Giao dịch chứng khoán sáng 4/4: Dòng tiền bắt đáy mạnh, nhà đầu tư dám đánh cược vào khả năng đảo chiều

Giao dịch chứng khoán sáng 4/4: Dòng tiền bắt đáy mạnh, nhà đầu tư dám đánh cược vào khả năng đảo chiều

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền tiếp tục nhập cuộc mạnh mẽ trong phiên sáng 4/4 đã giúp bảng điện tử bớt ảm đạm hơn khi hàng loạt cổ phiếu đảo chiều hồi phục thành công, đặc biệt là đà tăng khá tốt của cặp đôi VIC - VHM.

Theo một quy luật định trước, sau phiên bán tháo sẽ đến phiên chịu sức ép tăng thêm do nhà đầu tư bán ra để giảm tỷ trọng margin. Phiên giao dịch chứng khoán sáng nay (4/4) cũng như vậy, lực bán mạnh ngay từ đầu phiên khiến đa số mã tiếp tục rơi vào tình trạng trắng bên mua.

Nhưng phản ứng sau những phiên bán tháo lại không có quy luật cố định, gãy trend thị trường giảm tiếp và rơi vào suy thoái trung hạn, hoặc đảo chiều bật tăng mạnh mẽ.

Cũng vì một tỷ lệ 50:50 như vậy, ở mỗi phiên bán tháo luôn có một lực mua xuất hiện, gọi dân dã là "bắt dao rơi", nếu bắt "trúng cán" là thành công, tài khoản lãi 10-20% trong T+3 không phải là hiếm, và nếu "trúng lưỡi" thì chấp nhận lỗ cùng tỷ lệ cũng ngay trong T+3.

Lực mua bắt đáy trong 2 phiên gần đây đang tạo ra một hy vọng một nhịp phục hồi nhanh, thể hiện ngay trong phiên sáng nay, ghi nhận lúc 11h00, giá trị giao dịch của HOSE đã lên tới gần 25.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 3 lần so với giá trị trung bình các phiên khác. Bảng điện tử cũng chuyển từ màu xanh u ám sang tươi sáng hơn dù giá cổ phiếu vẫn đa phần giảm điểm.

Trong đó, anh cả nhóm bất động sản “VIC” một lần nữa làm tốt vai trò dẫn dắt ngành khi đảo chiều tăng mạnh. Hiện VIC đang tăng trên dưới 5% nhờ lực cầu nội và ngoại tham gia tích cực. Ngoài ra, VHM cũng hồi phục và ghi nhận mức tăng khoảng 1,5%.

Cùng diễn biến khởi sắc của bộ đôi lớn VIC - VHM, dòng tiền sôi động nhập cuộc với điểm đến chính vẫn là các cổ phiếu trong nhóm trụ cột bank – chứng – thép, đang giúp thị trường bớt u ám và kỳ vọng sớm tìm lại điểm cân bằng.

Dòng tiền vẫn giữ nhiệt sôi động nhưng áp lực bán mạnh trên diện rộng khiến thị trường tiếp tục có thêm phiên giảm sâu.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 68 mã tăng và có tới 424 mã giảm, trong đó tới 131 mã giảm sàn, chỉ số VN-Index giảm 47,77 điểm (-3,88%), xuống 1.182,07 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,28 tỷ đơn vị, giá trị 27.105 tỷ đồng, giảm 10,5% về khối lượng và 12,2% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 41,1 triệu đơn vị, giá trị 1.216,9 tỷ đồng.

Nhóm VN30 bớt tiêu cực hơn khi chỉ còn 3 mã nằm sàn là BCM, PLX và GVR; trong khi có 5 mã hồi phục thành công, với SSB và VIC cùng tăng 2,1%, VNM tăng 1,4%, VHM và LPB tăng nhẹ.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi phần lớn đều ghi nhận đà giảm, với la liệt cổ phiếu chưa thoát khỏi nằm sàn, một số mã vẫn tăng mạnh như FCM và YBM tăng kịch trần, CMV tăng sát trần…

Trong top 10 mã có ảnh hưởng lớn nhất tới thị trường, VIC tích cực nhất khi đóng góp gần 1,3 điểm cho chỉ số chung; trái lại bộ 3 cổ phiếu lớn nhóm ngân hàng gồm VCB, CTG và BID đã lấy đi tới gần 11,5 điểm của chỉ số chung.

Xét về nhóm ngành, các nhóm lớn như ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản vẫn giảm sâu dù lực cầu hấp thụ mạnh. Trong đó, SHB dẫn đầu với khối lượng khớp lệnh đạt gần 92,5 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 3,4%, đồng thời khối ngoại đã mua ròng hơn 13 triệu đơn vị.

Tiếp theo đó, SSI, HPG, MBB cũng đều thoát khỏi nằm sàn nhưng vẫn đóng cửa giảm khá mạnh từ 4,4 – 6,7%, và thanh khoản đều đạt hơn 50 triệu đơn vị. Các mã khác như VIX, TCB, TPB, ACB, VND, VPB, STB… đều có thanh khoản vài chục triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường cũng có phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp.

Chốt phiên, sàn HNX có 52 mã tăng và 148 mã giảm, HNX-Index giảm 10,25 điểm (-4,64%), xuống 210,69 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 89,7 triệu đơn vị, giá trị 1.275,2 tỷ đồng.

Cổ phiếu SHS có thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt 17,1 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 5,2% xuống mức 12.800 đồng/CP.

Các cổ phiếu giao dịch sôi động tiếp theo cũng đều giảm mạnh, gồm CEO giảm 6,9% và khớp 12,5 triệu đơn vị, PVS giảm 9,3% và khớp 8,65 triệu đơn vị, MBS giảm 5,9% và khớp 6,8 triệu đơn vị, TIG giảm sàn và khớp 2,45 triệu đơn vị.

Đáng chú ý là cặp đôi nhỏ SRA và FID ngược dòng thị trường chung, chốt phiên đều tăng trần, với SRA dư mua trần 2,65 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, đà giảm thu hẹp đáng kể trong nửa cuối phiên nhờ diễn biến hồi phục của nhiều mã.

Chốt phiên, thị trường có 83 mã tăng và 267 mã giảm, UPCoM-Index giảm 1,05 điểm (-1,15%), xuống 89,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 62,5 triệu đơn vị, giá trị 594,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,62 triệu đơn vị, giá trị 27,5 tỷ đồng.

Điểm sáng là HNG, chốt phiên tăng 3,3% lên mức 6.200 đồng/CP với thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt 8,85 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan