từ đáy của phiên lên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,23%) lên 86,59 điểm với 79 mã tăng và 138 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 66 triệu đơn vị, giá trị 1.153 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,4 triệu đơn vị, giá trị 119,6 tỷ đồng.
BSR cũng hồi phục trở lại, đóng cửa tăng nhẹ 0,5% lên 19.200 đồng, khớp 24,4 triệu đơn vị, trong khi các mã lớn khác chỉ kịp hãm đà giảm.
Nhóm chứng khoán cũng đồng loạt tăng tốt sáng nay, trong đó SBS tăng 4,3% lên 12.100 đồng, khớp 3 triệu đơn vị, AAS tăng 1,8% lên 11.200 đồng…