Giao dịch chứng khoán sáng 31/10: Thị trường giật lùi, cổ phiếu thép bị bán tháo

Giao dịch chứng khoán sáng 31/10: Thị trường giật lùi, cổ phiếu thép bị bán tháo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng mạnh về cuối phiên khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và các chỉ số tiếp tục lùi sâu. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu thép chịu áp lực bán tháo ồ ạt đã đua nhau nằm sàn.

Thị trường đã hồi phục nhẹ sau tuần lao dốc mạnh giữa tháng 10, nhưng nhịp điều chỉnh nhẹ ngày cuối tuần 28/10 khiến chỉ số VN-Index lỗi hẹn mốc 1.030 điểm, đặc biệt là trạng thái thị trường chưa ổn định với những phiên tăng giảm đan xen trong biên độ khá rộng, cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn chủ yếu là canh nhịp hồi để thoát hàng.

Bên cạnh đó, với sự suy yếu của thị trường trong phiên 28/10, thì giá vẫn đang tạo đáy sau thấp hơn và đỉnh sau thấp hơn. Do đó, vẫn cần quan sát thêm trong tuần tiếp theo để xác nhận khả năng thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh về những ngưỡng thấp hơn.

Về kỹ thuật, mặc dù VN-Index kết thúc tuần trên mốc 1.000 điểm, nhưng chỉ số này đã thất bại trước ngưỡng MA20 (1.040 điểm). Đây sẽ là ngưỡng kháng cự ngắn hạn trong các phiên giao dịch tới.

Quay lại phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 31/10, thị trường diễn biến phân hóa và mở cửa trong sắc xanh nhạt với thanh khoản vẫn duy trì ở mức khá thấp.

Sau khoảng 1 giờ giao dịch biến động rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu, áp lực bán có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechip, khiến VN-Index nới rộng biên độ giảm.

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán dù không tăng tốc mạnh nhưng đang là các nhóm hỗ trợ tốt, giúp thị trường hãm đà giảm mạnh.

Trái lại, nhóm cổ phiếu thép đang là tâm điểm xả bán của thị trường sau những báo cáo kết quả kinh doanh đáng thất vọng. Trong đó, cổ phiếu HPG tiếp tục chịu thêm sức ép từ cung ngoại mạnh mẽ khi bị bán ròng tới gần 7 triệu đơn vị chỉ sau hơn 1 giờ giao dịch. Hiện cổ phiếu HPG đang giảm hơn 6% về gần mức giá sàn với khối lượng giao dịch vượt trội, lên tới 25,6 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, HSG và NKG có thời điểm nằm sàn và hiện cũng đang giảm tới hơn 6%, thanh khoản cũng khá tốt trên thị trường, chỉ đứng sau HPG.

Áp lực bán từ nhóm cổ phiếu bluechip đã lan rộng hơn trên thị trường khiến sắc đỏ bao trùm trên diện rộng bảng điện tử, đặc biệt nhiều mã lớn bé đua nhau nằm sàn, đã đẩy VN-Index về mức giá thấp nhất trong phiên và chứng kiến thêm một phiên giảm khá mạnh.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 74 mã tăng và 360 mã giảm (24 mã giảm sàn), VN-Index giảm 13 điểm (-1,27%) xuống 1.014,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 308 triệu đơn vị, giá trị 5.002 tỷ đồng, giảm 1,63% về khối lượng và 6,02% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 28/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 47,28 triệu đơn vị, giá trị 747,13 tỷ đồng.

Toàn bộ các nhóm ngành đều mất điểm về cuối phiên, trong đó nhóm thép vẫn là tiêu cực nhất với bộ 3 gồm HPG, HSG, NKG đều trong trạng thái dư bán sàn chất đống.

Đặc biệt, cổ phiếu HPG dù có thanh khoản vượt trội trên thị trường, lên tới 41,3 triệu đơn vị khớp lệnh nhưng khối lượng dư bán sàn lên tới hơn 16,35 triệu đơn vị và mã này đang bị khối ngoại bán ròng tới hơn 11 triệu đơn vị.

Cặp HSG và NKG cũng đều đang dư bán sàn hơn 1 triệu đơn vị, trong đó HSG thanh khoản chỉ thua HPG với gần 12,96 triệu đơn vị khớp lệnh, còn NKG khớp 6,75 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng xuất hiện nhiều sắc xanh mắt mèo. Trong đó, NVL nằm sàn khá lớn và chốt phiên vẫn đứng tại mức giá 67.500 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh gần 0,73 triệu đơn vị và dư bán sàn gần nửa triệu đơn vị. Ngoài ra, một số mã đáng chú ý khác như DIG, KBC, TDC cũng ghi nhận thêm phiên giảm sàn, với DIG khớp 8,35 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 2,21 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu cùng nhịp đập thị trường là chứng khoán cũng gia tăng sức ép khi hầu hết đều tìm về vùng giá thấp nhất, trong đó VND chốt phiên giảm 3,8%, SSI giảm 1,3%, VIX giảm 1,1%, VCI giảm gần 1%...

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, “anh cả” VCB ngược dòng tích cực khi tăng 2,37%, cùng đà tăng nhẹ của BID và SHB; trong khi CTG, MBB, VPB, TCB, HDB, ACB, SSB… đều mất điểm, đáng kể là EIB tiếp tục có thêm phiên giảm sâu -5,5%.

Nếu xét về nhóm cổ phiếu vốn hóa, ngoài NVL và HPG giảm sàn, một số mã lớn cũng gia tăng sức ép trên thị trường về cuối phiên như MWG giảm 5,5%, PLX giảm 3,1%, BVH giảm 2,3%, VIC giảm 2,2%...

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng và lan rộng trên thị trường trong nửa cuối phiên, cũng đẩy HNX-Index giảm sâu về mức giá thấp nhất phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 35 mã tăng và 111 mã giảm, HNX-Index giảm 3,07 điểm (-1,44%) xuống 210,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,87 triệu đơn vị, giá trị 315,86 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,81 triệu đơn vị, giá trị 59,62 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 chỉ còn 2 mã là LHC và IDC tăng nhẹ trên dưới 1%, cùng NVB và TAR đứng giá tham chiếu, còn lại đều mất điểm với đà giảm khá lớn, chủ yếu hơn 3%.

Trong đó, TVC là mã duy nhất nằm sàn, cặp đôi họ Licogi là L18 và L14 tiếp tục giảm hơn 9% về sát sàn, PVC giảm 6,5%, PVS giảm 5%...

Một số mã đáng chú ý với thanh khoản cao đều mất giá, như SHS giảm 3,9% xuống mức thấp nhất phiên 7.400 đồng/CP và khớp 3,74 triệu đơn vị; PVS giảm 5% xuống 21.000 đồng/CP và khớp 3,34 triệu đơn vị; CEO giảm 3,9% xuống 12.200 đồng/CP và khớp lệnh 2,65 triệu đơn vị.

Ngoài SHS, các mã khác trong nhóm chứng khoán cũng lùi sâu như APS giảm 4,1%, MBS giảm 1,6%, BVS giảm 1,8%, VIG giảm 2,3%...

Trên UPCoM, thị trường cũng đảo chiều giảm điểm trong nửa cuối phiên.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,56 điểm (-0,74%), xuống 75,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 8,1 triệu đơn vị, giá trị 119,21 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Cổ phiếu BSR cũng trong xu hướng chung của thị trường và nhóm ngành dầu khí khi chốt phiên giảm 4,4% xuống mức 17.400 đồng/CP, với giao dịch dẫn đầu thị trường đạt 2,14 triệu đơn vị, đây cũng là mã duy nhất có thanh khoản với đơn vị triệu.

Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là VHG, OIL và ABB chỉ khớp hơn nửa triệu đơn vị, chốt phiên VHG giảm 9,1%, OIL giảm 7,9%, ABB giảm 1,2%.

Tin bài liên quan