Sau phiên giao dịch bùng nổ ngày 25/5, thị trường tiếp tục theo hướng tích cực và có tuần khởi sắc thứ 2 liên tiếp sau chuỗi 6 tuần liên tiếp giảm điểm. Tuy nhiên, thị trường chưa thể “bình phục” khi dòng tiền vẫn duy trì trạng thái khá yếu, thanh khoản trên sàn HOSE trong các phiên giao dịch chỉ loanh quanh mức 15.000 tỷ đồng.
Với việc VN-Index tiệm cận ngưỡng cản tâm lý 1.300 điểm và sau 2 tuần tăng điểm liên tiếp rất có thể thị trường sẽ đối diện với khả năng điều chỉnh, tuy nhiên, nhịp điều chỉnh (nếu có) không hẳn mang tính chất tiêu cực mà nó sẽ tạo cơ hội để thị trường tích lũy lại trước khi có những động thái tích cực hơn.
Quay trở lại phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 30/5, thị trường duy trì đà tăng điểm nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu bluechip. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng khiến thị trường khó tiến xa và chỉ số VN-Index nhanh chóng trở lại trạng thái rung lắc, biến động nhẹ quanh vùng giá tham chiếu.
Bên cạnh diễn biến VN-Index rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu, thanh khoản thị trường đang có những tín hiệu tích cực hơn. Sau khoảng 90 phút giao dịch, sàn HOSE có mức thanh khoản hơn 7.500 tỷ đồng.
Các nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, thép đang "lưỡng lự" sau nhịp tăng ngắn cuối tuần trước với mức biến động tăng giảm nhẹ. Trong đó, cổ phiếu STB đang dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 9,2 triệu đơn vị khớp lệnh và hiện tăng trên dưới 2%.
Nhóm cổ phiếu dầu khí có phần tích cực hơn với diễn biến giá dầu thô liên tục tăng cao, trong đó PVD tăng 3,4%, BSR tăng 4,2%, OIL tăng 2,8%. Tương tự là nhóm cổ phiếu các công ty chứng khoán với VND, SSI, HCM đều có giá xanh với thanh khoản khá tốt...
Thị trường duy trì trạng thái rung lắc nhẹ trong suốt cả phiên sáng nhưng với lực cầu khá tốt, VN-Index đã tạm dừng phiên sáng nay trong sắc xanh.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 255 mã tăng và 176 mã giảm, VN-Index tăng 3,48 điểm (+0,27%), lên 1.288,93 điểm. Thanh khoản đi ngang với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 328 triệu đơn vị, giá trị 8.141,63 tỷ đồng, tăng 4,27% về lượng và tăng 22,21% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần ngày 27/5.
Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 68 triệu đơn vị, giá trị gần 3.003 tỷ đồng. Đáng chú ý, chứng chỉ quỹ FUEVFVND thỏa thuận 35,5 triệu đơn vị, giá trị gần 1.012 tỷ đồng; FPT thỏa thuận hơn 7,72 triệu đơn vị, giá trị 923,6 tỷ đồng.
Nhóm VN30 có 20 mã tăng nhưng chủ yếu biên độ tăng khá hẹp, ngoại trừ VJC tăng 3,5%, STB tăng 2,7%, PLX tăng 2,1%, các mã POW, BVH, TPB, SSI tăng hơn 1%.
Trái lại, cổ phiếu PNJ giảm sâu nhất khi để mất 1,8%; tiếp đó là FPT và MWG cùng giảm 1,6%; các mã NVL, VNM, KDH, MSN, PDR, ACB và SAB giảm trên dưới 1%.
Trong đó, cặp STB và SSI dẫn đầu thanh khoản thị trường với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 11,27 triệu đơn vị và hơn 10 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HQC là điểm sáng khi tăng tốc về cuối phiên, chốt phiên sáng nay tăng 5,28% lên mức giá cao nhất trong ngày 5.980 đồng/CP, thanh khoản cũng sôi động, gần bằng cả phiên giao dịch trong những ngày gần đây, với hơn 9,26 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trong khi đó, cặp FLC và ROS vẫn giao dịch trong sắc đỏ với cùng mức giảm 2,7% và khớp lệnh trên dưới 5 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, dòng bank có phần tích cực hơn về cuối phiên với sắc xanh chiếm áp đảo, nhưng biên độ tăng khá hẹp. Ngoại trừ ACB, SSB, EIB, OCB giảm nhẹ trên dưới 1%, còn lại các mã đều khởi sắc. Trong đó, STB tăng tốt nhất, tiếp đó là TPB tăng hơn 1%; còn lại VCB, BID, CTG, TCB, VPB, MBB, VIB, HDB, SHB đều tăng nhẹ trên dưới 0,5%.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng tìm lại sắc xanh. Bên cạnh cổ phiếu đầu ngành SSI giao dịch tích cực, VND tăng 2,9% lên mức 25.150 đồng/CP và khớp gần 6,1 triệu đơn vị, VIX tăng 1,5% lên 13.250 đồng/CP và khớp 4,77 triệu đơn vị, HCM tăng 1,7%...
Nhóm cổ phiếu thép phân hóa nhẹ. Đáng kể, cổ phiếu bùng nổ phiên cuối tuần trước là HSG giảm nhiệt khi chỉ còn tăng 0,4% lên mức 23.300 đồng/CP, cùng thanh khoản sụt giảm, đạt hơn 4 triệu đơn vị khớp lệnh. Trong khi đó, HPG, DTL nhích nhẹ, còn NKG, TLH điều chỉnh giảm.
Nhóm dầu khí vẫn là điểm sáng thị trường với PVB tăng kịch trần, PVD tăng 4,3%, PVS tăng 6,4%, PLX tăng 2,1%, BSR tăng 4,6%, OIL tăng 3,5%...
Trên sàn HNX, sau thời gian ngắn đầu phiên rung lắc nhẹ, thị trường đã bật tăng trở lại nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip.
Chốt phiên, sàn HNX có 92 mã tăng và 75 mã giảm, HNX-Index tăng 2,34 điểm (+0,75%), lên 313,51 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 43,86 triệu đơn vị, giá trị 1.037,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,4 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 23,12 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, cổ phiếu họ P là điểm tích cực với PVC tăng 9,3% lên sát mức giá trần 24.700 đồng/CP cùng thanh khoản đạt 2,98 triệu đơn vị; PVS tăng 6,4% lên mức 30.000 đồng/CP và khớp 11,36 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường…
Bên cạnh đó, một số mã vốn hóa lớn khác khởi sắc cũng đã hỗ trợ tốt cho đà tăng của thị trường như LHC tăng 3%, HUT tăng 2,8%, NVB tăng 2,4%, IDC tăng 2,3%, SHS tăng 2,2%, các mã CEO, TNG tăng hơn 1,3%...
Ở chiều ngược lại, nhóm HNX30 chỉ còn 6 mã giao dịch trong sắc đỏ, trong đó THD giảm sâu nhất khi để mất 3,8% xuống mức 51.000 đồng/CP; còn NTP, TAR, DDG, DTD, VCS giảm nhẹ trên dưới 1%.
Về thanh khoản, bên cạnh PVS, các mã giao dịch sôi động khác như SHS khớp hơn 4,3 triệu đơn vị, PVC khớp 2,98 triệu đơn vị, CEO khớp 1,95 triệu đơn vị…
Trên UPCoM, thị trường rung lắc và tạm chốt phiên sáng dưới mốc tham chiếu.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,13%) xuống 95,12 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 23,79 triệu đơn vị, giá trị 450,62 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,96 triệu đơn vị, giá trị 85,93 tỷ đồng.
Cặp đôi dầu khí BSR và OIL là tâm điểm đáng chú ý trên UPCoM. Cụ thể, BSR chốt phiên tăng 4,6% lên mức 25.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 7,26 triệu đơn vị, trong khi OIL tăng 3,5% lên 14.900 đồng/CP và khớp gần 1,2 triệu đơn vị, đứng thứ 3 về thanh khoản trên thị trường.
Một số mã đáng chú ý khác có thanh khoản sôi động như C4G chốt phiên giảm nhẹ 0,7% xuống mức 14.700 đồng/CP và khớp hơn 1,7 triệu đơn vị, trong khi VHG tăng nhẹ 1,9% lên 5.300 đồng/CP và khớp hơn 1 triệu đơn vị.