Trong phiên giao dịch hôm qua, cùng với sự khởi sắc của thị trường chứng khoán thế giới, các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tăng mạnh khi mở cửa, kéo theo sự hứng khởi của nhà đầu tư. Dòng tiền lớn chực chờ trong 2 tuần qua đã nhanh chóng nhập cuộc giúp giao dịch của thị trường sôi động, thanh khoản tăng mạnh.
Tuy nhiên, những nhà đầu tư xuống tiền mua vào phiên sáng, nhất là gần cuối phiên, kéo VN-Index lên 870 điểm, đã có khoảng thời gian thót tim khi theo dõi diễn biến thị trường trong phiên chiều.
Ngay khi bước vào phiên chiều, lực bán mạnh đã đẩy VN-Index thoái lui mạnh và chỉ có may mắn khi nhận được sự nâng đỡ của một vài mã lớn, chỉ số này mới không bị đẩy lùi xuống dưới tham chiếu.
Sau phiên giao dịch thót tim này, sự hưng phấn đã nhanh chóng tan biến khi bước vào phiên giao dịch sáng nay. Diễn biến lình xình với thanh khoản thấp như các phiên trước đó tiếp tục được lặp lại.
Cả 2 sàn gần như không có mã nào đáng chú ý ngoại trừ cổ phiếu DHC bất ngờ đảo chiều tăng vọt lên mức trần 37.950 đồng sau 3 phiên giảm liên tiếp với thanh khoản hơn 2,35 triệu đơn vị, bất chấp bị khối ngoại bán ròng hơn 1,2 triệu đơn vị.
SJF cũng có lực cầu mạnh giúp mã này lên trần 2.460 đồng ngay đầu phiên với dư mua giá trần hơn 2,1 triệu đơn vị.
GTN cũng dần dần tiến lên mức trần 19.950 đồng với 4,57 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần.
MHC cũng theo chân leo lên mức giá trần 6.490 đồng, khớp 1,27 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 1 triệu đơn vị.
Trong khi đó, DAH lại bị bán tháo và giảm xuống mức sàn 12.650 đồng, còn dư bán sàn hơn 1,4 triệu đơn vị.
Thông tin về các mã bị cắt margin được HOSE công bố hôm qua gần như không có tác động gì tới giao dịch của các mã này, thậm chí QCG còn tăng trần lên 7.220 đồng, trong khi HVN được cấp margin trở lại cũng chỉ tăng nhẹ.
Các mã thị trường khác cũng lặng sóng khi giao dịch hẹn chế và biên độ dao động giá trong biên độ hẹp.
Các mã lớn phân hóa, nhưng biên độ cũng nhỏ, chỉ có 3 mã tăng trên 1% là GAS (+1,66% lên 73.600 đồng), SAB (+1,84% lên 188.500 đồng), CTG (+1,28% lên 23.750 đồng), một mã giảm hơn 1% là EIB (-1,12% xuống 17.600 đồng), còn lại là trên dưới 0,5%.
Thanh khoản tốt nhất là STB với 6,74 triệu đơn vị, tiếp đó là CTG 3,95 triệu đơn vị (đứng thứ 3 sau GTN), HPG khớp 3,7 triệu đơn vị…
Sự thận trọng của nhà đầu tư khiến VN-Index cũng chỉ giằng co trong biên độ hẹp với thanh khoản sụt giảm so với phiên sáng qua.
Chốt phiên sáng nay, VN-Index tăng nhẹ 0,96 điểm (+0,11%), lên 864,38 điểm với 154 mã tăng và 167 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 130,5 triệu đơn vị, giá trị 2.421,6 tỷ đồng, giảm 32% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 24,3 triệu đơn vị, giá trị 616,4 tỷ đồng.
Diễn biến trên HNX cũng tương tự sàn HOSE khi chỉ số chính giằng co nhẹ quanh tham chiếu theo diễn biến của nhóm cổ phiếu lớn.
Trong nhóm cổ phiếu lớn trên HNX, chỉ có ACB tăng 0,42% lên 23.800 đồng và NVB tăng 1,11% lên 9.100 đồng, khớp lần lượt hơn 1 triệu và gần 1,27 triệu đơn vị, còn lại đều giảm hoặc đứng giá, nhưng mức giảm cũng nhẹ, chủ yếu dưới 1% với thanh khoản thấp.
Mã có thanh khoản tốt nhất sàn HNX sáng nay là MBG với 1,6 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,96% lên 5.200 đồng.
Ngoài 3 mã trên, không có thêm mã nào trên HNX có thanh khoản đến 1triệu đơn vị.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,05 điểm (-0,04%), xuống 113,66 điểm với 58 tăng và 47 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,6 triệu đơn vị, giá trị 165 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1 triệu đơn vị, giá trị 13,5 tỷ đồng.
Trên UPCoM sáng nay thậm chí còn không có mã nào có thanh khoản tới 1 triệu đơn vị, tổng khối lượng khớp cả thị trường chỉ đạt 5,23 triệu đơn vị, giá trị 85,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 0,27 triệu đơn vị, giá trị 6,9 tỷ đồng.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,04 điểm (+0,06%) lên 56,39 điểm với 68 mã tăng và 52 mã giảm.
Mã có thanh khoản tốt nhất thị trường này sáng nay là BSR cũng chỉ hơn 0,9 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 7.100 đồng.