Giao dịch chứng khoán sáng 3/11: Nỗi lo T+

Giao dịch chứng khoán sáng 3/11: Nỗi lo T+

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tâm lý lo ngại hàng bắt đáy phiên 1/11 về tài khoản trong chiều nay khiến giao dịch mua bán thận trọng hơn và chỉ số VN-Index biến động trong biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu.

Sau diễn biến tháng 10 tiêu cực đã lấy đi gần 11% của VN-Index khiến mức định giá P/E của chỉ số này rơi xuống còn xấp xỉ 11,5 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm, đồng thời gần như lấy đi toàn bộ thành quả nỗ lực trong 9 tháng đầu năm, thị trường đã có những phiên hồi phục khá tích cực đầu tháng 11.

Đặc biệt, trong phiên giao dịch hôm qua ngày 2/11, chỉ số VN-Index đã bốc đầu tăng vọt hơn 35 điểm, chỉ thua khoảng 1 điểm so với phiên tăng kỷ lục nhất trong năm, được xác lập vào ngày 3/1. Như vậy, chỉ tính trong 2 phiên đầu tháng 11, chỉ số này đã ghi nhận mức tăng gần 50 điểm, tương ứng tăng hơn 4,5%.

Tuy nhiên, niềm tin khá mong manh khi dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài, thanh khoản của các phiên giao dịch trên đều chưa đạt tới 15.000 tỷ đồng.

Với diễn biến hiện tại, mức kháng cự gần nhất mà VN-Index phải đối mặt là vùng 1.080-1.100 điểm và xác suất lực bán bất ngờ quay trở lại quanh vùng điểm số nêu trên cũng như trong một vài phiên tới, khi cổ phiếu bắt đáy về tài khoản của nhà đầu tư là cần được tính đến.

Quay lại diễn biến thị trường phiên giao dịch sáng 3/11, tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn khi hàng T+ giá rẻ chiều nay sẽ về tài khoản. Chỉ số VN-Index mở cửa nỗ lực giữ giá xanh nhưng đã nhanh chóng đảo chiều và rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu.

Sau khoảng 90 phút giao dịch, tâm lý bên mua và bên bán khá giằng co khiến thị trường rơi vào trạng thái phân hóa với số mã tăng giảm khá cân bằng và chỉ số VN-Index vẫn giao dịch lình xình.

Trong đó, điểm sáng đi đầu thị trường trong 2 phiên trước đó là chứng khoán đã chững lại do áp lực bán chốt lời gia tăng và hiện đã quay đầu điều chỉnh nhẹ do sự đảo chiều giảm của các mã SSI, SHS, HCM, FTS…

Trái lại, nhóm cổ phiếu tiêu cực trong thời gian gần đây do gánh nặng từ các mã lớn đầu ngành là bất động sản vẫn giữ được đà tăng nhẹ, với các điểm sáng như NVL, CII, CTD, VPH tăng trên 3%, VCG, VRE… vẫn khởi sắc.

Mặc dù áp lực bán lan rộng hơn trên thị trường nhưng sự hỗ trợ tích cực của một số mã lớn đã giúp VN-Index tạm khép lại phiên sáng chỉ giảm nhẹ.

Chốt phiên, sàn HOSE có 326 mã giảm, gấp đôi số mã tăng (157 mã), VN-Index giảm 1,47 điểm (-0,14%) xuống 1.074 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 326,72 triệu đơn vị, giá trị 6.296,17 tỷ đồng, giảm 9,24% về khối lượng và 5,22% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 14,5 triệu đơn vị, giá trị 172,15 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, một số mã lớn duy trì đà khởi sắc đã trở thành động lực chính giúp thị trường trở nên cân bằng hơn. Trong đó, MWG tăng 3,5%, SAB tăng 3,1%, VIC, VRE, TCB, VHM tăng quanh 1%, với SAB và VIC có đóng góp lớn nhất đều đạt hơn 0,5 điểm cho chỉ số chung.

Xét về nhóm ngành, chỉ còn vài nhóm thoát khỏi sự điều chỉnh nhưng đà tăng hạn chế. Trong đó, bán lẻ vẫn là nhóm đi đầu nhờ sự dẫn dắt của cổ phiếu MWG.

Các nhóm khởi sắc còn lại chỉ tăng nhẹ chưa tới 0,5%, trong đó có sự góp mặt của nhóm bất động sản với sự gánh vác khá tốt của các mã lớn. Điểm sáng ngành là CTD vẫn giữ mức tăng tốt 5,6%, các mã NVL, CII và VCG cùng tăng trên dưới 3%, trong đó NVL có thanh khoản tốt nhất ngành, đạt hơn 20,4 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán hầu hết đều quay đầu do áp lực bán chốt lời gia tăng sau 2 phiên bốc đầu. Cụ thể, VIX giảm 1,1%, SSI giảm 1,4%, VND giảm 0,8%... Ngoại trừ VCI và TVS ngược dòng thành công nhưng chỉ tăng trên dưới 0,5%.

Nhóm trụ cột ngân hàng phân hóa và điều chỉnh nhẹ, trong đó BID, TCB, VIB, TPB, HDB… tăng nhẹ, ngược lại VCB, CTG, MBB, ACB, STB, SHB… điều chỉnh giảm.

Trên sàn HNX, thị trường cũng giật lùi về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 65 mã tăng và 93 mã giảm, HNX-Index giảm 0,94 điểm (-0,43%) xuống 217,03 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 46,71 triệu đơn vị, giá trị 823,85 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,19 triệu đơn vị, giá trị 37,83 tỷ đồng.

Cổ phiếu chứng khoán SHS sau 2 phiên liên tiếp tăng mạnh đã gặp áp lực chốt lời và tạm dừng phiên sáng nay giảm 1,9% xuống mức 15.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vẫn dẫn đầu thị trường, đạt gần 14,2 triệu đơn vị. Đồng thời, nhà đầu tư ngoại cũng quay ra bán ròng sau 2 phiên gom mạnh với giá trị mua ròng lên tới gần 310 tỷ đồng.

Ngoài ra, các mã khác trong cùng nhóm như MBS cũng đảo chiều giảm 1,6%, APS và VIG cùng giảm 1,5%, PSI giảm 2,4%...

Bên cạnh đó, cổ phiếu bất động sản CEO và IDC cũng đảo chiều giảm trên dưới 1,5%, trong đó CEO thanh khoản chỉ thua SHS với gần 5,5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ngoài ra nhiều mã khác trong rổ HNX30 cũng mất điểm như PVS giảm 1,7%, IDJ giảm 3,3%, TNG giảm 2,1%...

Trên UPCoM, sau nửa đầu phiên nỗ lực giữ giá, áp lực bán gia tăng cũng khiến thị trường đảo chiều giảm.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,25 điểm (-0,3%) xuống 83,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,51 triệu đơn vị, giá trị 241,45 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 16,93 tỷ đồng.

Hai mã có thanh khoản tốt nhất thị trường là BSR khớp 2,98 triệu đơn vị, chốt phiên tăng nhẹ 0,5% lên 18.600 đồng/CP và C4G đạt khối lượng giao dịch hơn 1 triệu đơn vị, chốt phiên tăng 1,9% lên mức giá cao nhất ngày 10.700 đồng/CP.

Tin bài liên quan