Cú sốc tâm lý bởi tin Covid-19 trong cộng đồng khiến thị trường vốn đang mong manh sau phiên sụp đổ 19/1 đã biến phiên hôm qua thành phiên thảm họa, ngày thứ Năm đen tối, với mức điểm giảm tuyệt đối của VN-Index lập kỷ lục 73 điểm và khoảng 400 mã cổ phiếu giảm giá sàn, trong đó rổ VN30 cũng suýt chút nữa ghi nhận toàn bộ 30 mã giảm sàn lần đầu tiên trong lịch sử.
Margin lại được nhắc tới như một tác nhân phụ đẩy thị trường giảm sâu. Thống kê chính thức được ghi nhận là tiền sử dụng đòn bẩy vẫn an toàn với mức khoảng trên 80.000 tỷ đồng cuối năm 2020. Nhưng đó là tỷ lệ "luật định", các nhà đầu tư quen dùng đòn bẩy luôn có cách hoặc được môi giới chỉ cách sử dụng ở một tỷ lệ cao hơn nhiều 3:7, 4:6 hoặc thậm chí 2:8 (có 2 đồng vốn được vay thêm 8 đồng).
Kể từ phiên 19/1, với liên tiếp các "cú đạp" gây sốc, nhà đầu tư vay nhiều chưa kịp bù thêm tiền mới đã vào ngưỡng thanh lý tài khoản vì giá cổ phiếu vượt ngưỡng mà các công ty chứng khoán chấp thuận. Lệnh force sell được kích hoạt.
Lệnh bán “cưỡng bức” – force sell đã kích hoạt?
Sau khi bài viết trên được đang tải, một số công ty chứng khoán thừa nhận rằng có tình trạng ép bán, nhưng không phải chỉ phiên hôm qua (28/1) mà từ trước đó, tuy nhiên không lớn. Những nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm chỉ chơi margin tỷ lệ cao khi thị trường tăng (uptrend) nên sau khi "có biến" hôm 19/1 đã giảm dần tỷ lệ này nên áp lực xả van trong phiên không đáng kể so với toàn bộ khối lượng giao dịch thị trường phiên hôm qua trên 3 sàn lên tới hơn 20.000 tỷ đồng.
Trở lại phiên sáng nay, sự xung động mạnh tâm lý đã trôi qua khi các con số về Covid không quá sốc như con số 82 ca ngày hôm qua. Hành động quyết liệt của Chính phủ và các địa phương ghi nhận ca nhiễm đã giúp nhà đầu tư bình tâm hơn. Và bỗng dưng thấy thị trường chứng khoán có thật nhiều cơ hội!
Ghi nhận thực tế giao dịch trên thị trường sáng nay, sau những phút thăm dò đầu tiên, dù lực bán rất mạnh nhưng lực mua giá thấp còn mạnh hơn khi VN-Index về sát ngưỡng 1.000 điểm, thị trường đã bùng nổ. Chỉ trong 30 phút giao dịch, chỉ số VN-Index đã lấy lại 43 điểm và trở về vùng kháng cự mạnh 1.040 điểm. Và ngay sau đó, đến 11h sáng, VN-Index đã tăng gần 50 điểm, sắc tím lan tràn.
Trend tăng quý cuối năm đã gẫy vì phiên ngày hôm qua, phiên sáng nay chỉ là lấy lại những gì đã mất, chứ chưa thể khẳng định là một sóng tăng đã ngay lập tức bắt đầu.
Nhận định trên đầy tính kỹ thuật, nhưng chưa hẳn đã đúng với một dòng tiền mạnh mẽ, một nền tảng kinh tế lãi suất thấp và triển vọng vắc xin khống chế dịch bệnh vẫn lớn dần hàng ngày. Thông tin mới nhất là số ca nhiễm mới tại Mỹ có ngày giảm thấp kỷ lục từ đầu dịch nhờ một số biện pháp mới của tân Tổng thống, còn tại Nga đã có 20--25% dân số có khảng thể với virus nhờ chiến dịch tiêm vắc xin,...
Lực cầu lớn được chứng minh trong phiên sáng nay, khi gần hết giờ giao dịch sáng, tổng giá trị khớp lệnh trên HOSE đã lên trên 13.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, cổ phiếu tài chính quay lại dẫn sóng với hầu hết các mã cổ phiếu ngân hàng thăng hoa, khối chứng khoán SSI đã gần về mức giá trần trong phiên,...
Về cuối phiên sáng, thị trường đã bớt ít nhiều sự hưng phấn, VN-Index chỉ còn tăng ở 31,62 điểm. Thị trường có lẽ cần phải test lại các mốc cản trọng yếu, nếu đóng cửa phiên chiều ở trên ngưỡng 1.040 điểm thì có thể sẽ tiếp tục hướng tới ngưỡng 1.100 điểm. Điều đáng mừng lại là câu chuyện đầu tiên - margin, dù chưa có thống kê tổng thể về giải chấp cao thấp là bao nhiêu, nhưng thị trường xanh thì áp lực này sẽ nhỏ đi rất nhiều.
Tạm chốt phiên sáng, sàn HOSE có 341 mã tăng và 114 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 31,64 điểm (+3,09%) lên 1.055,58 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 665 triệu đơn vị, giá trị 14.619 tỷ đồng, đều giảm nhẹ hơn 2% cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 38,65 triệu đơn vị, giá trị 1.443,71 tỷ đồng.
Về cuối phiên sáng, nhiều cổ phiếu trong nhóm VN30 đã không còn giữ được sắc tím do áp lực chốt lời gia tăng nhưng vẫn là các trụ đỡ tốt. Cụ thể, VNM, VCB, VIC đều tăng hơn 6% lên sát mức giá trần, FPT là mã có mức tăng lớn nhất trong nhóm với biên độ 6,8% lên 62.600 đồng/CP.
Ngoài ra, nhiều mã lớn khác như TCB, CTG, BID, GAS, HPG cũng có mức tăng trên 3,5%. Trong đó, HPG giao dịch sôi động với khối lượng khớp lệnh đạt 34,62 triệu đơn vị, chỉ thua FLC.
Trái lại, cổ phiếu EIB vẫn đi ngược xu hướng chung. Nếu trong phiên hôm qua, một mình EIB khởi sắc thì phiên sáng nay, cổ phiếu này giảm 3,3% xuống mức 17.500 đồng/CP, thậm chí có thời điểm về mức giá sàn.
Cổ phiếu ROS tiếp tục trạng thái dư bán sàn chất đống trong khi lực mua vào tiếp tục nhỏ giọt. Tạm chốt phiên sáng nay, ROS chỉ khớp 6,84 triệu đơn vị và dư bán sàn tới 36,37 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, người anh em FLC cũng có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp nhưng thanh khoản có phần tích cực hơn với gần 47,6 triệu đơn vị được khớp lệnh, dẫn đầu thanh khoản thị trường.
Nhiều mã thị trường khác như HQC, DLG, ASM, ITA, HAI, AMD… cũng tạm chốt dưới mốc tham chiếu.
Trên sàn HNX, lực cầu cũng tăng mạnh trong nửa cuối phiên sáng khiến sắc xanh bao phủ và HNX-Index khởi sắc trở lại.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 121 mã tăng và 76 mã giảm, chỉ số HNX-Index tăng 4,95 điểm (+2,44%) lên 208 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 137,69 triệu đơn vị, giá trị 1.502 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 11,62 triệu đơn vị, giá trị 163,71 tỷ đồng.
Trái với sàn HOSE, các mã ngân hàng trên HNX có phần thiếu tích cực khi SHB giằng co và chốt phiên tại mốc tham chiếu, còn NVB giảm 2,2% xuống 13.100 đồng/CP. Trong đó, SHB vẫn giao dịch sôi động nhất, đạt 24,3 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trong khi đó, nhóm dầu khí và chứng khoán tăng khá tốt như PVS tăng 5,2% lên 16.100 đồng/CP, PVB tăng 2,7% lên 15.200 đồng/CP, PVC tăng 6,3% lên 6.800 đồng/CP, SHS tăng 7,4% lên 21.900 đồng/CP, MBS tăng 1,8% lên 16.700 đồng/CP…
Ngoài ra còn có THD tăng 4,1% lên 151.000 đồng/CP, IDC đảo chiều sau 3 phiên lao dốc khi tăng 10% lên mức giá trần 35.200 đồng/CP, NTP tăng 6,8% lên 34.600 đồng/CP, VCS tăng 3,8% lên 73.000 đồng/CP…
Trên UPCoM, cũng giống sàn niêm yết, sau nhịp giảm đầu phiên, thị trường đã hồi phục và duy trì đà tăng tốt.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 2,34 điểm (+3,39%), lên 71,46 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 79,33 triệu đơn vị, giá trị 625 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chỉ đạt 2,63 tỷ đồng.
Cổ phiếu nhỏ PVX chốt phiên ở mức giá sàn 2.300 đồng/CP và là mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM, đạt 14,63 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cổ phiếu lớn dầu khí BSR đã hồi phục và có thời điểm được kéo lên mệnh giá. Chốt phiên, BSR tăng 4,4% lên 9.500 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt hơn 8 triệu đơn vị.
Thêm vào đó, nhiều mã lớn khác cũng giao dịch khởi sắc, hỗ trợ đà tăng cho thị trường như ACV tăng 8,1% lên 71.900 đồng/CP, FOX tăng 8,1% lên 58.800 đồng/CP, MML tăng 8,2% lên 50.000 đồng/CP, VGI tăng 6,9% lên 37.300 đồng/CP, MCH tăng 2,5% lên 91.000 đồng/CP…