Giao dịch chứng khoán sáng 31/5: Thanh khoản lập kỷ lục, cổ phiếu chứng khoán đua nhau tăng trần

Giao dịch chứng khoán sáng 31/5: Thanh khoản lập kỷ lục, cổ phiếu chứng khoán đua nhau tăng trần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền chảy mạnh và xác lập kỷ lục về thanh khoản trong phiên sáng đã giúp thị trường đảo chiều ngoạn mục và có thời điểm hồi phục sắc xanh. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng, thép và chứng khoán là tâm điểm giao dịch của thị trường.

Cổ phiếu ngân hàng 2 ngày cuối tuần liên tục nhận được cảnh báo từ các chuyên gia phân tích về việc tăng quá nóng. Tất nhiên, nóng với thời điểm 2 tháng trước hay từ đầu năm tới nay mà thôi, còn nếu tính về đỉnh lịch sử ghi nhân thời 2007-2008 thì giá hầu hết các cổ phiếu ngân hàng hiện tại mới ở mức "chớm tăng".

Cổ phiếu ngân hàng là "cổ phiếu vua" vì dẫn dắt 2 con sóng lớn 2007 và 2020, đó là chưa kể 2018 nhóm này cũng đóng vai trò tạo sóng, dù có ngắn hơn. Chính vì vậy, khi thị trường đang ở đỉnh của mọi thời đại với VN-Index, diễn biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng luôn được quan tâm.

Có hàng loạt cảnh báo về việc sẽ có những phiên phân phối mạnh do chính nhóm cổ phiếu ngân hàng tạo ra trong tuần này, nhưng bên cạnh đó cũng có những dự báo về việc dòng tiền sẽ rút dần khỏi nhóm cổ phiếu ngân hàng (và cả thép đã tăng mạnh) lan sang các nhóm khác như bán lẻ, dầu khí, bất động sản,...

Nhưng dự báo có tính khả tín hơn cả đó là thị trường... còn tăng điểm. Nguyên nhân chưa bao giờ mới, từ xa xưa và rút đúc được khi quy luật cung cầu được phát hiện, đó là tiền nhiều hơn hàng.

Dòng tiền đã có "kháng thể" covid nên vẫn đổ vào sàn chứng khoán bất chấp dịch bệnh. Điều đáng quan trọng hơn là dòng tiền này chưa nhiều thể hiện qua số tài khoản mở mới từ đầu năm, dù vượt mạnh so với cùng kỳ, nhưng so với thời điểm cuối năm ngoái thì vẫn ở mức tăng dần đều. Khi số tài khoản mở mới tăng dần đến điểm "booming" còn có thể hút một lượng tiền nhàn rỗi rất lớn vào thị trường.

Kinh nghiệm 2007 và chứng khoán thế giới 2020 cho thấy, thời điểm đó, giá cổ phiếu chỉ là... con số, 1.000 USD/cổ phiếu như nhóm ngành công nghệ có được cũng rất bình thường, không phải là không tưởng.

Với chứng khoán Việt Nam, dòng tiền hiện tại mới ghi nhận tăng, và sự bùng nổ vẫn chưa diễn ra. Hy vọng sàn HOSE kịp nâng cấp công nghệ, nếu có một thời điểm như vậy.

Quay lại với thị trường sáng đầu tuần ngày 31/5, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã không còn nóng như trước, giảm giá theo nghĩa điều chỉnh bởi mức giảm khá nhẹ. Thị trường xanh đầu phiên tiếp nối đà cuối tuần trước để rồi sau đó giảm điểm.

Điều đáng nói chính là sự loạn nhịp của bảng điện tử. Ngay từ đầu phiên giao dịch, bên cạnh chỉ số chung của thị trường không có sự nhúc nhích trong hơn 30 phút đầu phiên, trong khi áp lực bán đang có dấu hiệu lan rộng khiến hàng trăm mã giảm điểm. Ngoài ra, mức giá mua, bán và khớp lệnh cũng không có sự đồng nhất khiến nhà đầu tư gặp khó khi đưa ra các lệnh giao dịch.

Cũng trong hơn 30 phút đầu phiên khi các nhà đầu tư không thể biết giá cổ phiếu mình nắm giữ đang giao dịch là bao nhiêu thì dòng tiền đã kịp đổ vào thị trường khoảng 3.000 tỷ đồng, đồ thị VN-Index vẽ nguyên một ô hình chữ nhật trên biểu đồ. Sau thời điểm đó, việc hiển thị mới cải thiện hơn, dù vẫn chưa chính xác ở nhiều mã.

Về diễn biến, áp lực bán không ngừng gia tăng và lan rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Sau khoảng hơn 80 phút giao dịch, trên sàn HOSE có tới hơn 300 mã giảm và chỉ số VN-Index để mất gần 13 điểm.

Trái với diễn biến chung của thị trường, nhóm cổ phiếu bất động sản đang có màn lội ngược dòng khá ngoạn mục. Hàng loạt các mã niêm yết và đăng ký giao dịch như AGR, APG, APS, AAS, CTS, BSI, SBS, TCI, VFS cùng tăng trần, các mã còn lại cũng đều có được sắc xanh.

Trong nhóm ngành thép, hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền (mua cổ phiếu phiên hôm nay, cổ đông không có quyền nhận cổ tức 40%), nên giá điều chỉnh lại. Lực mua lớn khiến HPG luôn dao động quanh ngưỡng giá trần 52.700 đồng/cp, lượng khớp lệnh đạt mức trên 50 triệu cổ phiếu tính tới thời điểm gần 11h.

Về nửa sau của phiên sáng, lực cầu quá lớn đã kéo thị trường bật mạnh đi lên, đến thời điểm 10h50 sáng, VN-Index đã trở về gần ngưỡng tham chiếu. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng, thép, chứng khoán và một vài mã dầu khí.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 133 mã tăng và 287 mã giảm, VN-Index giảm 1,09 điểm (-0,08%) xuống 1.319,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 553,43 triệu đơn vị, giá trị 19.063,38 tỷ đồng, tăng 6,43% về khối lượng và 11,64% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,49 triệu đơn vị, giá trị gần 610,4 tỷ đồng.

Đây là phiên giao dịch sáng có mức thanh khoản đạt kỷ lục nhất từ trước đến nay. Nếu trong phiên kỷ lục trước vào sáng ngày 13/4 là nhờ vào sự đóng góp lớn của cổ phiếu VIC sau thông tin Tập đoàn Vingroup đang xem xét đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Mỹ đối với công ty sản xuất ô tô ViFast, dự kiến huy động khoảng 2 tỷ USD, thì trong phiên sáng nay, thanh khoản tăng mạnh chủ yếu tập trung vào cổ phiếu HPG và dòng bank.

Trong đó, cổ phiếu HPG vẫn là tâm điểm giao dịch của thị trường trong thời gian còn lại khi lực cầu không ngừng tăng lên. Tạm dừng phiên giao dịch sáng nay, HPG đứng tại mức giá trần 52.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh xấp xỉ đạt 57,56 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,49 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, trái với giao dịch mua vào của nhà đầu tư trong nước, khối ngoại vẫn duy trì trạng thái xả bán ồ ạt cổ phiếu HPG. Nếu trong tuần trước đó, khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu HPG với hơn 16 triệu đơn vị thì chỉ trong phiên sáng nay, khối này đã bán ròng tới gần 12,5 triệu cổ phiếu này.

Bên cạnh HPG, các cổ phiếu khác thuộc ngành thép cũng có được sắc xanh như HSG tăng 4,1% lên 42.950 đồng/CP, NKG tăng 3,5% lên 32.800 đồng/CP, TLH tăng 2,3% lên 17.700 đồng/CP, các mã POM, SMC, TVN tăng nhẹ.

Đáng chú ý, sau thời gian ngắn đầu phiên nhiều mã rung lắc, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đã khởi sắc trở lại, đặc biệt là các mã ở top sau. Điển hình vẫn là cặp đôi STB và LPB, trong đó STB tăng 3,9% lên mức 33.100 đồng/CP với khối lượng khớp 34,45 triệu đơn vị, còn LPB có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp và chốt phiên tại mức giá 29.950 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh 23,64 triệu đơn vị và dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị.

Các mã khác trong ngành như CTG, BID, ACB, MSB, HDB, TCB, TPB, VIB, SSB… đều đứng trên mốc tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn giữ phong độ với hàng loạt mã như CTS, VDS, APG, AGR đều tăng trần; SSI, VCI, FTS và VIX đều tăng hơn 5%; HCM tăng 4,1% lên 39.000 đồng/CP…

Trên sàn HNX, sau nhịp điều chỉnh giữa phiên, thị trường đã đảo chiều hồi phục tích cực nhờ sự hỗ trợ của một số cổ phiếu lớn cùng nhóm cổ phiếu chứng khoán.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 61 mã tăng và 119 mã giảm, HNX-Index tăng 2,42 điểm (+0,78%), lên 312,87 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 108,31 triệu đơn vị, giá trị 2.534,63 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm chứng khoán trên sàn HNX cũng đua nhau tăng mạnh với VIG, BSI, APS, BVS, EVS, IVS, PSI đều tăng trần, SHS và ART cũng tăng hơn 6%, MBS tăng 9,3% lên sát mức giá trần 27.000 đồng/CP, VND tăng 7,2% lên 49.300 đồng/CP, TVB tăng 8,2% lên 15.900 đồng/CP.

Trong khi đó, bộ 3 cổ phiếu ngân hàng không mấy tích cực khi SHB và NVB rung lắc và tạm dừng ở mốc tham chiếu; BAB rung lắc và may mắn giữ được sắc xanh, xác lập phiên tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng 2,1%, chốt phiên ở mức giá 29.700 đồng/CP. Trong đó, cổ phiếu SHB vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX, với gần 21 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Ngoài ra, một số mã lớn cũng góp phần hỗ trợ cho đà tăng của thị trường như PVS tăng 3,4% lên 24.300 đồng/CP, IDC tăng 2,4% lên 38.300 đồng/CP, PVI tăng 2,1% lên 34.000 đồng/CP, THD tăng nhẹ…

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà tăng khá tốt trong suốt cả phiên sáng.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 1,97 điểm (+2,29%), lên 88,08 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 64,28 triệu đơn vị, giá trị 1.103,92 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 15,34 triệu đơn vị, giá trị 162,53 tỷ đồng, trong đó riêng TLP thỏa thuận 11,67 triệu đơn vị, giá trị 103,82 tỷ đồng.

Các cổ phiếu chứng khoán trên UPCoM đua nhau tăng trần với sự góp mặt của SBS, AAS, TCI, HAC, BMS.

Bên cạnh đó, các mã ngân hàng cũng chưa có dấu hiệu giảm nhiệt với BVB tăng 10,3% lên mức 24.700 đồng/CP, ABB tăng 8,6% lên 24.100 đồng/CP, NAB tăng 10,3% lên 24.600 đồng/CP; SGB, VBB và PGB đều tăng kịch trần khi chốt phiên.

Không chỉ tăng mạnh về giá, dòng tiền trên UPCoM cũng chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu dầu khí, ngân hàng và chứng khoán. Trong đó, BSR tăng 5,8% lên mức 16.500 đồng/CP và vẫn giao dịch tốt nhất với hơn 20,83 triệu đơn vị được khớp lệnh; tiếp theo là BVB khớp 6,85 triệu đơn vị, ABB khớp 6,77 triệu đơn vị, SBS khớp 4,8 triệu đơn vị, AAS khớp hơn 4 triệu đơn vị…

Tin bài liên quan