Giao dịch chứng khoán sáng 3/7: Niềm tin chưa trở lại

Giao dịch chứng khoán sáng 3/7: Niềm tin chưa trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tâm lý thận trọng khiến thị trường thiếu động lực để bật cao, chỉ số VN-Index tăng nhẹ trên mốc 845 điểm, thanh khoản đứng ở mức thấp.

Sau 2 tháng hồi phục tích cực, thị trường đã có nhịp điều chỉnh trong tháng 6. Đặc biệt, đà giảm mạnh tập trung vào nửa cuối tháng 6 khi áp lực bán diễn ra khá mạnh và trên diện rộng. Theo thống kê từ ngày 11/6 đến 30/6, chỉ số VN-Index đã giảm 8,32% và kết thúc tại mốc 825 điểm.

Bước sang tháng 7, thị trường đã có những tín hiệu tích cực khi tăng vọt ngay trong phiên đầu tiên. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những diễn biến trong tháng 6 cũng như những ảnh hưởng từ thị trường quốc tế khiến thanh khoản sụt giảm khá mạnh và chỉ số VN-Index trở lại trạng thái rung lắc trong phiên hôm qua (2/7).

Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng có những diễn biến bất lợi khi đẩy mạnh bán ròng, đạt gần 180 tỷ đồng trong khi phiên trước đó ngày 1/7 là mua ròng 106,52 tỷ đồng.

Theo TVSI, trong những phiên tới, đà tăng của thị trường có thể sẽ duy trì nhưng hiên vẫn còn sớm để lạc quan về một xu hướng tăng giá mới. Sự phân hóa được đánh giá sẽ trở nên mạnh mẽ hơn dựa trên kết quả kinh doanh quý II của từng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cần lưu ý về khả năng xuất hiện áp lực chốt lời tại những cổ phiếu đã tăng giá mạnh bất chấp kết quả kinh doanh quý II tích cực. Đồng thời, công ty chứng khoán này cho rằng, nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên vội mua vào ở thời điểm hiện tại.

Bước vào phiên giao dịch sáng ngày cuối tuần 3/7, mặc dù dòng tiền vẫn tham gia khá hạn chế nhưng với diễn biến khởi sắc của phần lớn các cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường lấy lại sắc xanh ngay khi mở cửa.

Chỉ số VN-Index không có sự bứt phá và chỉ lình xình đi ngang trên mốc 845 điểm do thiếu động lực. Nhóm VN30 cũng chỉ nhúc nhắc tăng và không có mã nào đóng vai trò trụ cột chính.

Đáng chú ý, sau cuộc chiến ồn ào giữ nhóm cổ đông lớn do Kusto khởi xướng với các lãnh đạo Conteccons trước kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, dường như 2 bên đã tìm được thỏa thuận “đình chiến” trước khi bước vào Đại hội, cổ phiếu CTD đã bùng nổ trong 2 phiên giao dịch vừa qua. Tuy nhiên, trong phiên sáng nay, cổ phiếu này đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

Dù mở cửa vẫn khoe sắc tím nhưng áp lực bán chốt lời gia tăng khiến CTD lùi dần về sát mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực cầu khá mạnh đã giúp CTD dần nới rộng biên độ. Sau hơn 1 giờ giao dịch, CTD +4,15% lên 82.900 đồng/CP và khớp hơn 1,6 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiêus thị trường cũng có sự phân hóa với ASM, FLC, TNI, NLG… giữ sắc xanh, trong khi HQC, ITA, DXG, SHI… giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Mặc dù cổ phiếu lớn SAB bật tăng mạnh nhưng với tâm lý giao dịch thận trọng, chỉ số VN-Index vẫn chỉ lình xình trên mốc 845 điểm đến hết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 181 mã tăng và 151 mã giảm, VN-Index tăng 3,9điểm (+0,46%), lên 846,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 105 triệu đơn vị, giá trị 1.769,82 tỷ đồng, giảm 14,38% về khối lượng và 19,46% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,14 triệu đơn vị, giá trị 145,35 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, sau thời gian ngắn rung lắc đầu phiên, SAB đã có màn tăng vọt sau thông tin cổ đông Nhà nước sẽ thoái vốn toàn bộ 36% tại Sabeco.

Cụ thể, Thủ tướng vừa phê duyệt danh mục thoái vốn Nhà nước năm 2020. Trong đó, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, SAB) nằm trong danh sách chuyển giao từ Bộ Công Thương về SCIC trước ngày 31/8 để thực hiện thoái toàn bộ phần vốn Nhà nước.

Tạm chốt phiên sáng nay, SAB +4,3% lên mức 174.000 đồng/CP nhưng giao dịch vẫn hạn chế với hơn 79.000 đơn vị được khớp lệnh.

Bên cạnh đó, trong khi các mã cùng ngành diễn biến giằng co nhẹ thì cổ phiếu ngân hàng HDB cũng bật cao và có thời điểm thử thách mức giá trần. Hiện HDB +6,3% lên 26.250 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 1,11 triệu đơn vị.

Ngoài ra, các mã như VNM, VHM, VIC, VCB… cũng có được sắc xanh nhưng với mức tăng khá khiêm tốn chỉ trên dưới 0,5%.

Trái lại, trong nhóm VN30 chỉ có 5 mã mất điểm là BID, BVH, EIB, MWG và VPB.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, giao dịch cũng không mấy tích cực. Cổ phiếu HSG giằng co và chốt phiên tại mức giá 11.900 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 7,1 triệu đơn vị; TNI +5,22% lên 4.840 đồng/CP và khớp 6,48 triệu đơn vị.

Trong khi đó, HQC, SJF, ITA, DBC, DXG tạm dừng chân trong sắc đỏ. PSH sau 2 phiên điều chỉnh nhẹ đã lùi về mức giá sàn trong phiên sáng nay.

Trên sàn HNX, dù có chút rung lắc và điều chỉnh nhưng HNX-Index đã may mắn thoát hiểm ở những phút cuối phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 42 mã tăng và 49 mã giảm, HNX-Index tăng nhẹ 0,06 điểm (+0,06%), lên 111,67 điểm.

Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 17,4 triệu đơn vị, giá trị 192,21 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,52 triệu đơn vị, giá trị 30,88 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu HNX30 diễn biến lình xình khi chủ yếu tăng giảm nhẹ 100 đồng/CP, ngoại trừ 2 điểm sáng là DGC +1,27% lên 40.000 đồng/CP, PVB +2,52% lên 16.300 đồng/CP.

Thanh khoản trên HNX khá thấp khi chỉ có 3 mã có khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị. Cụ thể, MBG dẫn đầu khi khớp 2,56 triệu đơn vị, tiếp theo là NVB khớp 1,5 triệu đơn vị, KLF khớp 1,1 triệu đơn vị.

Chốt phiên, MBG -1,89% xuống 5.200 đồng/CP, còn NVB và KLF tạm dừng tại mốc tham chiếu.

Trên UPCoM, giao dịch khởi sắc hơn khi đà tăng càng được nới rộng về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,46 điểm (+0,83%), lên 56,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 11,89 triệu đơn vị, giá trị 61,48 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,87 triệu đơn vị, giá trị 179,45 tỷ đồng.

Cổ phiếu nhỏ KSH lấy lại sắc tím sau 4 phiên đứng giá khi chốt phiên sáng tại mức giá 500 đồng/CP và là mã giao dịch sôi động nhất thị trường, đạt 4,32 triệu đơn vị.

Trong khi đó, PVX trở về nằm sàn tại mốc 1.100 đồng/CP vói khối lượng giao dịch đạt hơn 2 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan