Sau phiên hoảng hồn 19/1, nhà đầu tư tiếp tục chứng kiến phiên giao dịch không hề dễ chịu trong phiên 26/1. Điều đáng chú ý là trong cả 2 phiên giảm mạnh này, thanh khoản thị trường tăng cao, trong khi các phiên hồi phục trước đó thanh khoản sụt giảm, cho thấy lực bán đang chiếm ưu thế, tâm lý nhà đầu tư đang lung lay và hướng về xu hướng giảm điểm hơn so với xu hướng tăng.
Điều đáng lo ngại nữa là trên độ thị kỹ thuật, VN-Index hình thành mô hình 2 đỉnh hướng xuống trên nền tảng chỉ số RSI ở vùng quá mua kéo dài, càng cảnh báo rủi ro điều chỉnh sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Những lo ngại này đã được thể hiện rõ ngay khi mở cửa phiên sáng nay. Lực cung vẫn chiếm ưu thế khiến VN-Index giảm gần 14 điểm, xuống dưới ngưỡng 1.122 điểm với sắc đỏ bao trùm, gấp hơn 2 lần số mã tăng.
Tuy nhiên, ở ngưỡng điểm này, lực cầu bắt đáy đã được kích hoạt, giúp nhiều mã hồi phục trở lại, kéo VN-Index trở về sát mốc tham chiếu.
Nhưng bên nắm giữ cổ phiếu vẫn không cảm thấy an tâm, nên khi giá nhiều cổ phiếu được kéo lên đã nhanh chóng thoát hàng, một lần nữa đẩy VN-Index xuống thử thách ngưỡng 1.120 điểm.
Thị trường sau đó như trò chơi tàu lượn với những nhịp kéo lên rồi đạp xuống liên tục. Sau khoảng 1 tiếng rưỡi giao dịch, nhiều người chơi yếu bóng vía như bị vỡ lồng ngực khi con tàu VN-Index rơi tự do hơn 31 điểm, xuống sát ngưỡng 1.100 điểm. Tại ngưỡng này, với tâm lý “liều ăn nhiều”, lực cầu bắt đáy chảy mạnh kéo VN-Index lên thẳng đứng, nhưng cũng chỉ lên được đến qua ngưỡng 1.120 điểm rồi lại bị đẩy xuống.
Lên xuống với tốc độ nhanh và những góc cua gấp khiến diễn biến thị trường phiên giao dịch sáng nay như trò chơi tàu lượn đầy mạo hiểm, không dành cho những nhà đầu tư yếu tim.
Liệu những nhà đầu tư bắt đáy với kỳ vọng “liều ăn nhiều” có được đền đáp, hay bắt phải dao rơi sẽ còn phải đợi phiên chiều và những phiên sắp tới, nhưng diễn biến phiên sáng nay cũng để lại nhiều cám xúc như phiên đứt phanh sáng 19/1.
Sau những cú đảo chiều liên tục, chốt phiên sáng, VN-Index giảm 22,73 điểm (-2%), xuống 1.113,39 điểm với 83 mã tăng, trong khi có tới 378 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 502,3 triệu đơn vị, giá trị 10.625,7 tỷ đồng, giảm 16% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,2 triệu đơn vị, giá trị 489 tỷ đồng.
Trong top 30 mã vốn hóa lớn nhất sàn, chỉ có một vài sắc xanh đơn lẻ tại VIC (+0,49%), NVL (+1,23%), MWG (+1,67%), BCM (+3,63%), VIB (+1,81%), còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, giảm mạnh nhất là GVR khi giảm sàn xuống 28.100 đồng, khớp 5,5 triệu đơn vị. Tiếp đến là MBB giảm 5,66% xuống 24.150 đồng, khớp 13,5 triệu đơn vị. VRE giảm 5,41% xuống 35.000 đồng. EIB giảm 5,32% xuống 17.800 đồng, khớp 1 triệu đơn vị. VPB giảm 4,14% xuống 32.450 đồng, khớp 5 triệu đơn vị.
