Giao dịch chứng khoán sáng 4/9: Thị trường chìm trong sắc đỏ, VN-Index giảm sâu

Giao dịch chứng khoán sáng 4/9: Thị trường chìm trong sắc đỏ, VN-Index giảm sâu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng trên diện rộng, đặc biệt tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu bluechip, đã khiến thị trường giảm khá mạnh và có thời điểm thủng mốc 1.270 điểm.

Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch lình xình với thanh khoản sụt giảm đáng kể bởi tâm lý thận trọng khi kỳ nghỉ lễ dài ngày cận kề. Chỉ số VN-Index trong xu hướng tích lũy trên mốc 1.280 điểm và các chỉ báo RSI, MACD, và -DI đang được kéo xuống thấp cho thấy những nhịp tăng điểm sẽ sớm xuất hiện trong ngắn hạn.

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Giám đốc phân tích, CTCK Phú Hưng (PHS), khả năng đây là nhịp chững lại để hấp thụ lượng cung ở vùng đỉnh cũ, khi hấp thụ xong thì sẽ có cơ hội lớn vượt được đỉnh tháng 6 (quanh 1.305) để tiếp tục xu hướng. Kỳ vọng nhịp vượt đỉnh có thể sẽ diễn ra trong tháng 9, và nếu lực cầu mạnh thì sẽ còn hướng lên vùng cản tiếp theo ở 1.330-1.350 trước khi điều chỉnh trở lại.

Cũng dự báo lạc quan, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có cơ hội lớn hơn bao giờ hết để vượt ngưỡng tâm lý 1.300 điểm, thậm chí có thể ngay trong tuần đầu tiên của tháng 9.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 4/9, trái với nhận định của giới phân tích, sau 4 phiên nhích nhẹ trong chuỗi 7 phiên giằng co biến động trong biên độ hẹp, áp lực bán khá mạnh diễn ra trên diện rộng đã khiến thị trường mở cửa chìm trong sắc đỏ và chỉ số VN-Index giảm mạnh về dưới mốc 1.270 điểm.

Bên cạnh lực cầu vẫn ưu tiên các cổ phiếu vừa và nhỏ nhưng không đủ sức để giúp các mã này thoát khỏi trạng thái điều chỉnh giảm như VIX, VPB, SHB…, nhóm cổ phiếu VN30 đang là gánh nặng chính của thị trường. Sau khoảng hơn 1 giờ giao dịch, chỉ số VN-Index đã thu hẹp biên độ giảm đôi chút và tạm đứng quanh mức 1.275 điểm, trong khi chỉ số nhóm VN30 đang giảm mạnh hơn khi chỉ còn 3 mã thoát khỏi trạng thái điều chỉnh.

Xét về nhóm ngành, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều mất điểm, đáng kể là bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép hầu hết đều giao dịch dưới mốc tham chiếu. Điểm sáng le lói chính là cổ phiếu bất động sản khi một số mã đã hồi phục thành công dù mức tăng còn khá hạn chế như VHM, PDR, HHV, VCG, VCG, HBC…

Mặc dù dòng tiền có tham gia sôi động hơn nhưng trong bối cảnh lực bán khá lớn và diễn ra trên diện rộng, đặc biệt là gánh nặng từ nhóm cổ phiếu bluechip, khiến thị trường khó thoát khỏi phiên giảm khá mạnh.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE chỉ có 60 mã tăng và 342 mã giảm, VN-Index giảm 12,94 điểm (-1,01%) xuống 1.270,93 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 325,2 triệu đơn vị, giá trị 8.043,8 tỷ đồng, tăng 47,62% về khối lượng và 49,7% về giá trị so với phiên sáng ngày 30/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 26,23 triệu đơn vị, giá trị gần 1.011 tỷ đồng.

Nhóm VN30 tiếp tục gia tăng sức ép khi chốt phiên giảm hơn 17 điểm, với 25 mã giảm và chỉ còn 4 mã lớn gồm VHM, GAS, VNM, BID thoát khỏi trạng thái điều chỉnh, trong đó VHM chốt phiên tăng 1,3%, còn lại chỉ nhích nhẹ trên dưới 0,5%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu VIX vẫn giao dịch sôi động nhất thị trường nhưng áp lực bán khiến mã này duy trì đà giảm điểm trong suốt cả phiên sáng. Chốt phiên, VIX giảm 2,1% và khớp lệnh gần 12,8 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều không tránh khỏi xu hướng điều chỉnh của thị trường chung. Trong đó, ảnh hưởng lớn nhất tới chỉ số chung là bộ ba gồm bank – chứng – thép vẫn chìm trong sắc đỏ với biên độ giảm nới rộng hơn, ngoại trừ một số điểm sáng le lói như BID, FTS ngược dòng thành công dù mức tăng cũng chỉ xoay quanh biên độ 0,5%.

Ở nhóm cổ phiếu bất động, cổ phiếu VHM vẫn là điểm sáng khi duy trì sắc xanh với mức tăng 1,3%, đồng thời thanh khoản cũng thuộc top 5 mã dẫn đầu thị trường, đạt gần 8 triệu đơn vị khớp lệnh. Ngoài ra, các mã đầu tư công như HHV, VCG, LCG, HBC cũng đều chốt phiên trong sắc xanh.

Trên sàn HNX, thị trường cũng chìm trong sắc đỏ và HNX-Index giảm khá mạnh.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 39 mã tăng và 106 mã giảm, HNX-Index giảm 2,27 điểm (-0,96%), xuống 235,29 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 26,4 triệu đơn vị, giá trị hơn 516 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,3 triệu đơn vị, giá trị 11,85 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 cũng giảm mạnh khi mất hơn 8 điểm, với 27 mã giảm và chỉ còn 2 mã là DHT và PLC giữ được sắc xanh với mức tăng chỉ 0,4%. Trong đó, cổ phiếu SHS vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với gần 5,4 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 2,4% xuống mức giá thấp nhất trong phiên 16.000 đồng/CP.

Đứng ở vị trí thứ 3 là cổ phiếu bất động sản CEO khớp 2,7 triệu đơn vị, chốt phiên đứng giá tham chiếu 16.100 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu và vừa nhỏ, mã NAG là điểm sáng khi đảo chiều tăng mạnh, chốt phiên với mức tăng 7,1% lên mức 12.000 đồng/CP, khớp lệnh đạt 0,7 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà giảm nhẹ trong suốt cả phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,61 điểm (-0,64%) xuống 93,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 15,57 triệu đơn vị, giá trị 279,32 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chưa tới 2 tỷ đồng.

Cặp đôi cổ phiếu dầu khí vẫn sôi động nhất thị trường nhưng cũng không thoát khỏi trạng thái điều chỉnh của thị trường chung. Trong đó, BSR giảm 2,1% và khớp 4,95 triệu đơn vị, còn OIL giảm 2% và khớp 1,36 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan