Giao dịch chứng khoán sáng 24/6: Bluechip "châm ngòi", thị trường giảm mạnh

Giao dịch chứng khoán sáng 24/6: Bluechip "châm ngòi", thị trường giảm mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán mạnh từ nhóm cổ phiếu bluechip đã lan rộng ra thị trường khiến bảng điện tử chìm trong sắc đỏ và VN-Index giảm mạnh về dưới mốc 1.270 điểm.

Bất chấp áp lực bán mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài với giá trị bán ròng trung bình trên dưới nghìn tỷ mỗi phiên, lực cầu trong nước vẫn là động lực chính giúp thị trường có tuần giao dịch tích lũy. Chỉ số VN-Index chủ yếu đi ngang, sideway trong biên độ hẹp kể cả biên độ biến động và khối lượng, hình thành nến doji thể hiện sự phân vân lưỡng lự của giới đầu tư.

Về yếu tố kỹ thuật, VN-Index cho dấu hiệu vận động ổn định khi tiếp tục bám sát đường MA20 với thanh khoản thấp, đồng thời dải Bollinger band có tín hiệu bó hẹp giúp củng cố cho diễn biến dao động tích lũy đi ngang của chỉ số chung. Đồng thời, các chỉ báo RSI, MACD chưa có vận động rõ ràng về xu hướng chung, cho thấy thị trường vẫn cần thêm thời gian để tìm lại điểm cân bằng, tuy nhiên các rủi ro về rung lắc mạnh không quá đáng lo trong ngắn hạn.

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), hiện thị trường chưa có nhiều thông tin mới hấp dẫn tuy nhiên nhà đầu tư đã hướng đến mùa báo cáo bán niên, vì vậy khả năng dòng tiền sẽ gia tăng tích luỹ ở một số dòng cổ phiếu đặc biệt. Chỉ số VN-Index có thể không biến động quá nhiều nhưng xu hướng chung sẽ tích cực hơn tuần trước đó.

Quay lại diễn biến thị trường phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 24/6, tâm lý nhà đầu tư thận trọng khiến VN-Index tiếp tục duy trì trạng thái rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu.

Tuy nhiên, diễn biến trên chỉ tồn tại trong khoảng 1 giờ giao dịch và thị trường bắt đầu xuất hiện những tín hiệu kém lạc quan. Áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip là “mồi lửa” lan rộng ra toàn thị trường.

Bên cạnh sức ép ngày càng tăng mạnh ở nhóm VN30, bảng điện tử cũng chìm trong sắc đỏ, đã khiến VN-Index lùi sâu và xuyên thủng mốc hỗ trợ 1.270 điểm. Trên thị trường, chỉ còn vài ba nhóm ngành nhỏ lẻ giữ được đà tăng nhẹ, còn lại cũng không thoát khỏi trạng thái giảm.

Trong đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán “tiên phong” với đà giảm khá mạnh lan rộng toàn ngành. Chỉ còn duy nhất VND chớm xanh, còn lại đều giảm khá sâu.

Áp lực bán mạnh trên diện rộng vẫn khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và VN-Index duy trì đà giảm sâu dù lực cầu tham gia khá tích cực giúp thanh khoản tăng vọt.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 89 mã tăng và 342 mã giảm, VN-Index giảm 18,03 điểm (-1,41%) xuống 1.263,99 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 609 triệu đơn vị, giá trị 15.767,3 tỷ đồng, tăng 86,35% về khối lượng và hơn 80% giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 21/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 34,2 triệu đơn vị, giá trị 979,2 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chốt phiên có tới 24 mã giảm và chỉ còn 4 mã giữ sắc xanh, chỉ số nhóm này giảm tới hơn 22 điểm về mốc 1.297 điểm. Đáng chú ý, cổ phiếu POW đã ngược dòng thị trường chung khá ấn tượng khi nới rộng biên độ, chốt phiên tăng 2% lên mức 15.000 đồng/CP; các mã giữ sắc xanh khác trong rổ này là VCB, VRE và VIC chỉ tăng nhẹ trên dưới 0,5%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu SSB giảm mạnh nhất khi mất 4%, tiếp theo là GVR giảm 3,6% - là mã tác động mạnh nhất khi lấy đi hơn 1,2 điểm của chỉ số chung, BVH giảm 3%...

Xét về nhóm ngành, toàn thị trường chỉ còn nhóm nông lâm ngư và nhóm dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí giữ được sắc xanh với mức tăng chỉ hơn 0,5%; còn lại đều chìm trong sắc đỏ.

Trong đó, nhóm chứng khoán vẫn là chỉ báo của thị trường, thuộc top giảm sâu nhất khi phần lớn đều giảm trên 3-4%, với CTS, VDS, TVS giảm trên 6%. Tuy nhiên, cổ phiếu VND tiếp tục là điểm sáng ngành khi duy trì sắc xanh nhạt, chốt phiên tăng 0,6% lên mức 16.300 đồng/CP, thanh khoản thuộc top 10 mã dẫn đầu thị trường với gần 13,2 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng lùi sâu hơn bởi hầu hết đều nới rộng biên độ giảm, trong đó anh cả của ngành là VCB vẫn là mã duy nhất giữ sắc xanh, đóng cửa tăng nhẹ 0,7% lên mức 86.600 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu thép cũng không nằm ngoài xu hướng chung, trong đó HPG giảm 2,1% và chốt phiên đứng tại mức 28.450 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 23,4 triệu đơn vị; còn HSG giảm mạnh 4,8% xuống mức 24.0000 đồng/CP và khớp 15,6 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường cũng giảm mạnh trước sức ép lớn từ nhóm cổ phiếu bluechip.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 56 mã tăng và 128 mã giảm, HNX-Index giảm 3,83 điểm (-1,57%) xuống 240,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 59 triệu đơn vị, giá trị 1.228,25 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,58 triệu đơn vị, giá trị 101,43 tỷ đồng.

Các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng đua nhau giảm mạnh, trong đó SHS có thời điểm nằm sàn và chốt phiên giảm 3,3% xuống mức 17.600 đồng/CP với thanh khoản vẫn sôi động nhất thị trường, đạt 14,69 triệu đơn vị; còn MBS giảm 6,6% xuống mức 32.400 đồng/CP và khớp 4,24 triệu đơn vị.

Nhiều mã khác trong rổ HNX30 cũng giảm mạnh như PVS giảm 3,3%, PVC giảm 4,4%, IDC giảm 2,3%, TNG giảm 3,1%, HUT giảm 1,8%..., thanh khoản đạt một đến vài triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, DL1 là tâm điểm đáng chú ý khi có thời điểm kéo trần thành công, chốt phiên tăng 4,1% lên 5.100 đồng/CP với gần 1,2 triệu đơn vị khớp lệnh,

Trên UPCoM, sau nửa đầu phiên nỗ lực giữ sắc xanh, thị trường cũng đã quay đầu giảm.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 1,24 điểm (-1,24%) xuống 99,34 điểm với 118 mã tăng và 153 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 51,55 triệu đơn vị, giá trị 1.019,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,14 triệu đơn vị, giá trị 13,75 tỷ đồng.

Nhiều mã lớn giảm mạnh như BSR giảm 4,6%, VEA giảm 4,7%, VGI giảm 6,3%..., trong đó BSR vẫn có thanh khoản vượt trội trên thị trường với 10,54 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Trong khi đó, tâm điểm đáng chú ý là những mã vừa và nhỏ như C4G tăng 5,1% và khớp lệnh chỉ thua BSR, đạt 2,92 triệu đơn vị; TVN tiếp tục tăng tốc với biên độ tăng 5,7% lên mức 9.300 đồng/CP và khớp 1,83 triệu đơn vị; G36 tăng 5,9% và khớp 1,26 triệu đơn vị; TTN tăng 7,2% và khớp gần 1 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan