Kể từ phiên cuối tháng 3, thị trường đã có 5 phiên tăng liên tiếp, với mức tăng của VN-Index hơn 84 điểm, tương đương gần 12,75% từ 662,26 điểm lên 746,69 điểm khi chốt phiên hôm qua (7/4). Thanh khoản thị trường duy trì ở mức khá tốt, với mức trung bình hơn 5.000 tỷ đồng/phiên. Nếu tính trong 9 phiên gần nhất, VN-Index đã có tới 8 phiên tăng, chỉ có phiên điều chỉnh mạnh 33,8 điểm (-4,86%) ngày 30/3.
Sau chuỗi phiên tăng liên tiếp, đặc biệt là phiên khởi sắc ngày đầu tuần 6/4 khi VN-Index tăng gần 5%, áp lực chốt lời đã có dấu hiệu xuất hiện trong phiên hôm qua, khiến VN-Index có nhiều đợt rung lắc. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của nhóm cổ phiếu lớn, thị trường vẫn giữ được mức tăng tốt khi chốt phiên.
Áp lực nữa với thị trường là nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp bán ròng, chỉ riêng 2 phiên đầu tuần này, giá trị bán ròng của khối ngoại đã lên tới 1.100 tỷ đồng.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, áp lực chốt lời thể hiện rõ hơn, lan rộng ra nhiều mã, khiến sắc đỏ chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử và VN-Index quay đầu điều chỉnh khá mạnh, ngay đầu phiên đã giảm hơn 15 điểm.
Tuy nhiên, lực cầu vẫn giữ khá tốt, giúp VN-Index hạn chế đà giảm sau đó và đang trên đương tịnh tiến về tham chiếu.
Dù sắc đỏ bao trùm bảng điện tử với áp lực chốt lời diễn ra trên diện rộng, nhất là nhóm bluechip với sắc đỏ tại hầu hết các mã như VIC, VCB, VNM, BID, GAS, CTG, MSN, TCB…, nhưng nhóm cổ phiếu thị trường vẫn có nhiều mã đi ngược xu thế nổi sóng.
Có thể kể tới ROS, TCH, HAI, AMD, trong đó ROS có thanh khoản tốt nhất thị trường với hơn 12,6 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần (4.000 đồng) hơn 2 triệu đơn vị. TCH khớp hơn 4,5 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần (20.550 đồng) tới hơn 2,74 triệu đơn vị. Tương tự, HAI khớp 2,9 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần (2.770 đồng) hơn nửa triệu đơn vị và AMD khớp 1,48 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần (2.970 đồng) gần 1 triệu đơn vị.
FLC dù không thể có sắc tím, nhưng cũng tăng 2,37% lên 3.020 đồng, khớp hơn 6 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản sau người anh em ROS. Trong khi đó, HQC lại giảm 1,79% xuống 1.100 đồng với 4,5 triệu đơn vị được khớp, đứng thứ 4 sau STB.
Cổ phiếu STB sáng nay giằng co nhẹ quanh tham chiếu trước khi đóng cửa ở mức giá này (9.180 đồng), khớp 5,89 triệu đơn vị.
Chốt phiên, VN-Index giảm 9,24 điểm (-1,24%), xuống 737,45 điểm với 100 mã tăng, trong khi có tới 239 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 149,26 triệu đơn vị, giá trị 2.043,7 tỷ đồng, giảm 25,6% về khối lượng và 35,4% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 17 triệu đơn vị, giá trị 310,7 tỷ đồng.
Trở lại với nhóm cổ phiếu lớn, ngoại trừ VHM duy trì đà tăng tốt 2,88% lên 67.900 đồng, SAB đảo chiều tăng 0,73% lên 138.000 đồng, còn lại đều điều chỉnh.
Trong đó, VIC giảm 2,98% xuống 94.400 đồng, VCB giảm 0,88% xuống 67.600 đồng, VNM giảm 0,81% xuống 97.700 đồng, BID giảm 2,7% xuống 36.000 đồng, GAS giảm 1,75% xuống 61.800 đồng, CTG giảm 2,27% xuống 19.400 đồng, MSN giảm 1,04% xuống 56.900 đồng, TCB giảm 2,65% xuống 16.500 đồng, VJC giảm 1,31% xuống 97.700 đồng, HPG giảm 3,16% xuống 18.400 đồng, NVL giảm 0,97% xuống 51.200 đồng, VRE giảm 3,6% xuống 18.750 đồng, PLX giảm 1,42% xuống 38.300 đồng, MBB giảm 2,51% xuống 15.550 đồng.
Trong nhóm này, ngoài STB, thanh khoản mạnh sáng nay còn có MBB khớp 3,5 triệu đơn vị, HPG khớp 3,37 triệu đơn vị, CTG khớp 2,39 triệu đơn vị, VPB và VRE khớp 2,2 triệu đơn vị…
HNX-Index cũng điều chỉnh khá sâu sáng nay do ACB, SHB, NVB giảm giá, PVS cũng không giữ được đà tăng.
Cụ thể, ACB giảm 2,46% xuống 19.800 đồng, khớp 1,6 triệu đơn vị, SHB giảm 2,01% xuống 14.600 đồng, khớp 2 triệu đơn vị, PVS giảm 0,85% xuống 11.700 đồng, khớp 4,5 triệu đơn vị dẫn đầu sàn. Ngoài ra, các mã giảm còn có VCG, VCS, PVI, NVB.
Trong khi đó, MBG tăng trần lên 8.100 đồng và ART tăng trần lên 2.400 đồng, cùng khớp gần 1 triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, HNX-Index giảm 1,6 điểm (-1,55%), xuống 101,82 điểm với 33 mã tăng, trong khi có 67 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 26,7 triệu đơn vị, giá trị 269 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,6 triệu đơn vị, giá trị 10,2 tỷ đồng.
Trong khi đó, dù cũng giảm khá mạnh khi mở cửa phiên sáng, nhưng UPCoM-Index lại đảo chiều tăng thành công.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,17%), lên 50,51 điểm với 72 mã tăng và 64 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 6,5 triệu đơn vị, giá trị 81 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Trên thị trường này chỉ có BSR và LPB có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và cùng đóng cửa trong sắc đỏ.
Cụ thể, BSR giảm 1,75% xuống 5.600 đồng, khớp 1,84 triệu đơn vị, LPB giảm 3,13% xuống 6.200 đồng, khớp 1,35 triệu đơn vị.