Thị trường rơi vào trạng thái “lên thang bộ, xuống thang máy” khi bất ngờ lao dốc mạnh trong phiên hôm qua ngày 24/11 sau 3 phiên đầu tuần tăng điểm khá mong manh với nỗ lực tiếp cận ngưỡng MA200 tại 1.115 điểm nhưng bất thành.
Áp lực bán tháo diễn ra ồ ạt trong đợt khớp lệnh ATC, đặc biệt ở 5 phút trước khi đóng cửa đã khiến hàng loạt mã đua nhau nằm sàn và chỉ số VN-Index bốc hơi hơn 25 điểm, thủng mốc 1.100 điểm và phát đi những tín hiệu tiêu cực với cây nến marubozu giảm điểm mạnh đi kèm thanh khoản tăng vọt.
Bên cạnh đó, chỉ báo RSI cũng hướng xuống tiêu cực và giảm dưới khu vực đáy cũ cho thấy rủi ro ngắn hạn đang gia tăng. Theo VCBS, hỗ trợ gần nhất của VN-Index là quanh khu vực 1.080 điểm nhưng cũng là khá mong manh.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 24/11, tâm lý nhà đầu tư có chút bình tĩnh hơn sau cuộc tháo chạy hôm qua đã giúp VN-Index có những nhịp hồi nhẹ.
Tuy nhiên, áp lực bán vẫn chực chờ trên diện rộng khiến thị trường nhanh chóng trở lại với sắc đỏ dù lực bán tháo đã không còn. Sau khoảng 90 phút mở cửa, VN-Index vẫn đang nỗ lực bảo vệ vùng giá 1.080 điểm và hiện đang giảm nhẹ gần 5 điểm, dù số mã giảm điểm đang gấp gần 5 lần số mã tăng.
Mặc dù hầu hết các nhóm ngành cùng trong xu hướng điều chỉnh giảm nhẹ, nhưng tín hiệu phát đi đang có chút hy vọng khi nhóm cổ phiếu chứng khoán đang dần khởi sắc và trở thành nhóm tăng tốt nhất thị trường.
Trong đó, VIX và VND đều tăng nhẹ và thanh khoản cùng đạt trong khoảng 10-20 triệu đơn vị khớp lệnh. Các mã khác như VCI, HCM, SHS, MBS đều đang có mức tăng hơn 1-2%.
Ngưỡng 1.080 điểm vẫn đang đóng vai trò hỗ trợ khá tốt cho thị trường trong phiên sáng nay, khi lực cầu xuất hiện khá kịp thời mỗi nhịp nhún về sát vùng giá này đã giúp VN-Index bật ngược đi lên và thu hẹp biên độ giảm đôi chút. Tuy nhiên, thị trường đang khá mong manh bởi áp lực bán vẫn luôn chực chờ và nếu lực cầu sôi động không sớm nhập cuộc thì sự mất kiên nhẫn của bên bán có thể lại một lần nữa nhấn chìm thị trường.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE vẫn có số mã giảm chiếm áp đảo với 397 mã và chỉ còn 78 mã tăng, VN-Index giảm 2,15 điểm (-0,2%), xuống 1.086,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 422,95 triệu đơn vị, giá trị 8.385,35 tỷ đồng, tăng 13,45% về khối lượng và 11,42% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 29,09 triệu đơn vị, giá trị 713,15 tỷ đồng.
Động lực chính giúp VN-Index tiến gần hơn với mốc tham chiếu chính là nhóm cổ phiếu VN30. Dù số mã giảm gấp đôi số mã tăng, nhưng cặp đôi lớn thuộc ngành tiêu dùng và bán lẻ là SAB và MWG tăng tốt về cuối phiên, cùng đóng góp lớn trên dưới 0,5 điểm cho chỉ số chung, đã hỗ trợ giúp thị trường cân bằng hơn.
Cụ thể, chốt phiên, SAB tăng 2,6% lên mức giá cao nhất trong phiên là 62.000 đồng/CP, còn MWG tăng 1,9% lên mức 1.900 đồng/CP. Còn lại các cổ phiếu khác khởi sắc trong rổ này chỉ có mức tăng trên dưới 1%.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu BCM giảm mạnh nhất khi mất 2,2%, tuy nhiên những cổ phiếu ngân hàng lại là gánh nặng chính với TCB, BID, CTG đều lấy đi hơn 0,3 điểm của chỉ số chung ở mỗi mã.
Xét về nhóm ngành, chứng khoán rung lắc nhưng chốt phiên là một trong số ít nhóm có được sắc xanh. Trong đó, cặp đôi lớn VND và HCM đều tăng 1,5%, VCI tăng xấp xỉ 1%, SSI tăng nhẹ 0,81%, cùng một số mã khác cũng nhích nhẹ trên dưới 0,5%. Còn lại CTS, VDS, TVS… điều chỉnh giảm trên dưới 1%.
Cổ phiếu VIX vẫn chỉ nhích nhẹ 0,6% nhưng tiếp tục có thanh khoản tốt nhất thị trường với hơn 24,84 triệu đơn vị khớp lệnh; VND cũng thuộc top 5 cổ phiếu giao dịch sôi động nhất với13,95 triệu đơn vị khớp lệnh.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh nhẹ, nhờ sự hồi phục đà tăng nhẹ của VCB, VPB, HDB, LPB. Trong đó, LPB tăng tốt nhất ngành, đạt 1,7% lên mức 15.250 đồng/CP và khớp 0,81 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, lực cầu cũng gia tăng về cuối phiên với tâm điểm là nhóm HNX30, đã giúp thị trường thu hẹp biên độ giảm.
Chốt phiên, sàn HNX có 38 mã tăng và 118 mã giảm, HNX-Index giảm 0,97 điểm (-0,43%) xuống 223,57 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 56,6 triệu đơn vị, giá trị 1.025,47 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,45 triệu đơn vị, giá trị đạt 9,96 tỷ đồng.
Các cổ phiếu trong rổ HNX30 là tâm điểm đáng chú ý, đặc biệt là pha “quay xe” ngoạn mục của CEO khi có thời điểm lùi về mức giá sàn và đã đảo chiều thành công, chốt phiên tăng nhẹ 0,5% lên mức 22.100 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 10,77 triệu đơn vị. Ngoài ra, các mã PVS, IDC, TIG, VCS cùng đều chốt phiên trong sắc xanh.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng tích cực hơn với MBS chốt phiên tăng 2,5% và khớp 3,53 triệu đơn vị, SHS tăng 1,8% và thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường với 15,91 triệu đơn vị khớp lệnh; BVS tăng nhẹ 0,4%...
Trên UPCoM, thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,36%), xuống 84,64 điểm với 84 mã tăng và 170 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19,42 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 194 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,21 triệu đơn vị, giá trị 9,75 tỷ đồng.
Chỉ có 3 mã có thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị, trong đó BSR vẫn dẫn đầu với xấp xỉ 2 triệu đơn vị giao dịch thành công, chốt phiên giảm 2,1% xuống mức 18.800 đồng/CP.
Tiếp theo là BOT khớp 1,25 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 3% xuống mức 3.200 đồng/CP.
Tâm điểm đáng chú ý là HSV có thời điểm chạm trần và chốt phiên tăng ấn tượng 12,2% lên 5.500 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt 1,06 triệu đơn vị.