Thị trường đã có những phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 2025 kém tích cực khi VN-Index có những phiên giảm mạnh hơn nhiều so với những pha hồi phục và chỉ số chung liên tiếp để mất các ngưỡng hỗ trợ 1.260 - 1.250 điểm. Hiện thị trường đang kỳ vọng mốc 1.230 điểm là ngưỡng hỗ trợ cho nhịp điều chỉnh ngắn hạn này.
Về kỹ thuật, kết thúc phiên giao dịch 7/1, chỉ số VN-Index đứng dưới cả ba đường EMA20, EMA50 và EMA100 là tín hiệu tiêu cực về xu hướng ngắn hạn. Bên cạnh đó, các chỉ báo kỹ thuật như MACD và RSI tiếp tục giảm, cho thấy động lượng thị trường đang suy yếu dần. Tuy nhiên, điểm tích cực là chỉ số vẫn duy trì trong xu hướng tăng xét theo hành động giá.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 8/1, mặc dù khá nỗ lực để tìm điểm cân bằng nhưng sau thời gian ngắn mở cửa lình xình dưới mốc tham chiếu, chỉ số VN-Index đã lùi sâu hơn khi áp lực bán gia tăng trên diện rộng.
Dù đà giảm không quá lớn nhưng sắc đỏ ngày càng lan rộng và sự quay đầu của dòng bank, đã khiến VN-Index tiếp tục xuyên qua mốc 1.240 điểm trước khi bật hồi đôi chút về cuối phiên.
Trong bối cảnh chung kém lạc quan, thị trường vẫn có một vài điểm sáng. Cụ thể, ở nhóm cổ phiếu vua, sau khi dẫn dắt VN-Index “bật xanh” trong phiên hôm qua đã quay đầu điều chỉnh giảm bởi sức ép chính từ cặp đôi lớn BID và VCB, tuy nhiên một số mã bank vẫn khá tích cực, điển hình là NAB. Hiện NAB tăng 2,4% và đang là mã có thanh khoản vượt trội trên thị trường với hơn 10 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán là một trong số ít nhóm ngược dòng thị trường chung thành công với sắc xanh chiếm ưu thế.
Thị trường duy trì trạng thái giao dịch ảm đạm với sắc đỏ chiếm chủ đạo trong thời gian còn lại của phiên sáng.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 145 mã tăng và 220 mã giảm, VN-Index giảm 4,1 điểm (-0,33%) xuống 1.242,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 224,4 triệu đơn vị, giá trị 5.024 tỷ đồng, giảm 3,57% về khối lượng và 7,94% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 30,96 triệu đơn vị, giá trị 740,9 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chốt phiên giảm gần 5 điểm với 18 mã giảm và chỉ có 6 mã tăng. Trong đó, POW tăng 1,3%, TCB tăng 1,1%, BCM, MSN, BVH, TPB tăng nhẹ; ngược lại HDB giảm sâu nhất là 3,3%, tiếp theo là BID giảm 1,4% và FPT giảm 1,1%...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu TMT vẫn tỏa sáng khi xác lập phiên tăng trần thứ 10 liên tiếp, tạm chốt phiên sáng nay tại mức giá 13.600 đồng/CP với khối lượng dư mua trần 133.500 đồng/CP. Ngoài ra, thị trường còn xuất hiện thêm những “ngôi sao” nhỏ khác là CIG và APG khi chốt phiên đều tăng kịch trần và trong trạng thái trắng bên bán, với khối lượng khớp lệnh đều đạt hơn 1 triệu đơn vị.
Trong khi đó, HAP đã không còn “khoác áo tím” dù mở cửa vẫn tăng kịch trần, thậm chí có thời điểm lùi về sát mốc tham chiếu. Chốt phiên, HAP tăng 2,3% lên mức 5.400 đồng/CP và khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, chứng khoán vẫn là một trong 5 nhóm tăng nhẹ. Trong đó, ORS tăng tốt nhất đạt 3,36%, còn HCM, VCI, FTS, VIX, CTS, BSI tăng nhẹ. Cổ phiếu sôi động nhất ngành là SSI đạt khối lượng khớp lệnh hơn 5,9 triệu đơn vị, chốt phiên đứng giá tham chiếu 24.550 đồng/CP.
Trái lại, nhóm công nghệ viễn thông giảm sâu nhất, với FPT giảm hơn 1%, CTR giảm hơn 2%, VGI giảm 2,64%, CMG giảm 2,18%... Đáng chú ý là VTP, sau chuỗi 6 phiên tăng tốc và liên tục phá đỉnh mới, cổ phiếu này đã bị bán mạnh. Tạm chốt phiên sáng, cổ phiếu VTP giảm 5,73% xuống mức giá 148.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau tín hiệu hồi nhẹ hôm qua đã nhanh chóng quay đầu điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, điểm sáng là cặp đôi NAB và TCB có giao dịch sôi động nhất thị trường, lần lượt đạt 10,2 triệu đơn vị và 8,95 triệu đơn vị, chốt phiên tương ứng tăng 1,5% và 1,1%.
Trên HNX, thị trường giao dịch phân hóa và tiếp tục giảm điểm dù có những nhịp hồi phục.
Chốt phiên, sàn HNX có 59 mã tăng và 66 mã giảm, HNX-Index giảm 0,35 điểm (-0,16%), xuống 220,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20 triệu đơn vị, giá trị 300,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,38 triệu đơn vị, giá trị 9,9 tỷ đồng.
Toàn thị trường chỉ có 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó SHS vẫn sôi động nhất khi có 2,43 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công, chốt phiên mã này đứng giá tham chiếu.
Tiếp theo là CEO giảm 1,7% và khớp 2,23 triệu đơn vị, MBS tăng 0,7% và khớp 1,3 triệu đơn vị, PVS giảm 0,9% và khớp 1,16 triệu đơn vị.
Bên cạnh SHS và MBS, một số cổ phiếu khác trong nhóm chứng khoán cũng diễn biến tích cực hơn thị trường chung, như BVS tăng 1,2%, HBS tăng 1,6%.
Trên UPCoM, thị trường diễn biến rung lắc và tạm khép lại với sắc xanh nhạt.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,08 điểm (+0,08%) lên 93,08 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32,97 triệu đơn vị, giá trị 279,58 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 16,75 triệu đơn vị, giá trị hơn 201 tỷ đồng, đây là toàn bộ lượng giao dịch của cổ phiếu SGB.
Tâm điểm là các cổ phiếu vừa và nhỏ, trong đó HNG trở lại bùng nổ khi có thời điểm tăng kịch trần. Chốt phiên, HNG tăng 12,9% lên sát mức giá trần 7.900 đồng/CP và thanh khoản vượt trội với gần 18,4 triệu đơn vị giao dịch thành công.
Bên cạnh đó, BGE đứng giá tham chiếu và khớp 2,95 triệu đơn vị, HBC tăng 3,2% và khớp 1,68 triệu đơn vị, HHG tăng trần và khớp 1,34 triệu đơn vị.