Giao dịch chứng khoán sáng 28/9: Nhà đầu tư vẫn ôm tiền đứng nhìn, VN-Index tìm về đáy cũ

Giao dịch chứng khoán sáng 28/9: Nhà đầu tư vẫn ôm tiền đứng nhìn, VN-Index tìm về đáy cũ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sắc đỏ vẫn bao trùm bảng điện tử trong phiên thứ 4 liên tiếp khi nhà đầu tư chọn cách ôm tiền đứng ngoài trong bối cảnh các rủi ro vẫn còn ở phía trước.

Sau khi Fed tăng mạnh lãi suất 0,75% lần thứ 3 liên tiếp và báo hiệu các đợt tăng nữa trong năm nay, duy trì mức lãi suất cao trong cả năm sau trước khi có thể tính tới hạ nhiệt trở lại từ năm 2024, nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới, trong đó có cả Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có quyết định tương tự khi tăng lãi suất mạnh sau đó.

Động thái siết chặt chính sách tiền tệ để chống chọi với lạm phát đang không ngừng tăng cao của các ngân hàng trung ương đã ảnh hưởng tiêu cực tới các thị trường tài chính. Cảnh báo thời kỳ lạm phát kèm suy thoái kinh tế khiến giới đầu tư coi tiền mặt là vua khiến các thị trường từ chứng khoán, tới vàng, tiền điện tử, hay các thị trường hàng hóa khác chứng kiến thanh khoản sụt giảm mạnh, các chỉ số đo sức mạnh thị trường đồng loạt giảm. Trong đó, chứng khoán Mỹ kết thúc phiên hôm qua tiếp tục sụt giảm với chỉ số S&P500 xuống mức thấp nhất gần 2 năm.

Không nằm ngoài tâm lý thận trọng chung của giới đầu tư toàn cầu, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang coi việc nắm giữ tiền mặt là ưu tiên số 1 khiến thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, giao dịch trong hơn 1 tháng qua chỉ ở mức cầm chừng, ảm đạm, ngoại trừ một vài phiên tăng mạnh khi nhà đầu tư thử bắt đáy, nhưng sau đó nhận thấy thị trường không khả quan nên nhanh chóng quay lại thế thủ.

Trong phiên sáng nay, lực cầu yếu trong khi bên có hàng cũng muốn giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục khiến thị trường tiếp tục chìm trong sắc đỏ khi số mã giảm gấp hơn 4 lần số mã tăng, VN-Index đang dò lại đáy cũ ở vùng 1.140 điểm. Hiện chỉ số này đang thử thách vùng 1.150 - 1.155 điểm, có thời điểm mốc 1.150 điểm bị đe dọa bị xuyên thủng, nhưng VN-Index đã trụ lại được trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 14,65 điểm (-1,26%), xuống 1.151,89 điểm với 75 mã tăng, trong khi có tới 348 giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 205,9 triệu đơn vị, giá trị 4.435,6 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,3 triệu đơn vị, giá trị 289,6 tỷ đồng.

Hôm nay, các nhóm đều giao dịch kém tích cực, ngoại trừ nhóm chứng khoán có sắc xanh nhiều hơn sắc đỏ. Nhóm này sáng nay chỉ có 3 mã giảm nhẹ là VIX, BSI và TVB, các mã còn lại đều tăng, dù mức tăng không quá lớn, chủ yếu dưới 1%. Hai mã tăng mạnh nhất là HCM tăng 1,7% lên 26.350 đồng và VND tăng 1,1% lên 17.700 đồng. Trong đó, VND là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 7,22 triệu đơn vị, đứng thứ 2 toàn sàn sau HAG. SSI tăng nhẹ 0,5% lên 19.650 đồng, khớp gần 5 triệu đơn vị, còn HCM khớp hơn 4 triệu đơn vị.

Trong nhóm ngân hàng chỉ có 2 sắc xanh nhạt tại VPB (+0,8%, lên 18.400 đồng và EIB (+0,1% lên 35.550 đồng), trong đó VPB có thanh khoản tốt nhất nhóm với gần 6 triệu đơn vị.

HAG sáng nay có thanh khoản tốt nhất sàn với gần 20,5 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 3,7% xuống 12.950 đồng. “Người anh em” HNG cũng giảm 4% xuống 5.770 đồng, khớp 5,58 triệu đơn vị. Các mã có thanh khoản tốt khác sáng nay đều giảm là VCG giảm 5% xuống 24.500 đồng, khớp hơn 6 triệu đơn vị; HPG giảm 0,9% xuống 22.200 đồng, khớp 4,8 triệu đơn vị; TCH giảm 1,7% xuống 11.900 đồng, khớp 4,34 triệu đơn vị.

Tương tự, chỉ số HNX-Index trên sàn HNX cũng giao dịch trong sắc đỏ suốt phiên sáng nay và chỉ thoát mức thấp nhất phiên trong ít phút cuối.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,97 điểm (-0,77%), xuống 253,55 điểm với 40 mã tăng, trong khi có tới 121 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 22,7 triệu đơn vị, giá trị 404,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Nhóm chứng khoán cũng là điểm sáng hiếm hoi trên sàn này khi SHS là mã dẫn đầu thanh khoản với 4,94 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,9% lên 10.500 đồng. MBS cũng tăng 1,8% lên 17.000 đồng, khớp gần 1 triệu đơn vị. Trong khi đó, PVS, IDC, CEO đều giảm 0,9% và 2,1% về 23.300 đồng, 50.500 đồng và 22.900 đồng. Thanh khoản từ hơn 1 triệu đơn vị đến gần 1,8 triệu đơn vị.

Trong các mã penny, trong khi KLF tăng kịch trần lên 1.600 đồng, thì BII lại giảm 5,7% về 3.300 đồng.

UPCoM cũng không thoát khỏi xu thế chung của thị trường khi tiếp tục giảm điểm với biên độ giảm nới rộng dần về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,62 điểm (-0,72%), xuống 86,09 điểm với 72 mã tăng và 127 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 13,4 triệu đơn vị, giá trị 219,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Sáng nay có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị trên UPCoM, trong đó có 2 mã giảm, trong đó BSR giảm 3,2% xuống 21.000 đồng, thanh khoản 2,55 triệu đơn vị; C4G giảm 4,2% xuống 13.700 đồng, thanh khoản gần 2 triệu đơn vị; chỉ có CEN tăng 4,1% lên 7.700 đồng, thanh khoản 1,12 triệu đơn vị, có lúc thậm chí mã này đã được kéo lên trần 8.500 đồng.

Tin bài liên quan