Sau 8 phiên tăng và liên tiếp lập đỉnh lịch sử mới, thị trường đã đảo chiều giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 8/4 do áp lực bán chốt lời diễn ra khá mạnh.
Dòng tiền mạnh và nghẽn lệnh là "chỉ báo" tốt nhất cho điều này, giúp mọi phiên giảm điểm của thị trường chỉ thuần túy là đảo chiều kỹ thuật, giảm nhiệt cho động cơ đang nóng, và sau đó đường đua tiếp tục.
Với nhà đầu tư, trong xu hướng tăng, khi mà thị trường không phải tất cả các mã cùng tăng thì bài toán lựa chọn mã để vào hàng trở lên khó khăn. Trong những phiên tích lũy như hôm nay thì chỉ khoảng 40% số mã trên HOSE có được sắc xanh, còn lại là đi ngang và giảm điểm. Với những nhà đầu tư chưa nhiều tiền, việc tạo danh mục đa dạng là không thể, tâm lý chọn mã để chơi và dồn lực vào mã đó là xu hướng chủ đạo.
Lựa chọn một số mục tiêu rồi vào nhầm... mã đỏ, là một cảm giác khó tả khi phải tự thừa nhận mình sai lầm, thậm chí non gan khi không dám vào các mã nóng như ROS, FLC, DLG, AMG,...
Nhưng đây là giá trị của thị trường chứng khoán, khi bạn ra quyết định bạn sẽ rất nhanh biết mình đúng hay sai, dám tự thừa nhận sai lầm là hành động hoặc tâm thái ít khi trong cuộc sống được thể hiện, chứng trường giúp bạn điều đó.
Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 9/4, việc “tắc đường” trong suốt cả phiên chiều qua khiến lực bán tiếp tục dồn nén trong phiên sáng nay. Lực bán khá lớn khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, chỉ số VN-Index rơi xuống dưới mốc 1.230 điểm ngay đầu phiên.
Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy gia tăng mạnh đã nhanh chóng giúp thị trường bật ngược đi lên. Chỉ số VN-Index dần thu hẹp biên độ giảm và vượt qua ngưỡng kháng cự trên.
Trong khi nhóm cổ phiếu bluechip giao dịch phân hóa với mức biến động tăng giảm trong biên độ hẹp, thì dòng tiền trên thị trường tiếp tục hướng đến nhóm cổ phiếu penny.
Hàng loạt các cổ phiếu thị giá nhỏ như DLG, AMD, HAI, QCG, TGG, HCD, FTM… tăng kịch trần với giao dịch sôi động khi khớp lệnh một vài triệu đơn vị.
Trong đó, DLG tiếp tục biến động mạnh, sau phiên dư mua trần khá lớn hôm qua, cổ phiếu này đã mở cửa xanh nhạt và có thời điểm bị đẩy về mốc tham chiếu, tuy nhiên lực cầu mạnh nhanh chóng giúp DLG khoác áo tím. Sau hơn 1 giờ giao dịch, DLG đã khớp hơn 7 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, cổ phiếu họ FLC là ROS cũng tạo sóng mới. Trong đó, FLC mở cửa đã có được sắc xanh, còn ROS phi khá nhanh và được kéo lên mức giá trần với thanh khoản tăng vọt, vượt xa các mã khác trên thị trường khi khớp lệnh lên đến 41,6 triệu đơn vị.
Mặc dù có thời điểm thị trường le lói sắc xanh, tuy nhiên, lực bán mạnh khiến VN-Index nhanh chóng bị đẩy về dưới mốc tham chiếu và lình xình đi ngang quanh vùng giá 1.230 điểm đến hết phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 196 mã tăng và 228 mã giảm, VN-Index giảm 4,82 điểm (-0,39%), xuống 1.230,07 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 644,64 triệu đơn vị, giá trị 14.150,19 tỷ đồng, tăng 7,67% về giá trị và 9,46% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp xấp xỉ 18 triệu đơn vị, giá trị 717,52 tỷ đồng.
Các cổ phiếu lớn là gánh nặng chính khiến thị trường chưa thể khởi sắc, điển hình như VCB giảm 2% xuống mức 98.000 đồng/CP, VHM giảm 1,2% xuống mức 98.500 đồng/CP, BID giảm 1,1% xuống 44.300 đồng/CP, MSN giảm 1,3% xuống 91.800 đồng/CP.
