Giao dịch chứng khoán sáng 7/9: Thờ ơ với tin nới room tín dụng

Giao dịch chứng khoán sáng 7/9: Thờ ơ với tin nới room tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau nhiều chờ đợi, Ngân hàng Nhà nước sáng nay đã chính thức nới room tín dụng cho một số ngân hàng, trong đó MBB và Vietcombank (VCB) là 2 ngân hàng được nới room lớn nhất, nhưng thị trường chứng khoán vẫn lại tỏ ra thờ ơ với thông tin này.

Trong phiên giao dịch hôm qua, thị trường có khởi đầu khá thuận lợi khi VN-Index có lúc leo qua ngưỡng 1.285 điểm với sắc xanh chiếm ưu thế. Tuy nhiên, lực bán đã xuất hiện ở cuối phiên sáng và mạnh hơn ở phiên chiều khiến thị trường bị rung lắc mạnh, sắc đỏ nhiều dần lên và vượt qua sắc xanh trên bảng điện tử. VN-Index chỉ thoát hiểm, tránh được phiên giảm nhờ sự gồng gánh của một số mã ngân hàng, bất động sản.

Đáng chú ý trong phiên hôm qua là dòng tiền chảy mạnh vào POW, nhưng lực cung cũng khá lớn nên mã này tăng cũng không quá mạnh. Trong khi đó, nhóm FLC tiếp tục bị bán tháo khi sau ROS (sau đó đã bị hủy niêm yết), đến lượt FLC và HAI bị đình chỉ giao dịch từ 9/9.

Bước vào phiên sáng nay, AMD tiếp tục bị bán mạnh, nhưng lực cầu bắt đáy cũng hoạt động khá tích cực, giúp mã này thoát sàn (FLC và HAI đến phiên chiều mới được giao dịch).

Bước vào phiên sáng nay, lệnh bán tháo từ nhóm FLC đã lây lan sang một mã thị trường khác là ITA. Khi ngay đầu phiên, mã này đã bị đẩy xuống kịch sàn 6.070 đồng, có thời điểm còn dư bán sàn tới 6,7 triệu đơn vị. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy chảy mạnh trong nửa cuối phiên sáng đã hấp thụ hết lượng dư bán sàn với thanh khoản cao nhất thị trường, gần 23,9 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 6,4% xuống 6.100 đồng.

ITA cũng đã bị HOSE đưa vào diện cảnh báo từ 6/9 do vi phạm quy định công bố thông tin từ 04 lần trở lên trong vòng 1 năm.

Thông tin đáng chú ý nhất sáng nay chính là việc Ngân hàng Nhà nước chính thức thông báo nới room tín dụng cho các ngân hàng. Dù mức tăng room tín dụng được thông báo riêng về từng ngân ngân hàng nên hiện tại chưa có số liệu tổng hợp về con số này, nhưng theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, Vietcombank (VCB) và MB (MBB) là hai ngân hàng có tỷ lệ cấp room tín dụng cao nhất trong số các ngân hàng có đề nghị điều chỉnh. Đây là 2 ngân hàng tham gia hỗ trợ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, phù hợp với tiêu chí nới room của Ngân hàng Nhà nước.

Đây được xem là thông tin quan trọng và được cả thị trường chờ đợi từ lâu, bởi đa số các ngân hàng đã cạn room nên không thể tiếp tục cho vay, hoặc cho vay nhỏ giọt, qua đó không chỉ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của các ngân hàng, mà còn cả các doanh nghiệp khác.

Trước đó, khi có những thông tin về việc nới room, thị trường chứng khoán luôn phản ứng tích cực, nhất là nhóm ngân hàng. Tuy nhiên, khi thông tin chính thức được công bố, thị trường lại bình lặng một cách đầy bất ngờ.

VN-Index không thể hồi phục trở lại, trong khi các mã ngân hàng vẫn chủ yếu chìm trong sắc đỏ, kể cả VCB và MBB. Trong đó, VCB giảm 0,7% xuống 82.100 đồng, trong khi MBB đứng giá tham chiếu 23.650 đồng. Nhóm này chỉ có 3 sắc xanh nhạt tại VIB, STB và HDB.

Các nhóm dẫn dắt khác như thép cũng chỉ còn 2 sắc xanh nhạt tại NKG và HPG, trong khi nhóm dầu khí vẫn không có mã nào tăng, trong đó riêng GAS giảm 1,7% xuống 114.500 đồng.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 8,86 điểm (-0,69%), xuống 1.268,54 điểm với 105 mã tăng, trong khi có tới 333 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 329,7 triệu đơn vị, giá trị 7.922,4 tỷ đồng, tương đương với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 24 triệu đơn vị, giá trị 602,8 tỷ đồng.

Trong khi ITA nhận được lực cầu bắt đáy để thoát mức sàn, thì một mã thị trường khác là KPF chính thức vẽ lên hình cây thông điển hình với phiên giảm sàn thứ 4 liên tiếp. KPF trước đó đã có chuỗi tăng từ 10.500 đồng lên 23.750 đồng từ 8/8 đến 30/8.

Trong khi đó, PTL sau 2 nhịp điều chỉnh sau chuỗi 4 phiên tăng trần liên tiếp, đã lấy lại sắc tím trong phiên sáng nay. Ngoài PTL, sắc tím còn xuất hiện ở một mã bất động sản khác là NHA và một số mã đơn lẻ khác như VIP, DPG, HUB, VFG và VNS. Trong đó, VIP và DPG là 2 mã có thanh khoản tốt với 1,1 triệu đơn vị và 2,65 triệu đơn vị, số còn lại có thanh khoản thấp.

Trong nhóm thép, NKG bất ngờ nhận được sự quan tâm hơn HPG khi có thanh khoản 13,46 triệu đơn vị, chỉ đứng sau ITA và hơn HPG (khớp 8,27 triệu đơn vị). Đóng cửa, NKG tăng 1,6% lên 22.900 đồng, còn HPG tăng nhẹ 0,4% lên 23.650 đồng.

POW hôm qua là tâm điểm của dòng tiền, thì sáng nay đã lặng lẽ hơn khi chỉ khớp 7,28 triệu đơn vị và đứng ở mức tham chiếu 14.300 đồng.

Sàn HNX cũng có phiên giảm điểm sáng nay, thậm chí mức giảm còn mạnh hơn VN-Index.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 3,23 điểm (-1,1%), xuống 290,04 điểm với 35 mã tăng, trong khi có tới 124 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 43,3 triệu đơn vị, giá trị 838,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Hai cổ phiếu họ FLC trên sàn này, cũng giống AMD trên HOSE nhận lực cầu bắt đáy tốt, qua đó kéo KLF về tham chiếu 2.200 đồng, mức cao nhất ngày với thanh khoản 5,73 triệu đơn vị, trong khi ART thậm chí còn tăng mạnh 5,6% lên 3.800 đồng, cũng là mức cao nhất phiên, khớp 1,55 triệu đơn vị.

Trong khi đó, các mã lớn trên sàn đều giảm, trong đó PVS giảm 3,6% xuống 27.100 đồng, khớp 6,8 triệu đơn vị, SHS giảm 1,5% xuống 12.900 đồng, khớp hơn 3 triệu đơn vị, IDC giảm 1,1% xuống 60.300 đồng, khớp 2,24 triệu đơn vị, CEO giảm 0,6% xuống 31.800 đồng, PVC giảm 5% xuống 20.900 đồng…

UPCoM dù mở cửa với sắc xanh, nhưng khi 2 sàn niêm yết giảm điểm, cũng đã nhanh chóng quay đầu xuống dưới tham chiếu.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,5 điểm (-0,55%), xuống 91,14 điểm với 89 mã tăng và 150 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 20,9 triệu đơn vị, giá trị 416 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Trong số các mã có giao dịch sôi động, chỉ duy nhất C4G có sắc xanh nhạt khi tăng 2,2% lên 14.200 đồng, khớp 1,74 triệu đơn vị, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, BSR giảm 3,5% xuống 24.800 đồng, khớp 8,67 triệu đơn vị; OIL giảm 3,7% xuống 13.100 đồng, khớp gần 1 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan