Thị trường đã trải qua chuỗi ngày dài tăng cao khi trong 2 tháng vừa qua (tháng 4 và 5), chỉ số VN-Index đã tăng tới gần 30,5% và đang tiến về vùng giá trước khi xẩy ra đại dịch Covid-19.
Trong những phiên giao dịch đầu tháng 6, mặc dù áp lực bán chốt lời khá cao cùng với những dự đoán của các chuyên gia chứng khoán về xu hướng thị trường sẽ khó khăn hơn, nhưng dòng tiền chảy mạnh vẫn là động lực chính tiếp sức cho đà tăng của các chỉ số chung.
Phiên giao dịch hôm qua (4/6) cũng không ngoại trừ. Trong khi nhiều bluechip quay đầu điều chỉnh gây sức ép lên VN-Index thì dòng tiền đầu cơ chảy mạnh với tâm điểm là ROS đã lan đến nhiều mã nhỏ khác, khiến chỉ số này dù có thu hẹp biên độ nhưng vẫn duy trì được đà tăng điểm.
Theo nhận định của BVSC, trạng thái quá bán của thị trường đã có sự lan tỏa trên diện rộng nên việc xuất hiện các phiên rung lắc, điều chỉnh mạnh có thể sẽ sớm xuất hiện trong quá trình chỉ số di chuyển trong vùng kháng cự trên.
Dòng tiền giai đoạn này sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ không tạo được sự đột biến khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs đang ở phía trước.
Không nằm ngoài dự báo trên, bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần 5/6, áp lực bán tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường mở cửa trong sắc đỏ.
Tuy nhiên, ngay khi sáng đợt khớp lệnh liên tục và để thủng mốc 870 điểm, lực cầu nhập cuộc tích cực đã tiếp sức cho đà hồi phục của nhiều mã trong nhóm VN30, đặc biệt là dòng bank.
Diễn biến phân hóa trên thị trường nói chung và của nhóm bluechip nói riêng khiến VN-Index không có biến động mạnh.
Tâm điểm đáng chú ý là ROS. Sau phiên bùng nổ hôm qua, áp lực dần xuất hiện ngay khi mở cửa khiến ROS thu hẹp biên độ. Tuy nhiên, thông tin chính thức về tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu để sáp nhập vào GAB vẫn tiếp tục khiến ROS nóng “bỏng tay”.
Sau khoảng gần 1 giờ giao dịch, ROS giữ mức giá trần 3.450 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 40 triệu đơn vị và dư mua trần không ngừng tăng lên, với hơn 10,5 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, sóng tại HQC vẫn dâng cao sau thông tin Ban lãnh đạo Công ty chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên về việc sẽ đưa cổ phiếu về mệnh giá và chia cổ tức bằng tiền mặt. Sáng nay, HQC xác lập phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp với giao dịch sôi động, đạt hơn 37 triệu đơn vị.
Diễn biến phân hóa của thị trường nói chung và của nhóm bluechip nói riêng khiến chỉ số VN-Index biến động giằng co, liên tục lên xuống quanh mốc tham chiếu.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 171 mã tăng và 157 mã giảm, VN-Index giảm nhẹ 0,32 điểm (-0,04%), xuống 883,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 290,73 triệu đơn vị, giá trị 3.428,93 tỷ đồng, tăng 27,9% về khối lượng và hơn 5% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 20 triệu đơn vị, giá trị 605,39 tỷ đồng.
Nhóm Vn30 giao dịch khá cân bằng với 12 mã tăng và 13 mã giảm, với biên độ biến động khá hẹp chủ yếu chưa tới 1%. Ngoại trừ CTD, HPG tăng hơn 1%, còn GAS, HDB, MSN giảm hơn 1%.
Điểm nhấn thị trường là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Dòng tiền đầu cơ chảy mạnh giúp hàng loạt mã bùng nổ.
Trong đó HQC có chút thử thách tại vùng giá trần nhưng lực cầu tăng vọt đã giúp cổ phiếu này bảo toàn sắc tím. Chốt phiên, HQC đứng tại mức giá 1.530 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 44,8 triệu đơn vị và dư mua trần 6,39 triệu đơn vị.
ROS cũng tiếp tục dậy sóng khi chốt phiên tại mức giá trần 3.450 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 40,21 triệu đơn vị và dư mua trần chất đống gần 16 triệu đơn vị. Ngoài ra, nhiều mã nhỏ khác như SJF, EVG, QBS, TLD cũng tăng hết biên độ.
Một trong những điểm nhấn nữa của thị trường trong phiên sáng nay là nhóm cổ phiếu ngành thép. Trong đó, HSG là 1 trong 4 mã có giao dịch sôi động với gần 15,7 triệu đơn vị và chốt phiên tại mức giá trần 10.600 đồng/CP, cùng lượng dư mua trần 2,12 triệu đơn vị. Các mã khác trong nhóm như POM cũng tăng trần, TLH +6,1% lên 3.800 đồng/CP, NKG +4% lên 8.000 đồng/CP, HPG +1,7% lên 27.050 đồng/CP.
Trên sàn HNX, giao dịch cũng biến giằng co và cũng tạm dừng phiên sáng trong “chiếc áo” đỏ.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 55 mã tăng và 54 mã giảm, HNX-Index giảm 0,31 điểm (-0,27%), xuống 117,11 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 30,52 triệu đơn vị, giá trị 371,47 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ có thêm gần 0,4 triệu đơn vị, giá trị 3,4 tỷ đồng.
Cũng giống sàn HOSE, các mã vốn hóa lớn trên sàn HNX cũng biến động nhẹ. Đáng kể trong nhóm HNX30 có TVC tiếp tục giảm sâu -10%, tạm đứng tại mức giá sàn 23.400 đồng/CP; trái lại NRC bất ngờ tăng trần lên mức 9.400 đồng/CP.
Trong khi SHB đảo chiều điều chỉnh nhẹ thì SHS vẫn khá nóng dù không giữ được sắc tím. Chốt phiên, SHS +6,6%) lên mức 11.300 đồng/CP và dẫn đầu thanh khoản sàn HNX với 5,55 triệu đơn vị được khớp lệnh. Đây là phiên giao dịch khởi sắc thứ 5 liên tiếp của SHS.
Tiếp theo đó, các mã PVS khớp gần 3,1 triệu đơn vị, SHB khớp 2,39 triệu đơn vị và ACB khớp hơn 2,3 triệu đơn vị, nhưng chốt phiên cả 3 cổ phiếu này đều giảm nhẹ.
Trái với thị trường niên yết, dù trong gần suốt thời gian giao dịch, thị trường UPCoM đều đứng dưới mốc tham chiếu nhưng may mắn đã hồi nhẹ trong những phút cuối phiên.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,01 điểm (+0,02%), lên 56,34 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 34,53 triệu đơn vị, giá trị 317,78 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,15 triệu đơn vị, giá trị 8,92 tỷ đồng.
Cổ phiếu PXL có phiên giao dịch khá tích cực và đã vượt được mệnh giá khi chốt phiên +6,2% lên mức 10.200 đồng/CP, khối lượng giao dịch lớn nhất thị trường UPCoM, đạt 1,63 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí thứ 2, BSR +1,32% lên 7.700 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 5,42 triệu đơn vị.