Trong phiên hôm qua, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh ngay khi thị trường mở cửa đã giúp VN-Index dễ dàng vượt xa mốc 870 điểm. Trong đó, nhóm penny đua nhau tăng kịch trần.
Càng giao dịch, tâm lý nhà đầu tư càng hưng phấn, giúp thị trường tiếp tục tiến bước, VN-Index tăng vọt hơn 14 điểm và tiến lên gần 880 điểm khi đóng cửa.
Theo nhận định của BVSC thì VN-Index dự báo sẽ tiếp tục tăng điểm và hướng đến thử thách lại vùng kháng cự 880-888 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lưu ý rằng, thị trường vẫn đang nằm trong trạng thái quá mua nên các phiên điều chỉnh, rung lắc mạnh có thể xuất hiện đan xen trong quá trình đi lên.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay 2/6, áp lực rung lắc đã xảy ra, khi VN-Index đã có nhịp võng xuống dưới tham chiếu sau khoảng 30 phút giao dịch, sau khi khởi động tại sắc xanh thời điểm mở cửa.
Sự phân hóa dần của nhóm cổ phiếu lớn, bluechip đã khiến chỉ số chỉ đang ở sát trên mức tham chiếu sau 1 giờ giao dịch sau đó.
Mặc dù vậy, dòng tiền vẫn đang rất mạnh ủng hộ thị trường, trong đó, tập trung giao dịch vẫn ở nhóm cổ phiếu nhỏ như ITA, HAG, TTF, TTB, EVG khi có thời điểm tăng lên mức giá trần, thanh khoản thuộc top cao nhất HOSE.
Trong đó, ITA tiếp tục tăng trần ngay đầu phiên lên 4.160 đồng và lượng dư mua giá trần treo tới hơn 30 triệu đơn vị. Tuy nhiên, bước vào nửa cuối phiên sáng, lực cung chốt lời tung ra một cách mạnh mẽ và bất ngờ khiến những nhà đầu tư mua đuổi không kịp trở tay. Toàn bộ lượng dư mua giá trần được khớp hết. Không những thế, lượng dư bán giá thấp hơn phía dưới cũng được hấp thụ hết bởi lực cung mạnh, đẩy ITA xuống dưới tham chiếu với tổng khớp tới hơn 33 triệu đơn vị.
Trong khi đó, HQC vẫn tăng kịch trần từ khi mở cửa và còn dư mua giá trần hơn 27 triệu đơn vị, khớp được hơn 2 triệu đơn vị.
Ở nhóm bluechip, HDB nổi sóng, khi tăng hết biên độ, và cũng đang trong tình trạng trắng bên bán và dư mua giá trần vài trăn ngàn đơn vị.
Bên cạnh đó, 2 ông lớn ngành tiêu dùng là SAB và MSN cũng hỗ trợ tốt cho thị trường, khi có mức tăng khá trên dưới 3%.
Giao dịch giằng co tiếp diễn ở nửa sau của phiên do nhóm bluechip phân hóa, nhưng với một số mã lớn tăng khá đã giữ cho VN-Index chủ yếu ở bên trên tham chiếu và kịp lên 880 điểm khi kết phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 155 mã tăng và 192 mã giảm, VN-Index tăng 1,62 điểm (+0,18%), lên 880,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 256,8 triệu đơn vị, giá trị 3.650,6 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 17 triệu đơn vị, giá trị 378,7 tỷ đồng.
Nhóm VN30 tuy có 17 mã giảm và 12 mã tăng, tuy nhiên, các mã giảm có biên độ chỉ ở mức thấp, trong đó, HPG giảm mạnh nhất, nhưng cũng chỉ -1,3% xuống 27.300 đồng, các mã khác như VIC -0,7%; VHM -0,5%; BID -0,4%; VRE -0,4%; NVL -0,9%; MWG -0,2%...
Những mã tăng thì một số lại tăng tốt, với tâm điểm là HDB, khi tăng kịch trần +6,8% lên 26.650 đồng. Thông tin thúc đấy cổ phiếu HDB có lẽ đến từ tài liệu họp Đại hội cổ đông mới được công bố với điểm nhấn chia cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu tỷ lệ 50% và phát hành thêm 15% cổ phiếu thưởng.
