Thị trường đã có tuần tăng điểm thứ 7 liên tiếp nhưng dấu hiệu điều chỉnh đang khá rõ nét ở phiên giao dịch cuối tuần ngày 26/8 khi chỉ số VN-Index đóng cửa với mẫu nến Engulfing, cùng thanh khoản suy yếu trong những tuần gần đây. Điều này cho thấy tín hiệu phân kỳ âm với khối lượng, đà tăng chững lại rõ rệt đẩy động lực điều chỉnh sang phiên giao dịch kế tiếp.
Diễn biến này cộng với việc Fed bày tỏ quan điểm "diều hâu" cuối tuần trước, chưa kể kỳ nghỉ lễ dài sắp đến khiến phiên sáng nay thị trường chịu tác động khá tiêu cực ngay từ đầu phiên, bất chấp các thông tin tốt về việc rút ngắn thời gian T+, chuẩn bị áp dụng trở lai việc giao dịch cổ phiếu lô lẻ....
Cụ thể, trong phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 29/8, thị trường chìm trong sắc đỏ và các chỉ số chung đồng loạt lao dốc mạnh ngay khi mở cửa trước những ảnh hưởng từ các thông tin khá tiêu cực thị trường quốc tế.
Vào cuối tuần trước, Dow Jones lao dốc 1.008 điểm (tương đương hơn 3%), phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 5/2022. S&P 500 sụt 3,4% và Nasdaq Composite rớt 3,9%.
Tại thị trường chứng khoán trong nước, hầu hết các nhóm ngành đều mất điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu cùng pha thị trường là nhóm chứng khoán đang giảm khá mạnh như CTS, VIX, VDS, ORS đều giảm hơn 5%; các mã BSI, AGR, HCM giảm hơn 4%; SSI và VND giảm hơn 3%...
Sau khoảng 90 phút giao dịch, chỉ số VN-Index bốc hơi hơn 30 và đang đe dọa mốc 1.260 điểm khi lực bán mạnh không ngừng gia tăng. Trên sàn HOSE lúc này, số mã giảm gấp tới hơn 10 lần số mã tăng, với khoảng chỉ 30 mã giữ được sắc xanh.
Tuy nhiên, vẫn có những nhóm ngành đi ngược xu hướng chung, đó là nhóm phân bón. Cụ thể như BFC tăng 3,3%, DPM và DCM tăng 2,5%, LAS cũng tăng hơn 2,8%.
Bên cạnh đó, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu KPF tiếp tục phi nước đại, ghi nhận phiên tăng thứ 13 liên tiếp và có thời điểm chạm trần.
Điều tích cực diễn ra trong phiên sáng nay đó là áp lực bán chưa quá mạnh và lực cầu giá thấp có sẵn khiến tình trạng bán tháo chưa xảy ra. Diễn biến này cho phép kỳ vọng khi tác động tâm lý nhà đầu tư trở lên cân bằng hơn, thị trường sẽ có nhịp tăng điểm trở lại, lấp khoảng trống gap tạo ra từ đầu phiên trên đồ thị chỉ số.
Áp lực bán tiếp tục dâng cao và diễn ra trên diện rộng khiến các mã lớn bé đồng loạt giảm sâu hơn, chỉ số VN-Index cắm đầu đi xuống, thậm chí có thời điểm thủng mốc 1.250 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE chỉ còn 31 mã tăng và có tới 430 mã giảm (8 mã giảm sàn), VN-Index giảm 30,3 điểm (-2,36%) xuống 1.252,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 375,67 triệu đơn vị, giá trị 9.298,62 tỷ đồng, tăng 35,66% về khối lượng và 29,15% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 26/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,89 triệu đơn vị, giá trị 568 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chỉ còn duy nhất MSN giữ được mốc tham chiếu, còn lại đồng loạt giảm điểm. Trong đó, đại diện nhóm cổ phiếu chứng khoán là SSI giảm sâu nhất khi để mất 4,6%, chốt phiên đứng tại mức 23.650 đồng/CP và thanh khoản vẫn thuộc top 3 của thị trường khi có 19,69 triệu đơn vị khớp lệnh.
Ngoài ra, một số mã lớn khác như PLX, HPG, VIC, GVR, VHM, FPT, TCB, BID có mức giảm trên 2%.
Xét về nhóm ngành, dòng chứng khoán vẫn tiêu cực và là nhóm cổ phiếu giảm sâu nhất thị trường. Bên cạnh SSI, các mã khác trong nhóm cũng giật lùi như VND giảm 5,6% xuống mức 21.150 đồng/CP, VDS giảm sàn, BSI giảm 6,5%, AGR và APG cùng giảm 6,4%, VIX và TVB giảm 6%, CTS giảm 5,9%, HCM giảm 5,6%, ORS giảm 5,4%, FTS giảm 5,3%, VCI giảm 4,3%...
Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng cũng đồng loạt mất điểm với đà giảm chủ yếu trên 1-2%, ngoại trừ HDB, TPB, STB, SHB giảm hơn 3%.
Nhóm cổ phiếu thép cũng tìm về vùng giá thấp trong phiên với HPG giảm 3,2% xuống mức 22.750 đồng/CP và khớp 10,9 triệu đơn vị, cặp HSG và NKG cùng giảm hơn 4% với khối lượng khớp lệnh đều đạt hơn 8 triệu đơn vị, các mã khác cũng có mức giảm trên dưới 3%.
Nhóm cổ phiếu bất động sản không khả quan hơn khi màu đỏ vẫn là chủ đạo. Trong đó, ngoài các mã lớn VHM, VIC, NVL giảm trên dưới 2%, các mã đáng chú ý như DXG giảm 6,3%, KBC giảm 6,2%, CII giảm 6%, HQC giảm 4,8%, DIG giảm 4,6%, BCG giảm 5,4%...
Nhóm cổ phiếu phân bón trở nên phân hóa nhẹ, bên cạnh BFC tăng 3,7%, cặp DPM và DCM cùng tăng hơn 1%, các mã khác như LAS, PMB, PSW, TSC, VAF chốt phiên nới rộng đà giảm.
Mặc dù vậy, vẫn có những mã lội ngược dòng khá ngoạn mục, điển hình là KPF vẫn duy trì mức tăng tốt, kéo dài chuỗi ngày vui. Tạm chốt phiên sáng nay, KPF tăng 6% lên mức 22.000 đồng/CP và khớp gần nửa triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, cổ phiếu nhỏ PTL tiếp tục có phiên tăng trần thứ 2 sau thông tin nhiều cá nhân có liên quan đến một ông lớn bất động sản đang là cổ đông lớn. Tạm chốt phiên sáng nay, PTL tăng trần lên mức giá 7.210 đồng/CP và dư mua trần khá lớn, lên tới gần 1,6 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, thị trường cũng lao dốc mạnh và chỉ số HNX-Index bốc hơi hơn 3%.
Chốt phiên, sàn HNX có 35 mã tăng và 161 mã giảm, HNX-Index giảm 9,11 điểm (-3,04%) xuống mức thấp nhất phiên 299,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 51,7 triệu đơn vị, giá trị 991 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,6 triệu đơn vị, giá trị 27,41 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 có cặp đôi họ P là PVS và PVC giữ được sắc xanh, dù biên độ tăng đã thu hẹp. Cụ thể, PVC tăng 2,9% lên 21.600 đồng/CP và khớp 2,8 triệu đơn vị, trong khi PVS tăng nhẹ 0,4% lên 27.100 đồng/CP và khớp hơn 8,27 triệu đơn vị.
Còn lại các cổ phiếu đều giảm điểm, đáng kể là BVS giảm 7,9% xuống mức 22.200 đồng/CP, LHC giảm 7,2% xuống 63.000 đồng/CP, L18 giảm 6,7% xuống 42.000 đồng/CP…
Một số mã đáng chú ý như CEO giảm 6,1% xuống 31.000 đồng/CP, IDC giảm 5,3% xuống 62.300 đồng/CP, HUT giảm 4,5% xuống 27.900 đồng/CP….
Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu chứng khoán cũng dẫn đầu đà giảm. Ngoài BVS, các mã khác như MBS giảm 5,6% xuống 18.700 đồng/CP, SHS giảm 5,2% xuống 12.800 đồng/CP, ART nằm sàn, APS giảm 8,4% xuống 16.400 đồng/CP, TVC giảm 4,2% xuống 9.200 đồng/CP… Trong đó, SHS vẫn dẫn đầu thanh khoản trên HNX với gần 10,8 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên UPCoM, thị trường cũng không nằm ngoài xu hướng chung khi nới rộng đà giảm về cuối phiên.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 1,99 điểm (-2,15%) xuống 90,88 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 31,38 triệu đơn vị, giá trị 544,71 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,34 triệu đơn vị, giá trị 7,83 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn giao dịch sôi động nhất trên UPCoM với 7,75 triệu đơn vị giao dịch thành công và chốt phiên giảm 2,3% xuống 25.000 đồng/CP. Tương tự, OIL cũng giảm 2,3% xuống 13.000 đồng/CP và khớp hơn 0,9 triệu đơn vị.
Một số mã đáng chú ý khác cũng trong xu hướng giảm mạnh như C4G giảm 5,9% xuống 12.800 đồng/CP, PAS giam 4,1% xuống 9.300 đồng/CP, VGI giảm 5,1% xuống 31.600 đồng/CP, LMH giảm 9% xuống 12.200 đồng/CP…