Bên cạnh đó, BVH, CTG, VNM, GAS, TCB, VRE cũng đều giao dịch dưới mốc tham chiếu với mức giảm trên dưới 0,5%.
Ở chiều ngược lại, đáng chú ý là FPT giao dịch khởi sắc sau thông tin lợi nhuận quý I/2021 ước tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Chốt phiên sáng nay, FPT tăng với biên độ lớn nhất trong nhóm VN30 là 3%, lên mức giá 82.000 đồng/CP, cùng thanh khoản tăng vọt, vượt xa khối lượng khớp lệnh của cả phiên trong chuỗi ngày dài trước đó, với gần 3,95 triệu đơn vị.
Ngoài các mã lớn nhà bank mất điểm, một số mã khác đã nỗ lực giữ được đà tăng điểm như MBB, VPB giữ sắc xanh nhạt, STB tăng 2,3% lên 22.700 đồng/CP, LPB tăng 3,7% lên 18.150 đồng/CP.
Điểm sáng trong phiên vẫn là nhóm cổ phiếu penny. Trong đó, ROS đã lập lại sắc tím khi tăng 7% lên mức 5.660 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt lên 52,81 triệu đơn vị và dư mua trần 2,24 triệu đơn vị.
Không chỉ ROS bùng nổ, nhiều mã khác cũng giao dịch sôi động như HQC khớp 22,86 triệu đơn vị, HNG khớp hơn 21 triệu đơn vị, FLC khớp 19,57 triệu đơn vị…
Cùng sắc tím lan rộng với HQC, AMD, DLG, QCG, TGG, HCD, FTM đều tăng hết biên độ và trong trạng thái dư mua trần.
Trên sàn HNX, lực cầu cũng gia tăng trong nửa cuối phiên sáng đã giúp HNX-Index thu hẹp biên độ.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 95 mã tăng và 102 mã giảm, HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,07%), xuống 293,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 96,27 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.604 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,6 triệu đơn vị, giá trị 52,22 tỷ đồng.
Các cổ phiếu ngân hàng giao dịch không mấy tích cực khi NVB và BAB cùng dừng chân tại mốc tham chiếu, trong khi SHB rung lắc và quay đầu điều chỉnh nhẹ sau phiên khởi sắc khi giảm nhẹ 0,4% xuống 25.100 đồng/CP.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn khác như THD, IDC, VCS đều giao dịch trong sắc đỏ với mức giảm trên dưới 1%.
Trái lại, các mã PVS, SHS, TNG chỉ nhích nhẹ với mức tăng quanh biên độ 0,5%. Trong đó, PVS là mã giao dịch tốt nhất sàn HNX, với khối lượng khớp lệnh 8,86 triệu đơn vị.
Cùng có khối lượng khớp lệnh hơn 8 triệu đơn vị còn có SHB khớp 8,46 triệu đơn vị, HUT và KLF cùng khớp hơn 8 triệu đơn vị. Trong đó đáng chú ý, bên cạnh những điểm sáng nhà FLC trên sàn HOSE như ROS, HAI, FLC, cổ phiếu KLF cũng có phiên tăng vọt với biên độ 6,8% lên sát mức giá trần 4.700 đồng/CP.
Trên UPCoM, lực bán cũng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ nhưng biên độ giảm đã được thu hẹp vào cuối phiên nhờ lực cầu tích cực.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,2 điểm (-0,24%), xuống 82,87 điểm với 193 mã tăng và 135 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 79,82 triệu đơn vị, giá trị 627,47 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,79 triệu đơn vị, giá trị 22,62 tỷ đồng.
Điểm nhấn trên UPCoM cũng là các mã thị giá nhỏ như KSH, AVF, DCS, VST, ATA, GTT, DIC, HLA, KSK, PPI, TOP đều tăng kịch trần và dư mua trần, với khối lượng khớp lệnh một vài triệu đơn vị.
Trong khi đó, cặp đôi PVX và BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản trên UPCoM, với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 9,12 triệu đơn vị và 6,41 triệu đơn vị. Chốt phiên sáng, PVX giảm 3,2% xuống 3.000 đồng/CP, còn BSR giảm nhẹ 0,6% xuống 17.700 đồng/CP.