Sau khi thử thách bất thành ở vùng đỉnh mới 1.530 điểm, thị trường đã quay đầu điều chỉnh giảm. Trong phiên hôm qua ngày 5/4, chỉ số VN-Index đã kết phiên với cây nến giảm điểm dạng Gravestone Doji với mức giá đóng cửa gần thấp nhất phiên, cho thấy áp lực bán chốt lời vào cuối phiên tiếp tục gia tăng.
Và việc giảm điểm điều chỉnh tiếp tục với khối lượng thấp hơn mức bình quân, cho thấy đây vẫn chỉ là áp lực chốt lời thông thường trong ngắn hạn. Chỉ số đang dần lấp lại gap tăng giá trước đó (được tạo bởi phiên 1/4 và 4/4) và dự báo sẽ hoàn thành vào phiên 6/4.
Tuy nhiên, trước phiên hôm nay diễn ra, thông tin Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, được coi là yếu tố có thể tác động tiêu cực khiến thị trường phiên hôm nay biến động ngoài dự đoán.
Khởi tố chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh về hành vi lừa đảo
Thực tế, nửa đầu phiên thị trường đã chịu sức ép mạnh mẽ. Chỉ số VN-Index biến giằng co quanh vùng giá 1.510 điểm trong hơn 1 giờ giao dịch khi số mã giảm điểm trên sàn đang gấp 2 lần số mã tăng. Trong đó, mã lớn VIC là gánh nặng chính của thị trường khi giảm gần 3%; các mã lớn khác như VNM, VHM, SAB, BID, VCB cũng giảm hơn 1%.
Trái với diễn biến chung không mấy tích cực của thị trường, nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục giao dịch khởi sắc. Bên cạnh cổ phiếu lớn FPT đang tăng tốt trong rổ VN30 với biên độ tăng hơn 3%, các mã khác trong ngành như CMG tăng 3,5%, các mã ICT, ELC, FOX, VGI đều tăng hơn 1-2%...
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, họ FLC vẫn tạo chú ý lớn trên thị trường. Áp lực bán gia tăng khiến các thành viên trong họ quay đầu giảm điểm phiên hôm qua đã mở ra bức tranh dự báo sẽ ảm đạm trong phiên 6/4. Tuy nhiên, lực bán tháo đã không xảy ra và lực cầu vẫn tỏ ra khá mạnh.
Cụ thể, dù mở cửa FLC và ROS đều giảm sàn nhưng lực cầu gia tăng mạnh đã giúp cặp đôi này dần thu hẹp biên độ với giao dịch sôi động. Hiện các mã FLC, AMD, HAI, KLF, ART đều giảm hơn 3-4%, ngoại trừ ROS giảm sâu hơn khi để mất trên dưới 6%. Trong đó, FLC đang dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 24,5 triệu đơn vị khớp lệnh, còn ROS khớp gần 16 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, sau khoảng gần 90 phút giao dịch, thị trường đang có những tín hiệu tích cực khi dòng bank có dấu hiệu hồi phục. Trong đó cổ phiếu VPB là điểm sáng của ngành khi đảo chiều hồi phục thành công và liên tục nới rộng biên độ tăng. Hiện VPB đang tăng gần 5%, vượt vùng giá 40.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch sôi động, đạt gần 19 triệu đơn vị. Nhiều mã khác trong ngành như MBB, TCB, CTG, VIB ACB, STB, HDB, OCB cũng đồng loạt có được sắc xanh.
Sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu lớn giúp cho VN-Index tạo một nến phục hồi khá đẹp, lấp Gap tạo ra ở phiên đầu tuần ở ngưỡng 1.516 điểm, duy trì xu hướng tăng, mở ra hứa hẹn về khả năng vượt đỉnh ở khu vực 1.530 điểm.
Tuy nhiên, những tin đồn khá tiêu cực khiến thị trường khó đứng vững. Mặc dù dòng bank nỗ lực hỗ trợ khi sắc xanh phủ trên diện rộng của ngành, nhưng chỉ số VN-Index đã không giữ được đà tăng điểm và quay đầu điều chỉnh về dưới mốc tham chiếu.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 159 mã tăng và 273 mã giảm, VN-Index giảm 4,7 điểm (-0,31%) xuống 1.515,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 531 triệu đơn vị, giá trị 17.325,65 tỷ đồng, tăng 32% về khối lượng và 40,44% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,7 triệu đơn vị, giá trị 537,24 tỷ đồng.
Nhóm VN30 đóng vai trò là má phanh khi giữ mức tăng hơn 7 điểm. Trong đó, đại diện nhóm ngân hàng là VPB dù thu hẹp biên độ nhưng vẫn là mã tăng tốt nhất đạt 3,8% và chốt phiên tại mức giá 39.750 đồng/CP, cùng khối lượng khớp lệnh cao, đạt 26,66 triệu đơn vị.
Các mã tăng tốt khác như HPG tăng 2,7%, MWG tăng 2,6%, FPT tăng 1,7%, BVH tăng 1,4%...
Trái lại, cổ phiếu lớn VIC vẫn là mã giảm sâu nhất khi để mất 2,6%, chốt phiên đứng tại mức giá 80.200 đồng/CP. Tiếp theo là thành viên khác trong nhóm bất động sản – NVL giảm 2,5% xuống 85.500 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp FLC và ROS bị bán mạnh về cuối phiên và đều dừng chân ngay sát mức giá sàn. Cụ thể, FLC giảm 6,2% xuống mức 10.650 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu, đạt 34,4 triệu đơn vị, còn ROS giảm 6,9% xuống mức 6.520 đồng/CP và khớp 23,25 triệu đơn vị. Còn AMD và HAI đều giảm hơn 5%.