Các mã giảm trên dưới 3% có VHM, GAS, HPG, TCB, MSN, POW, TPB. Các mã mã giảm trên dưới 2% có VNM, SAB, VJC, PLX, FPT, BVH, HDB.
Trong nhóm này, mã có thanh khoản tốt nhất là STB với hơn 19 triệu đơn vị, tiếp đến là HPG với 16,6 triệu đơn vị…
Trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sau khi chịu áp lực và giảm đầu phiên, cặp đôi ROS và FLC đã nhanh chóng bật trở lại, đóng cửa tăng 4,1% lên 5.080 đồng và 4,5% lên 7.000 đồng, khớp hơn 29 triệu đơn vị và gần 28 triệu đơn vị, đứng đầu thị trường.
Trong khi đó, HQC, ITA, KBC chìm trong sắc đỏ với mức giảm mạnh, lần lượt là 4,2% xuống 2.500 đồng, khớp 15,7 triệu đơn vị; 5,4% xuống 7.070 đồng, khớp 14,3 triệu đơn vị; và 6,5% xuống 39.800 đồng, khớp 12,6 triệu đơn vị, thậm chí có lúc giảm sàn xuống 39.600 đồng và còn dư bán sàn. Đây là phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp của KBC sau chuỗi bứt phá từ cuối năm 2020 từ mức giá trên dưới 15.000 đồng lên thẳng trên 45.000 đồng.
Không may mắn như KBC, DLG giảm sàn xuống 1.810 đồng, khớp 9,5 triệu đơn vị. FIT tiếp tục có phiên bán tháo thứ 4 liên tiếp xuống 16.350 đồng, nhưng điểm tích cực là lực mua đã tốt hơn 4 triệu đơn vị và còn dư bán sàn 6,6 triệu đơn vị…
Chốt phiên, HNX-Index giảm 3,9 điểm (-1,71%), xuống 223,92 điểm với 38 mã tăng, trong khi có tới 145 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 82,2 triệu đơn vị, giá trị 1.095 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,3 triệu đơn vị, giá trị 120 tỷ đồng.
Sau chuỗi tăng không ngừng nghỉ, THD vượt qua SHB trở thành cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HNX và phiên hôm nay tiếp tục tăng 0,63% lên 161.000 đồng, nhưng thanh khoản thấp, chỉ hơn 260.000 đơn vị. Trong khi đó, SHB lại giảm mạnh 3,66% xuống 15.800 đồng, khớp 10,4 triệu đơn vị.
Các mã có vốn hóa lớn kế tiếp cũng giảm mạnh như VCS giảm 4,39% xuống 80.500 đồng, IDC giảm 3,55% xuống 38.000 đồng, khớp 3,6 triệu đơn vị; PVS giảm 2,69% xuống 18.100 đồng, khớp 4,7 triệu đơn vị; DTK giảm 2,38% xuống 12.300 đồng.
Các mã nhỏ hơn như KLF, HUT, ACM cũng đều chìm trong sắc đỏ, chỉ có KVC ngược dòng khi đóng cửa tăng trần lên 2.600 đồng.
Thị trường UPCoM cũng có diễn biến giống 2 sàn niêm yết và đóng cửa giảm 1,2 điểm (-1,57%), xuống 75,22 điểm với 69 mã tăng và 150 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 33,7 triệu đơn vị, giá trị 466 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp chưa tới nửa triệu đơn vị, giá trị hơn 19 tỷ đồng.
BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với hơn 4,2 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 3,6% xuống 10.600 đồng. Tiếp theo là KSH với 3,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng mạnh 9,5% lên 2.300 đồng. SBS khớp hơn 3 triệu đơn vị và đóng cửa ở mức sàn 6.100 đồng, còn dư bán sàn.
Các mã lớn như nhóm Viettel, OIL, MSR, ACV… đều đóng cửa giảm khá mạnh.