Dù VN-Index lần đầu tiên trong 3 tháng đã vượt thành công mốc 1.150 điểm và thanh khoản cũng bùng nổ khi đạt hơn 1 tỷ USD, nhưng áp lực bán chốt lời tăng mạnh cuối phiên khiến thị trường khép lại phiên 4/1 giảm nhiệt đáng kể, điều này không loại trừ khả năng sẽ có nhịp điều chỉnh trong phiên cuối tuần.
Bên cạnh đó, về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã vượt qua khỏi dải Bollinger band, chạm mốc 0,786 của thang đo Fibonacci mở rộng, đây cũng là khu vực đỉnh kháng cự trong ngắn hạn. Thêm vào đó, chỉ báo RSI đã ở vùng cao cho xác suất cao thị trường sẽ sớm xuất hiện các phiên rung lắc.
Tuy nhiên theo VCBS, xu hướng tích cực đã được xác lập và sự điều chỉnh là cần thiết để VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm trong thời gian tới. Thậm chí, rất nhiều nhà đầu tư còn đang trông chờ một nhịp chỉnh để có điểm mua gia tăng vị thế một cách an toàn.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng cuối tuần 5/1, tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn sau nhịp hạ độ cao cuối phiên chiều qua, đã khiến thị trường giao dịch phân hóa và chỉ số VN-Index chỉ nhích nhẹ.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn nỗ lực hỗ trợ thị trường duy trì đà tăng điểm nhưng có phần kém hấp dẫn hơn khi hầu hết các mã chỉ giữ biên độ tăng khá hẹp.
Sau hơn 90 phút giao dịch, áp lực bán có dấu hiệu gia tăng, nhóm bluechip dần tô đậm sắc đỏ và lan rộng hơn trên thị trường, đã đẩy VN-Index về sát mốc tham chiếu. Trong đó, dòng bank cũng trở nên suy yếu với nhiều mã như ACB, HDB, VPB đã đảo chiều giảm, bên cạnh các mã VCB, TCB, SHB, MSB lùi về mốc tham chiếu.
Mặc dù sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo nhưng thị trường đã may mắn bật hồi nhẹ về cuối phiên và các cổ phiếu ngân hàng vẫn là động lực chính.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 148 mã tăng và 293 mã giảm, VN-Index tăng 1,06 điểm (+0,09%), lên 1.151,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 407,54 triệu đơn vị, giá 8.053,41 tỷ đồng, giảm 22,92% về khối lượng và 30,13% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,67 triệu đơn vị, giá trị 303,93 tỷ đồng.
Nhóm VN30 phân hóa với 14 mã tăng và 15 mã giảm, chỉ số nhóm này chỉ điều chỉnh nhẹ 0,12 điểm. Trong đó, bộ 3 cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu đà tăng gồm STB tăng 2,1%, BID tăng 1,7% và CTG tăng 1,4%, lần lượt đóng góp gần 0,3 điểm, hơn 1 điểm và 0,54 điểm cho chỉ số chung.
Ở chiều ngược lại, các mã cũng chỉ giảm trong biên độ hẹp trên dưới 1%, trong đó SAB, BCM và VJC giảm nhỉnh hơn 1%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HAG là tâm điểm giao dịch của thị trường với thanh khoản dẫn đầu, đạt hơn 25,46 triệu đơn vị, nhưng áp lực bán gia tăng khiến cổ phiếu này chốt phiên giảm 2,3% xuống mức 13.000 đồng/CP. Trong khi đó, HNG cũng đảo chiều giảm 1,7% xuống mức 5.070 đồng/CP và khớp 8,77 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, với diễn biến tích cực của một số mã trên, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã trở thành nhóm tăng tốt nhất thị trường dù biên độ chưa tới 0,5%.
Trong khi đó, nhóm chứng khoán và bất động sản phân hóa và gần như đi ngang. Điểm sáng thuộc về các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp với SZC tăng 4,1%, GVR, SIP đều tăng hơn 1%.
Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng khiến thị trường rung lắc và đảo chiều giảm điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 45 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,16%) xuống 232,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 29,42 triệu đơn vị, giá trị 547,04 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,32 triệu đơn vị, giá trị 14,44 tỷ đồng.
Cổ phiếu TKG tiếp tục có thêm phiên tăng trần và chốt phiên đứng tại mức giá 11.000 đồng/CP. Như vậy, chỉ trong 4 phiên đầu tiên của năm 2024, TKG đã tăng hơn 34%.
Trong khi đó, SHS vẫn là mã thanh khoản tốt nhất thị trường với 5,28 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng áp lực bán gia tăng khiến cổ phiếu này rung lắc và chốt phiên giảm nhẹ 0,5% xuống mức 18.600 đồng/CP.
Cổ phiếu bất động sản CEO vẫn giữ nhiệt khá sôi động với khối lượng khớp lệnh hơn 5 triệu đơn vị và giữ mức tăng nhẹ 0,9% lên 23.000 đồng/CP.
Trên UPCoM, dù rung lắc nhẹ cuối phiên nhưng lực cầu tích cực đã giúp thị trường thoát hiểm.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,04 điểm (+0,05%) lên 87,77 điểm với 128 mã tăng và 108 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,3 triệu đơn vị, giá trị 214,41 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,79 triệu đơn vị, giá trị 20,92 tỷ đồng.
Cổ phiếu BCR giao dịch sôi động nhất thị trường với 2,73 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công, nhưng vẫn trong xu hướng giảm sâu khi mất 5,8%, chốt phiên sáng nay tại mức 8.100 đồng/CP.
Tiếp theo đó là BSR và NAB đạt khối lượng giao dịch 2,56 triệu đơn vị và 1,17 triệu đơn vị, chốt phiên đều đứng giá tham chiếu.