Đáng chú ý là VGC bị xả bán mạnh và chốt phiên sáng nay nằm sàn, đứng tại mức giá 60.400 đồng/CP với khối lượng khớp 2,64 triệu đơn vị. Các mã khác như TGG, MHC, GEX cũng chịu sức ép bán ra và chốt phiên đều giảm hơn 6%...
Xét về nhóm ngành, dù không còn giữ phong độ nhưng dòng bank vẫn là điểm tích cực của thị trường. Bên cạnh VPB tăng mạnh, hầu hết các mã khác trong ngành đều xanh nhạt như TCB, MBB, ACB, VIB, STB, HDB, OCB, LPB đều tăng trên dưới 1%.
Nhóm cổ phiếu thép cũng giao dịch tích cực với HPG tăng mạnh nhất ngành khi chốt phiên tăng 2,7% lên 47.350 đồng/CP cùng thanh khoản lớn, đạt hơn 23,26 triệu đơn vị, các mã khác như HSG, NKG đều tăng hơn 1,4%...
Trong khi đó, nhóm chứng khoán vẫn giao dịch giằng co sau phiên tăng mạnh mẽ ngày đầu tuần 4/4. Đáng chú ý, VND vẫn là điểm sáng ngành khi chốt phiên tăng 2,6% lên mức 35.500 đồng/CP và thuộc top 10 thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt 11,74 triệu đơn vị.
Tiêu cực nhất có thể kể đến là nhóm cổ phiếu bất động sản. Những thông tin không mấy khả quan như siết tín dụng bất động sản, lãnh đạo doanh nghiệp bị khởi tố…, cùng những tin đồn trong phiên sáng nay, đã khiến sắc đỏ phủ trên diện rộng nhóm ngành này.
Bên cạnh những mã lớn như VIC g8iamr 2,55%, VHM giảm 1,05%, NVL giảm 2,51%, các mã khác cũng mất điểm như DIG giảm 2,67%; KDH, KBC, NLG, BCG… đều giao dịch trong sắc đỏ.
Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến thị trường tiếp tục nới rộng biên độ giảm trong nửa cuối phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 66 mã tăng và 145 mã giảm, HNX-Index giảm 4,34 điểm (-0,95%) xuống 451,76 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 63,25 triệu đơn vị, giá trị 2.102,46 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,83 triệu đơn vị, giá trị 14,95 tỷ đồng.
Cổ phiếu NVB góp phần tô điểm thêm cho nhà bank khi có phiên tăng khá tốt. Chốt phiên, NVB tăng 3,1% lên mức 39.900 đồng/CP. Còn BAB tăng nhẹ 0,5% lên mức 22.100 đồng/CP.
Ngoài ra, một số mã khác trong rổ HNX30 giao dịch khởi sắc như NBC tăng 5,4%, DTD tăng 2,5%, LHC tăng 2,3%, TNG, MBC và VCS cùng tăng hơn 1,5%.
Mặt khác, cũng như sàn HOSE, nhóm bất động sản trên HNX cũng bị bán mạnh. Đáng chú ý là cổ phiếu lớn IDC đã gia tăng sức ép lên thị trường khi chốt phiên giảm 7% xuống mức 73.200 đồng/CP. Tuy nhiên, thanh khoản của IDC tăng đột biến, vượt qua mức thanh khoản trong nhiều phiên giao dịch trước với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10,41 triệu đơn vị.
Hay mã bất động sản khác là HUT giảm 6,4% xuống mức 33.500 đồng/CP, CEO giảm 1,5% xuống 64.000 đồng/CP…
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, KLF nới rộng biên độ giảm và chốt phiên giảm 5,3% xuống mức 5.400 đồng/CP, thanh khoản đạt 5,33 triệu đơn vị; còn ART thoát giá sàn nhưng vẫn giảm sâu khi để mất 5,6% xuống mức 8.400 đồng/CP…
Nhiều mã vừa và nhỏ khác cũng giảm khá sâu như PVL giảm 5%, BII giảm 3,2%, IDJ giảm 2,2%
Trên UPCoM, thị trường cũng khó thoát khỏi phiên điều chỉnh giảm.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,77 điểm (-0,65%), xuống 116,94 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 29,13 triệu đơn vị, giá trị 666,16 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 17 triệu đơn vị, giá trị 639,34 tỷ đồng, với chủ yếu là 17 triệu cổ phiếu KLB, trị giá 637,5 tỷ đồng.
Các cổ phiếu trong nhóm công nghệ vẫn đi ngược xu hướng thị trường thành công, cụ thể VGI tăng 1,57% lên 38.700 đồng/CP, FOX tăng 3,92% lên 84.900 đồng/CP, CTR tăng 1,26% lên 112.600 đồng/CP. Trong đó, VGI thuộc top 10 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt hơn 1 triệu đơn vị.
Tâm điểm đáng chú ý của thị trường trong những phiên gần đây là mã DVN. Mặc dù giao dịch giảm mạnh với lượng khớp chưa tới nửa triệu đơn vị, nhưng giá cổ phiếu tăng vọt và có thời điểm chạm trần. Chốt phiên sáng, DVN tăng 8% lên mức 24.200 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp VHG và PXL đều khớp hơn 2 triệu đơn vị, chỉ thua thanh khoản C4G khớp gần 2,6 triệu đơn vị, nhưng kết phiên đều giảm sâu khi lần lượt mất 4,1% xuống 9.300 đồng/CP và giảm 10,9% xuống 16.400 đồng/CP.