Giao dịch chứng khoán sáng 25/4: Cặp CII - LGC nổi sóng

Giao dịch chứng khoán sáng 25/4: Cặp CII - LGC nổi sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi các nhóm cổ phiếu trụ cột bank - chứng - thép đang tạo sức ép khiến VN-Index chuyển qua trạng thái rung lắc nhẹ, thì thị trường "đón" những con sóng nhỏ lẻ với tâm điểm đáng chú ý là cặp CII - LGC.

Mặc dù phần lớn thời gian giao dịch phiên 24/4 chỉ lình xình, nhưng đà tăng mạnh của nhà Vingroup, đặc biệt là VIC tăng kịch trần, đã giúp VN-Index có phiên khởi sắc thứ 2 liên tiếp. Yếu tố đáng chú ý là dù điểm số tăng khá tốt, nhưng thanh khoản chưa bùng bổ, với khối lượng khớp lệnh thấp hơn 25% so với bình quân 20 phiên, nên động lực bứt phá chưa mạnh.

Về yếu tố kỹ thuật, các chỉ báo MACD và RSI đồng thuận hướng lên củng cố cho nhịp hồi phục, tuy nhiên chỉ số chung đang tiệm cận kháng cự tại MA20 nên cần chú ý khả năng rung lắc trong phiên tiếp theo.

Quay lại diễn biến thị trường phiên giao dịch sáng 25/4, VN-Index mở cửa vẫn trong sắc xanh nhưng với diễn biến chung giao dịch phân hóa nên chỉ số này chỉ tăng nhẹ.

Sau hơn 30 phút giao dịch khởi sắc, áp lực bán có dấu hiệu gia tăng và lan rộng hơn đã khiến nhiều mã đảo chiều điều chỉnh. Dù cổ phiếu lớn VIC vẫn giao dịch khởi sắc và hỗ trợ gần 3 điểm cho chỉ số chung, nhưng với sắc đỏ lan rộng hơn trên bảng điện tử, đáng kể là nhóm VN30 cũng “kém sắc” với số mã giảm đang gấp gần 3 lần số mã tăng, đã đẩy VN-Index lùi về dưới mốc tham chiếu.

Trong khi các nhóm cổ phiếu trụ cột bank – chứng – thép đều điều chỉnh dù không quá lớn, thì thì thị trường lại có những điểm sáng mới ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Điển hình là cặp cha con CII – LGC, trong khi LGC có phiên khởi sắc thứ 3 liên tiếp và đã sớm khoe sắc tím trong phiên sáng nay, thì CII cũng bùng nổ với mức tăng trần và thanh khoản lên tới hơn 17 triệu đơn vị.

Thị trường biến động giằng co và lùi nhẹ dưới mốc tham chiếu khi nhóm bluechip vẫn giao dịch kém tích cực.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 169 mã tăng và 280 mã giảm, VN-Index giảm 0,45 điểm (-0,04%) xuống 1.222,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 388,8 triệu đơn vị, giá trị 8.756,9 tỷ đồng, tăng 9% cả về khối lượng và 13,87% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 44 triệu đơn vị, giá trị 1.119,6 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chốt phiên giảm gần 5 điểm với 11 mã tăng và 16 mã giảm. Trong đó, cổ phiếu VIC vẫn là điểm sáng khi chốt phiên tăng 4,9%, đã đóng góp gần 3 điểm cho chỉ số chung, còn lại các mã chỉ tăng nhẹ trên dưới 1%.

Ngược lại, cổ phiếu LPB giảm sâu nhất khi mất 2,6%, còn lại cũng biến động trong biên độ hẹp. Cặp đôi ngân hàng BID và LPB tác động mạnh nhất khi lấy gần 1,2 điểm của chỉ số chung.

Xét về nhóm ngành, các nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép vẫn giảm nhẹ. Trong đó, cổ phiếu SHB sôi động nhất thị trường khi có 27,35 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên giảm 1,6%; cổ phiếu MBB vừa báo kết quả quý I/2025 với số lãi ấn tượng, chốt phiên chỉ tăng nhẹ 0,6%.

Tâm điểm thị trường vẫn là cặp đôi CII – LGC. Trong khi CII mất sắc tím nhưng chốt phiên vẫn tăng mạnh 6,3% và thanh khoản bùng nổ với gần 21 triệu đơn vị khớp lệnh, chỉ thua SHB đôi chút; còn LGC chốt phiên sáng nay vẫn tăng kịch trần.

Trên sàn HNX, thị trường đã đảo chiều điều chỉnh giảm trong nửa cuối phiên sáng.

Chốt phiên, sàn HNX có 62 mã tăng và 87 mã giảm, HNX-Index giảm 0,8 điểm (-0,38%), xuống 210,26 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 28,63 triệu đơn vị, giá trị 408,74 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Cặp đôi SHS và CEO giao dịch mạnh nhất thị trường, lần lượt khớp lệnh 4,34 triệu đơn vị và 2,35 triệu đơn vị, chốt phiên tương ứng giảm 0,8% và 1,6%.

Điểm sáng là cổ phiếu chứng khoán VIG kéo trần thành công với giao dịch sôi động. Chốt phiên, VIG tăng 9,5% lên mức 8.100 đồng/CP và khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sau thời gian ngắn đầu phiên rung lắc nhẹ, thị trường đã đảo chiều khởi sắc.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,23 điểm (+0,25%) lên 92,06 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 41 triệu đơn vị, giá trị 339,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,65 triệu đơn vị, giá trị 13 tỷ đồng.

Cổ phiếu SBS có thanh khoản tốt nhất thị trường với hơn 5,8 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng chốt phiên giảm 12,1% về sát mức giá sàn.

Trong khi đó, AAH có thanh khoản đứng ở vị trí tiếp theo, đạt 5,75 triệu đơn vị, chốt phiên tăng kịch trần.

Tin bài liên quan