Thị trường vừa có tuần chào xuân mới đầy hứng khởi khi VN-Index liên tục có những phiên tăng điểm và lấy lại mốc 1.050 điểm, với tổng mức tăng cả tuần đạt hơn 44 điểm, tương ứng tăng 4,4%. Tuy nhiên, tín hiệu không mấy khả quan đã xuất hiện trong phiên cuối tuần ngày 6/1 khi chỉ số này tạo mẫu hình nến tương tự như mẫu inverted hammer, cho thấy áp lực chốt lời T+ đã xuất hiện mạnh hơn.
Thêm vào đó, tại khung đồ thị ngày, chỉ báo RSI đã tạo hai đỉnh và có dấu hiệu suy yếu báo hiệu cho việc rung lắc ngắn hạn có thể xảy ra nếu áp lực bán gia tăng. Tuy nhiên, việc MACD ở khung đồ thị này chưa có tín hiệu tạo phân kỳ âm nên xác suất giảm điểm mạnh của VN-Index sẽ khó xảy ra.
Bên cạnh đó, việc thị trường quay đầu điều chỉnh nhẹ sau 3 phiên tăng liên tiếp chưa phải là tín hiệu xấu và dòng tiền có chiều hướng tích cực hơn trong phiên 6/1, cho thấy lực cầu vẫn canh mua ở vùng hỗ trợ.
Trở lại diễn biến thị trường trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 9/1, nhóm trụ cột bluechip vẫn là điểm tựa chính giúp VN-Index nhanh chóng lấy lại sắc xanh sau pha điều chỉnh cuối tuần trước.
Tuy nhiên, trạng thái giao dịch vẫn khá ảm đạm trước tâm lý nhà đầu tư thận trọng khiến thanh khoản không mấy cải thiện, đồng thời, thị trường cũng thiếu động lực để bứt phá. Chỉ số VN-Index chỉ tiếp cận mốc 1.060 điểm ngay khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục rồi nhanh chóng hạ nhiệt.
Sau khoảng 1 giờ giao dịch, tổng giá trị trên sàn HOSE chỉ đạt hơn 1.200 tỷ đồng và chỉ số VN-Index chỉ còn tăng nhẹ trên mốc 1.050 điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang đóng vai trò là trụ đỡ chính giúp thị trường giữ sắc xanh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dù trong ngắn hạn khó kỳ vọng bứt phá mạnh, nhưng với yếu tố tăng trưởng ổn định và tài chính lành mạnh, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn được đánh giá là nhóm thích hợp cho nhà đầu tư dài hạn.
Góc nhìn chứng khoán tuần mới: Dòng bank vẫn sẽ thích hợp cho đầu tư dài hạn
Tại thời điểm này, dòng bank chỉ còn TPB, OCB, LPB giao dịch dưới mốc tham chiếu với mức giảm chưa tới 0,5%, còn lại đều khởi sắc, trong đó anh cả VCB đang tăng khá tốt 1,67%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu HPX đã tạo bất ngờ sau thông tin Công ty dự kiến tổ chức ĐHCĐ bất thường. Công ty sẽ thực hiện chốt danh sách cổ đông tham dự vào ngày 30/1 và đại hội dự kiến tổ chức trong quý I/2023.
Hiện HPX tăng kịch trần với thanh khoản cao nhất thị trường, đạt hơn 6,6 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 5,5 triệu đơn vị.
Thị trường không có thêm đột biến và diễn biến lình xình trên mốc 1.055 điểm trong nửa phiên còn lại của phiên sáng.
Chốt phiên, sàn HOSE có 191 mã tăng và 152 mã giảm, VN-Index tăng 5,82 điểm (+0,55%), lên 1.057,26 điểm. Thanh khoản giảm mạnh với tổng khối lượng giao dịch đạt gần 204,2 triệu đơn vị, giá trị 3.495,79 tỷ đồng, giảm 40,62% về khối lượng và 38,54% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 6/1. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,59 triệu đơn vị, giá trị 353,3 tỷ đồng.
Nhóm VN30 vẫn tích cực với 19 mã tăng và 8 mã giảm, dù độ rộng không quá lớn. Các mã tăng tốt là VIB tăng 2,9%, NVL tăng 2,6%, VCB tăng 2,4%, còn lại các mã tăng giảm khác chỉ trong biên độ trên dưới 1%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HPX vẫn nóng với lực cầu tiếp tục tăng mạnh trong khi vắng bóng cung. Chốt phiên sáng, HPX đứng vững ở mức giá trần 5.020 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 7 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 7,76 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, dòng bank vẫn là điểm tựa chính của thị trường với bộ đôi lớn VCB tăng 2,38% và CTG tăng 1,75%. Trong nhóm chỉ còn BID và OCB đứng giá tham chiếu, cùng duy nhất ACB giảm nhẹ chỉ 0,2%.
Cổ phiếu tăng tốt nhất ngày là EIB khi chốt phiên tăng hơn 3% lên 28.950 đồng/CP. Trong khi đó, điểm nóng ở phiên trước là LPB đã quay đầu và có thời điểm về dưới mốc tham chiếu trước khi bật hồi nhẹ với mức tăng 0,7%, chốt phiên sáng nay tại mức giá 14.550 đồng/CP.
Nhóm chứng khoán cũng tích cực với chỉ TVB và TVS giảm trên dưới 0,5%; trong khi đó VCI tăng 2%, HCM và SSI cùng tăng 1,6%, CTS tăng 1,5%, FTS và VND cùng tăng 1%...
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép hạ nhiệt sau nửa đầu phiên tăng tốc, với NKG đảo chiều giảm nhẹ 0,4%, HSG chỉ còn tăng 1,2% và đứng ở mức giá thấp nhất trong phiên 12.800 đồng/CP, cổ phiếu HPG cũng đuối sức khi chỉ tăng 1,8% và đứng tại 19.750 đồng/CP. Trong đó, HPG là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường với 8,89 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên sàn HNX, sau chút rung lắc và điều chỉnh giữa phiên, thị trường đã hồi phục sắc xanh.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 66 mã tăng và 56 mã giảm, HNX-Index tăng 0,44 điểm (+0,21%) lên 211,09 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 19,27 triệu đơn vị, giá trị 274,24 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,81 triệu đơn vị, giá trị 49,44 tỷ đồng.
Cổ phiếu SHS vẫn là mã giao dịch sôi động nhất trên sàn HNX với hơn 3,97 triệu đơn vị và sau thời gian rung lắc trong phiên, cổ phiếu này đã tạm dừng phiên sáng tại mức giá 9.000 đồng/CP, tăng nhẹ 1,1%.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu khác cùng ngành như APS, MBS, EVS cũng tăng nhẹ trên dưới 1%; VIG và PSI cùng đứng giá tham chiếu.
Ngoài SHS, cổ phiếu giao dịch sôi động khác trên sàn HNX có CEO khớp 2,51 triệu đơn vị, chốt phiên đứng tại mốc tham chiếu 20.100 đồng/CP và PVS khớp 1,2 triệu đơn vị, chốt phiên tăng nhẹ 0,4% lên 23.000 đồng/CP.
Trên UPCoM, thị trường cũng thoát hiểm và tạm dừng phiên sáng nay trong sắc xanh.
Cụ thể, UPCoM-Index tăng 0,23 điểm (+0,32%) lên 72,98 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 9,46 triệu đơn vị, giá trị 129,95 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,57 triệu đơn vị, giá trị 59,42 tỷ đồng.
BSR là cổ phiếu duy nhất có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. Chốt phiên sáng nay, BSR giảm nhẹ 0,7% xuống 14.500 đồng/CP.
Bên cạnh đó, cổ phiếu dầu khí khác là OIL cũng đảo chiều giảm 1,2%, chốt phiên tại mức 8.400 đồng/CP, với khối lượng giao dịch đạt 0,36 triệu đơn vị.
Mặt khác, cổ phiếu NHV tiếp tục có thêm phiên giảm sàn và tạm dừng phiên sáng nay tại mức 14.000 đồng/CP. Như vậy, chỉ tính trong 7 phiên giao dịch gần đây, từ cuối tháng 12/2022, cổ phiếu NHV đã giảm tới gần 70%, với liên tiếp những phiên nằm sàn.