Giao dịch chứng khoán sáng 8/4: Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán tìm đường trở lại

Giao dịch chứng khoán sáng 8/4: Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán tìm đường trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực cầu được kích hoạt khi VN-Index thủng mốc 1.250 điểm đã giúp nhiều cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán hồi phục và là động lực kéo chỉ số chung lên tiến về mốc tham chiếu.

Thị trường vừa trải qua tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay khi chỉ số VN-Index bốc hơi xấp xỉ 29 điểm. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, việc thị trường quay đầu điều chỉnh giảm trước vùng kháng cự mạnh 1.300 điểm sau chuỗi tăng kéo dài 5 tháng liên tiếp là điều hết sức bình thường.

Theo ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS, về mặt kỹ thuật, thị trường đã có đỉnh về thanh khoản và điểm số, nhịp điều chỉnh là bình thường, phía trước là mùa đại hội cổ đông và báo cáo kết quả kinh doanh quý I sắp được công bố sẽ hạn chế rủi ro điều chỉnh cho thị trường.

Bên cạnh việc khối ngoại đã quay lại mua ròng ở 2 phiên gần đây sau đợt bán ròng mạnh trong tháng 3 vừa qua, dù vẫn cần theo dõi thêm, ông Hưng cho rằng, câu chuyện tỷ giá sẽ tiếp tục chi phối thị trường trong tuần mới với đợt đáo hạn tín phiếu đầu tiên, bên cạnh đó là chỉ số USD vẫn ở mức cao.

Tuy nhiên, về biểu đồ kỹ thuật, VN-Index đang cho thấy dấu hiệu bán với thân nến tuần giảm điểm, hình thành mẫu hình nến đảo chiều “Evening Star”. Nhiều tín hiệu cho thấy mức độ rủi ro lớn cho vị thế mua ở thời điểm hiện tại.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng đầu tuần ngày 8/4, sắc đỏ vẫn là chủ đạo trên bảng điện tử khi áp lực bán tiếp tục dâng cao, nhưng đà bán ra không quá lớn nên biên độ giảm của các cổ phiếu vẫn khá “an toàn”, với sàn HOSE chỉ có 7 mã nằm sàn.

Sau khoảng hơn 1 giờ giao dịch, chỉ số VN-Index đang nỗ lực bật hồi để giữ mốc 1.250 điểm dù số mã giảm điểm chiếm áp đảo, gấp tới hơn 4 lần số mã tăng. Trong đó, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều trong trạng thái điều chỉnh, ngoại trừ một số nhóm nhỏ lẻ giữ được đà tăng nhẹ.

Trong đó, NVL sau pha đảo chiều hồi phục mạnh cuối tuần qua đã tiếp tục duy trì đà tăng, tiếp tục xác lập mức giá cao mới kể từ đầu năm. Hiện NVL đang tăng trên dưới 2% với thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt gần 24,4 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một điểm sáng khác là HAG, bất chấp HOSE tiếp tục thông báo giữ nguyên diện cảnh báo với cổ phiếu này do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 là âm hơn 1.669 tỷ đồng, HAG tiếp tục duy trì đà tăng với thanh khoản bùng nổ, vượt xa mức thanh khoản của nhiều phiên trước. Hiện HAG đang tăng 3,1% lên mức 13.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 18 triệu đơn vị.

Lực cầu tiếp tục cải thiện tích cực với sự nỗ lực hồi phục của nhiều cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán đã giúp thị trường dần tìm về điểm cân bằng. Chỉ số VN-Index tiến sát mốc tham chiếu sau khoảng 90 phút mở cửa

Những tưởng thị trường tìm được điểm cân bằng, nhưng áp lực bán thường trực khiến các cổ phiếu trụ cột khó bật hồi và VN-Index vẫn duy trì đà giảm nhẹ.

Chốt phiên, sàn HOSE có 102 mã tăng và 345 mã giảm, VN-Index giảm 2,97 điểm (-0,24%), xuống 1.252,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 427,2 triệu đơn vị, giá trị 9.867,36 tỷ đồng, giảm 6,1% về khối lượng và 8,7% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần qua ngày 5/4. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 21 triệu đơn vị, giá trị 642,6 tỷ đồng.

Nhóm VN30 vẫn duy trì mức giảm nhẹ chưa tới 4 điểm, chốt phiên trên mốc 1.250 điểm, với 17 mã giảm và 8 mã tăng. Trong đó, VRE và MWG giảm sâu nhất tương ứng 2,2% và 1,8%; trái lại cặp đôi ngân hàng là HDB và TPB tăng tốt nhất, đạt 2,1% và 1,6%.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cặp đôi NVL và HAG đều chốt phiên tăng 1,9% với thanh khoản sôi động nhất thị trường, tương ứng đạt hơn 31 triệu đơn vị và hơn 20,5 triệu đơn vị.

Ngược lại, các mã đón nhận những thông tin tiêu cực như POM, PSH, TV2, VNE, QBS, DLG đều chốt phiên tại mức giá sàn, trong đó 2 mã POM và QBS đều dư bán sàn hơn 5 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, nhóm ngân hàng chỉ chớm xanh rồi nhanh chóng trở lại trạng thái điều chỉnh nhẹ trước áp lực bán thường trực. Trong đó, một số mã vẫn ngược dòng khởi sắc như BID, HDB, TCB, LPB, với HDB tăng tốt nhất là 2,14%, nhưng BID đóng góp lớn nhất với gần 0,57 điểm cho chỉ số chung, chốt phiên tăng nhẹ 0,6%.

Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán cũng quay đầu giảm nhẹ, với một số mã ngược dòng như VCI, ORS, CTS tăng trên dưới 1%, TVS tăng 3,73%. Cổ phiếu VIX chốt phiên giảm 1% và là mã dẫn đầu thanh khoản của ngành, đạt 18,43 triệu đơn vị.

Ngoài ra, nhiều nhóm các như chế biến thủy sản, bảo hiểm, vận tải – kho biển… cũng đều giảm nhẹ. Trong khi đó, nhóm bán lẻ và sản phẩm cao su giảm sâu hơn, cùng để mất hơn 1%.

Ngược lại, chỉ còn 5 mã thoát khỏi xu hướng điều chỉnh giảm của thị trường. Trong đó, nhóm khai khoáng vươn lên dẫn đầu với mức tăng hơn 1%, còn lại chỉ tăng nhẹ.

Nhóm khai khoáng tăng tốt hơn nhờ sự đảo chiều của PLX tăng nhẹ 0,4%, GAS lấy lại mốc tham chiếu, bên cạnh PVD, PVS, PVS đều hồi phục với mức tăng quanh 1,5%.

Trên sàn HNX, thị trường cũng thu hẹp biên độ giảm về cuối phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 51 mã tăng và 93 mã giảm, HNX-Index giảm 0,76 điểm (-0,32%), xuống 238,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 42,77 triệu đơn vị, giá trị 894,32 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 17,38 triệu đơn vị, giá trị 390 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, cặp PVS và PVC giao dịch tích cực hơn khi chốt phiên tương ứng tăng 1,4% và 1,8% với khối lượng khớp lệnh đạt 4,56 triệu đơn vị và 2,57 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán vẫn chủ yếu giao dịch trong sắc đỏ, với SHS giảm 1% và thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt 8,4 triệu đơn vị, BVS giảm 4,3%, APS giảm 1,6%...

Trên UPCoM, thị trường đã đảo chiều hồi phục sắc xanh nhờ lực cầu gia tăng tích cực.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,13 điểm (+0,14%) lên 90,78 điểm với 107 mã tăng và 133 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,54 triệu đơn vị, giá trị 243,16 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,68 triệu đơn vị, giá trị 55,1 tỷ đồng.

Tâm điểm đáng chú ý là VAB, khi chốt phiên tăng 6,3% lên mức 8.500 đồng/CP với thanh khoản chỉ thua BSR, đạt 1,63 triệu đơn vị giao dịch thành công.

Tin bài liên quan