Bên cạnh đó, đóng góp tích cực cho thị trường còn có SAB +2,4% lên 182.000 đồng; GAS +1,7% lên 76.600 đồng; CTG +2,1% lên 24.000 đồng; MSN +2,5% lên 64.700 đồng; MBB +1,7% lên 18.150 đồng; EIB +3,2% lên 18.000 đồng.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, dù nỗ lực trở lại, nhưng lực cầu không đủ để giúp hấp thụ lượng cung chốt lời rất mạnh. Chốt phiên, ITA giảm 1,3% xuống 3.840 đồng, khớp hơn 38,4 triệu đơn vị, lớn nhất HOSE và bỏ xa phần còn lại.
Nhóm các mã HAG, TTF, TTB đánh mất sắc tím, nhưng vẫn tăng điểm, khớp lệnh HAG chỉ đứng sau ITA với hơn 11,67 triệu đơn vị.
Còn HQC, EVG vẫn vẹn nguyên sắc tím tại 1.260 đồng và 3.450 đồng, khớp lần lượt 2,1 triệu và 0,89 triệu đơn vị. Trong đó, HQC dư mua giá trần tới gần 28 triệu đơn vị, EVG dư mua giá trần hơn 2,77 triệu đơn vị.
Trái lại, ROS, KBC, DLG, OGC, LDG, TVB, NKG, AMD, HHS, SCR, DCM kết phiên trong sắc đỏ. Còn TNI giảm sàn -6,6% xuống 10.600 đồng, khớp hơn 2,11 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tăng vọt khi mở cửa, nhưng chịu áp lực bán gia tăng đã khiến chỉ số hạ dần độ cao, mặc dù vậy, với việc một số mã lớn, thanh khoản tốt đứng vững đã giúp chỉ số kết phiên tương đối vững chắc.
Theo đó, ACB +1,6% lên 25.500 đồng; VCS +1,6% lên 68.100 đồng; PVS +0,8% lên 12.900 đồng; SHS +1,1% lên 9.000 đồng; TNG +2,2% lên 14.100 đồng; NDN +2,7% lên 18.800 đồng. Đáng kể nhất là TAR tăng kịch trần +9,6% lên 25.000 đồng.
Giảm điểm chỉ còn NVB -1,2% xuống 8.000 đồng; MBG -1,7% xuống 5.900 đồng; MBS -0,9% xuống 10.700 đồng; HUT -4,2% xuống 2.300 đồng; AMV -1,2% xuống 16.900 đồng và TVC giảm sàn -10% xuống 28.800 đồng;
Trong khi đó, SHB, CEO cùng các mã nhỏ KLF, ART, PVX, HDA đứng tham chiếu.
Thanh khoản ACB cao nhất sàn với hơn 7,11 triệu đơn vị khớp lệnh. HUT có 4,89 triệu đơn vị; PVS có 4,47 triệu đơn vị; SHB có 3,11 triệu đơn vị; SHS có 2,33 triệu đơn vị…
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 41 mã tăng và 67 mã giảm, HNX-Index tăng 0,63 điểm (+0,55%), lên 114,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 40,1 triệu đơn vị, giá trị 489,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,51 triệu đơn vị, giá trị 35 tỷ đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng có vài nhịp chớm đỏ trong diễn biến giằng co, với lực mua khủng bất ngờ dành cho LPB đã kéo chỉ số bật hẳn lên từ nửa sau của phiên.
Theo đó, LPB khớp lệnh tới hơn 11,82 triệu đơn vị, tăng mạnh 10,1% lên 8.700 đồng.
Phần còn lại như BSR, G36, C4G, VIB, VEA, ACV, VCR, QNS, CTR tăng điểm cùng VHG, PVV, VNH tăng kịch trần. Trong khi VGI, DVN, LTG tạm kết phiên trong sắc đỏ.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,34 điểm (+0,61%), lên 55,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21,66 triệu đơn vị, giá trị 202,35 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,81 triệu đơn vị, giá trị 12,58 tỷ đồng.