Giao dịch chứng khoán sáng 27/12: Cổ phiếu LPB nổi sóng

Giao dịch chứng khoán sáng 27/12: Cổ phiếu LPB nổi sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang là động lực chính giúp thị trường tìm lại sắc xanh. Tuy nhiên, hầu hết các mã bank đều chỉ lình xình tăng, ngoại trừ "điểm nóng" tại LPB.

Thị trường đang trải qua quý cuối cùng của năm không mấy thuận lợi. Sau 2 tháng liên tục điều chỉnh, dù thị trường đã hồi phục trong tháng 12, nhưng việc thiếu các nhóm cổ phiếu trụ cột dẫn dắt cũng như dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài quan sát, khiến VN-Index khó có động lực để có những phiên tăng mạnh. Chỉ số VN-Index loay hoay quanh mốc 1.250 điểm và hiện đang gặp khó để tìm về ngưỡng 1.280 điểm.

Trong phiên 27/12, thị trường đã quay đầu điều chỉnh nhẹ sau phiên tăng khá tốt trước đó, diễn biến này hết sức bình thường để kiểm chứng động lực và cân bằng trở lại. Hiện chỉ số đang gặp vùng kháng cự gần nhất là 1.280 điểm và có thể sẽ vẫn chịu áp lực rung lắc điều chỉnh, tích lũy trước khi có thể vượt qua. Đặc biệt là trong bối cảnh thị trường đang bước vào những phiên cuối năm, dòng tiền giao dịch kém sôi động hơn nữa, sẽ khiến thị trường càng khó khăn để có những phiên đột biến.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng cuối tuần ngày 27/12, mặc dù lực cầu vẫn khá yếu nhưng sắc xanh lan rộng bảng điện tử, đặc biệt là dấu hiệu khởi sắc ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, đã giúp VN-Index nhanh chóng hồi phục ngay khi mở cửa phiên giao dịch.

Tuy nhiên, không nằm ngoài nhận định trên, thị trường khó có động lực để tăng tốc. Nhóm cổ phiếu ngân hàng dù được bao phủ bởi sắc xanh nhưng đà tăng khá hạn chế, đã khiến VN-Index chỉ tăng nhẹ.

Sau khoảng 90 phút giao dịch, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có mức tăng mạnh thứ 2 trên toàn thị trường, đạt hơn 0,8%. Đáng chú ý, trong top 10 mã tác động mạnh nhất tới chỉ số chung thì có tới 8 mã bank góp sức.

Trong đó, cổ phiếu LPB là tâm điểm của nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng và toàn thị trường nói chung. Cùng lực cầu hấp thụ mạnh, thị giá cổ phiếu LPB cũng liên tục nới rộng biên độ và hiện đang giao dịch ở mức giá trần 31.000 đồng/CP với thanh khoản tăng đột biến, đạt xấp xỉ 5,5 triệu đơn vị, đứng thứ 2 toàn thị trường.

Hôm nay (ngày 27/12) là ngày giao dịch không hưởng quyền chia cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 16,8%, do đó, LPB đã thực hiện điều chỉnh giá tham chiếu. Đóng cửa hôm qua ngày 26/12, giá cổ phiếu LPB đứng tại mức 33.900 đồng/CP.

Thị trường giao dịch lình xình với diễn biến xanh vỏ đỏ lòng trong nửa còn lại của phiên sáng.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 138 mã tăng và 237 mã giảm, VN-Index tăng 1,25 điểm (+0,1%) lên 1.274,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 287,88 triệu đơn vị, giá trị 6.908,5 tỷ đồng, tăng 6% về khối lượng và 25,4% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 16 triệu đơn vị, giá trị 679,2 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cũng chỉ tăng nhẹ 1 điểm với trạng thái phân hóa khi có 13 mã tăng và 10 mã giảm. Trong đó, sắc xanh chủ yếu tập trung ở các cổ phiếu ngân hàng, với TPB tăng tốt nhất là 1,8%, còn lại chỉ tăng nhẹ trên dưới 0,5%; ngược lại, MWG vẫn là mã giảm sâu nhất khi để mất 1,1%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu YEG vẫn bị bán tháo với khối lượng dư bán sàn đạt gần 8,7 triệu đơn vị và khối lượng khớp lệnh chỉ đạt hơn 0,4 triệu đơn vị, đây là phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp sau chuỗi tăng nóng.

Xét về nhóm ngành, dù hạ độ cao nhưng dòng bank vẫn là lực đỡ chính của thị trường. Trong đó, LPB để mất sắc tím nhưng vẫn tăng khá mạnh 6,6% và thanh khoản đột biến với 5,9 triệu đơn vị, gấp hơn 3,5 lần khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây của mã này.

Cổ phiếu sôi động nhất thị trường là TPB với gần 22 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 1,8%. Ngoài TPB, trong top 10 mã thanh khoản lớn nhất thị trường còn có thêm 6 mã bank khác là TCB, MBB, MSB, VIB, VPB, LPB đạt trên dưới 6-10 triệu đơn vị, và chốt phiên đều khởi sắc.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán giao dịch phân hóa, với SSI, VIX, ORS… đều đứng giá tham chiếu, FTS giảm nhẹ 0,2%.

Trái lại, nhóm bất động sản kém tích cực khi phần lớn đều giao dịch trong sắc đỏ với DXG, HDC, SZC, KBC, DIG, KDH… đều giảm nhẹ.

Nhóm giảm mạnh nhất là công nghệ với FPT giảm 0,6%, VGI giảm 3,4%, CMG giảm gần 2%...

Trên sàn HNX, sau thời gian ngắn đầu phiên tăng nhẹ, áp lực bán gia tăng trên diện rộng đã khiến HNX-Index đảo chiều điều chỉnh.

Chốt phiên, sàn HNX có 49 mã tăng và 92 mã giảm, HNX-Index giảm 0,81 điểm (-0,35%) xuống 229,09 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 20,5 triệu đơn vị, giá trị 341,62 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,74 triệu đơn vị, giá trị 14,2 tỷ đồng.

Toàn thị trường chỉ có 3 mã có thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị, trong đó TNG dẫn đầu chỉ với 1,45 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên giảm nhẹ 0,4%.

Đứng ở vị trí tiếp theo là cặp đôi vừa và nhỏ AAV và VFS khớp trên dưới 1,2 triệu đơn vị, chốt phiên lần lượt tăng 1,4% và 1,3%.

Trong khi đó, SHS chốt phiên đứng giá tham chiếu với thanh khoản chỉ đạt 0,97 triệu đơn vị. Các mã khác trong nhóm HNX30 như DTD, CEO, PVS, TIG… đều giảm nhẹ.

Trên UPCoM, thị trường cũng nhanh chóng quay đầu giảm nhẹ sau nhịp tăng nhẹ đầu phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,11 điểm (-0,11%), xuống 94,31 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 29,92 triệu đơn vị, giá trị 310 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,95 triệu đơn vị, giá trị 18,74 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR đảo chiều giảm 1,8% xuống mức 22.300 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 2,57 triệu đơn vị, trong khi mã sôi động nhất thị trường là HNG với 2,8 triệu đơn vị khớp lệnh, cũng chốt phiên giảm 1,6%.

Trái lại, cổ phiếu nhỏ PVX và KVC cùng khoe sắc tím và khớp lệnh hơn 1-2 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan