Sau 4 phiên tăng liên tiếp trên nền thanh khoản khá thấp, thị trường đã quay đầu giảm điểm trong phiên 7/11 với điểm tích cực là lực bán tháo chưa xuất hiện và lực cầu có chút cải thiện về cuối phiên đã giúp VN-Index thoát phiên giảm mạnh.
Xét về kỹ thuật, hai chỉ báo MACD và RSI cho tín hiệu tạo đỉnh đầu tiên, cho thấy xác suất VN-Index tiếp tục rung lắc và tạo thành phân kỳ âm quanh khu vực 1.090 điểm là có thể xảy ra.
Với diễn biến VN-Index điều chỉnh khi tiệm cận vùng giá AM20 (1.090 điểm) với thanh khoản suy giảm, VCBS dự báo nhiều khả năng thị trường vẫn sẽ giao dịch giằng co và có thể xuất hiện những nhịp bật nảy quanh khu vực 1.080-1.090 điểm.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 8/11, trong khi lực cầu tham gia khá yếu, áp lực bán thường trực khiến VN-Index khó hồi phục.
Chỉ số VN-Index nỗ lực và có những nhịp bật hồi về mốc tham chiếu những bất thành khiến thị trường giao dịch lình xình giảm nhẹ sau gần 2 giờ mở cửa. Bên cạnh diễn biến phân hóa của thị trường chung, nhóm VN30 có chút tiêu cực hơn với số mã giảm đang chiếm áp đảo, tuy nhiên đà giảm của các mã này không quá lớn đã giúp VN-Index không giảm mạnh.
Trong bối cảnh chung khá ảm đạm, nhóm cổ phiếu chứng khoán đang là tia sáng giúp nhà đầu tư có hy vọng thị trường sớm tìm lại xu hướng tăng. Hiện nhóm cổ phiếu đang thuộc top tăng tốt nhất thị trường với sắc xanh lan tỏa toàn ngành.
Trong đó, VIX đang là tâm điểm đáng chú ý khi ghi nhận mức tăng trên dưới 5% cùng thanh khoản vượt trội thị trường, gấp đôi cổ phiếu đứng ở vị trí thứ 2. Bên cạnh đó, cổ phiếu lớn VND và SSI đang tăng trên dưới 2%...
Tia hy vọng khá mong manh trong khi lực bán luôn chực chờ khiến VN-Index khó giữ được sắc xanh sau nhịp bật hồi gần cuối phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 193 mã tăng và 231 mã giảm, VN-Index giảm 1,29 điểm (-0,12%), xuống 1.079 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 228,47 triệu đơn vị, giá trị 4.425,92 tỷ đồng, giảm 7,91% về khối lượng và 9,15% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,47 triệu đơn vị, giá trị 248,77 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn đồng loạt khởi sắc nhưng biên độ tăng khá hẹp. Ngoại trừ VIX tăng 3,66%, BSI và FTS tăng hơn 2%, còn lại đều chỉ tăng trên dưới 1%. Trong đó, VIX vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với 23,27 triệu đơn vị khớp lệnh.
Cặp đôi SSI và VND vẫn thuộc top 5 cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất thị trường với 6,9 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên hạ độ cao khi chỉ còn tăng hơn 1%.
Bộ 3 cổ phiếu thép vẫn khởi sắc, trong đó HPG chỉ còn tăng nhẹ 0,2%, HSG tăng 1%, NKG tăng tốt hơn đạt 2,1%, thanh khoản đạt trên dưới 4 triệu đơn vị.
Ở nhóm bất động sản, NVL vẫn giữ nhiệt sôi động với thanh khoản chỉ thua VIX, đạt 10,54 triệu đơn vị, chốt phiên tăng 1,4%; bên cạnh các mã nóng khác như DIG, DXG, CII cũng tăng nhẹ.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh nhẹ bởi VCB, BID, CTG, TCB, MBB đều giảm điểm.
Tuy nhiên, nhóm giảm mạnh nhất là bán lẻ, chủ yếu bởi MWG giảm 2,88%, nhưng giao dịch vẫn sôi động với hơn 7 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên sàn HNX, diễn biến có phần tích cực hơn khi thị trường đã khởi sắc trở lại sau rung lắc nhẹ đầu phiên nhờ sự hỗ trợ tích cực của nhóm HNX30.
Chốt phiên, sàn HNX có 73 mã tăng và 57 mã giảm, HNX-Index tăng 0,76 điểm (+0,35%), lên 219,06 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32 triệu đơn vị, giá trị 550,81 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,35 triệu đơn vị, giá trị 22,67 tỷ đồng.
Như đã nói, nhóm HNX30 có đóng góp lớn cho thị trường khi chốt phiên tăng hơn 3 điểm với 19 mã tăng và chỉ còn 5 mã giảm.
Trong đó, các mã tăng tốt đều thuộc top thanh khoản dẫn đầu thị trường như SHS tăng 1,3% và khớp hơn 10 triệu đơn vị, CEO tăng 1,4% và khớp 5,5 triệu đơn vị, MBS tăng 1,1% và khớp hơn 2 triệu đơn vị. Ngoài ra, các mã khác như HUT, IDC cũng khởi sắc.
Xét về nhóm cổ phiếu, ngoài SHS, các mã khác trong nhóm chứng khoán cũng đều tạm dừng phiên sáng trong sắc xanh như VIG tăng 2,9%, BVS tăng 1,7%...
Trên UPCoM, thị trường đã may mắn thoát hiểm cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (+0,8%), lên 84,68 điểm với 110 mã tăng và 80 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10,73 triệu đơn vị, giá trị 153,33 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,53 triệu đơn vị, giá trị 1,96 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản với 3,59 triệu đơn vị giao dịch thành công, chốt phiên tiếp tục điều chỉnh giảm 1,6% xuống mức 18.500 đồng/CP.
Trong khi đó, cổ phiếu SBS trong xu hướng chung của nhóm chứng khoán đã chốt phiên tăng 1,5% lên 6.600 đồng/CP, thanh khoản chỉ thua BSR với hơn 1,1 triệu đơn vị giao dịch thành công.